3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

11:52 | 10/07/2023

Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6,46% trong điều kiện kinh tế thế giới có chuyển biến tích cực, trong nước quyết liệt nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và cải cách môi trường kinh doanh hiệu quả.
Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh
Tăng trưởng tín dụng giảm tốc mạnh trong 6 tháng đầu năm
3 nguyên nhân "khác thường" khi lãi suất giảm nhanh mà tín dụng tăng chậm

Sáng ngày 10/7 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”.

Báo cáo tại hội thảo cho biết, dù đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý 1/2023 và 4,14% trong quý 2/2023, song kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, gồm: Khả năng tiếp tục và mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt;

Các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh chiến lược (cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ), song xu hướng cân bằng hợp tác theo hướng tránh “chọn bên” sẽ phổ biến hơn ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình;

Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị thực thi Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu;

Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội và Năng lực của Việt Nam trong việc thực hiện hài hòa, song hành cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Trước diễn biến trên, báo cáo đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023 với giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022.

Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023 với giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Kịch bản 3: Tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023.

Kịch bản này đòi hỏi một loạt các giả thiết, bao gồm cả việc bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, các cơ quan Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ và giải ngân đầu tư công, song hành với việc cải cách mạnh mẽ và hiệu quả về môi trường kinh doanh, các quy định và tăng năng suất lao động. Điểm quan trọng là sự cải thiện đáng kể đối với niềm tin của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Kinh tế Việt Nam thường phục hồi mạnh trong các tháng cuối năm

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết, thực tiễn các năm 2020-2022 đã cho thấy, không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong 1-2 quý đầu năm nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm. Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 cũng có thể là “sức ép tích cực” để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách trong thời gian tới.

Về kiến nghị cụ thể, ông Dương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp, khó lường, với nhiều khó khăn kéo dài, việc tạo động lực mới cho cải thiện môi trường kinh doanh lại càng trở nên quan trọng để tháo gỡ khó khăn, tạo không gian mới cho hoạt động sản xuất-kinh doanh.

“Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát chỉ là một điều kiện cần, chứ chưa đủ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cả năm 2023 ở mức cao nhất. Thay vào đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát phải là nền tảng vững chắc để các bộ, ngành, địa phương yên tâm, tập trung vào cải cách các quy định, rào cản gây bất lợi cho hoạt động và sự phục hồi của doanh nghiệp. Ngược lại, cải thiện môi trường kinh doanh cũng giúp nâng cấp năng lực sản xuất của nền kinh tế, qua đó giúp giảm bớt áp lực và giữ được dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.”, ông Dương nêu rõ.

Về chính sách tiền tệ, ông Dương cho rằng, cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh và hỗ trợ hiệu quả cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, cân đối vĩ mô và mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, NDT, Euro, Yên Nhật cũng như giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá gắn với các công cụ chính sách khác một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Về chính sách tài khóa, ông Dương nhấn mạnh cần rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định, thủ tục nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công có hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, nghiên cứu khả năng điều chỉnh mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho một số nhóm đối tượng phù hợp; và đánh giá tác động của việc đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các phương án sử dụng nguồn thu bổ sung từ sắc thuế này cho các chương trình phát triển bền vững.

Ngân hàng Thế giới (WB): Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,3% năm 2023
Chuyên gia nhận định: "SVB sụp đổ không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và kinh tế Việt Nam"
Việt Nam đón sóng dịch chuyển của nhà đầu tư ngoại

Nguyễn Ngọc

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/3-kich-ban-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2023-188489.html

In bài viết