Truyền cảm hứng cho phụ nữ vùng cao trong hành trình đi tìm hạnh phúc

06:29 | 06/07/2023

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Ra khỏi màn sương" nhằm lan tỏa những câu chuyện chân thực và xúc động về sự vươn lên của phụ nữ dân tộc thiểu số trong cuộc sống.
Vẻ đẹp phụ nữ Lai Châu trong trang phục truyền thống Vẻ đẹp phụ nữ Lai Châu trong trang phục truyền thống
Người dân tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới không thấy “hạnh phúc” Người dân tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới không thấy “hạnh phúc”

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho rằng, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, đã và đang phải đối mặt với nhiều quan niệm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng và trao cơ hội phát triển bình đẳng như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục kéo vợ… Những điều này đã như màn sương vô hình cản bước chân của những người phụ nữ vùng cao trong hành trình đi tìm hạnh phúc.

Tọa đàm "Ra khỏi màn sương" là những chia sẻ và lát cắt trong cuộc đời của hai mẹ con: chị Châu Thị Say và em Má Thị Di, ở thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Truyền cảm hứng cho phụ nữ vùng cao trong hành trình đi tìm hạnh phúc
Tọa đàm "Ra khỏi màn sương" là những chia sẻ và lát cắt trong cuộc đời của hai mẹ con: chị Châu Thị Say và em Má Thị Di (Ảnh: Báo Lào Cai).

Em Má Thị Di (người dân tộc Mông, sinh năm 2004) đã dũng cảm đấu tranh và thoát khỏi việc bị kéo về làm vợ một người mà em không yêu, vượt qua định kiến, tìm kiếm được hạnh phúc cho mình.

Chị Châu Thị Say là mẹ đẻ của Má Thị Di (sinh năm 1982). Giống như những phụ nữ Mông khác, chị Say đã trải qua hôn nhân theo truyền thống của dân tộc mình. Trong câu chuyện của Di, là một người mẹ, để bảo vệ tương lai và hạnh phúc của con gái, chị Châu Thị Say đã có sự đấu tranh giữa việc nên theo tục lệ xưa nay của dân tộc mình hay tôn trọng quyết định và hạnh phúc của con trẻ.

Hai thế hệ, hai suy nghĩ với những giằng xé, tranh đấu nội tâm sâu sắc để đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai trước những rào cản vô hình đã hằn sâu trong tâm thức của cộng đồng người Mông bao đời qua. Hành trình đi tìm hạnh phúc với đầy đủ đắng, cay, mặn, ngọt của những thành viên trong cùng một mái nhà đã được hai mẹ con chị Châu Thị Say và em Má Thị Di chia sẻ với khách mời, công chúng tại tọa đàm.

Trước câu hỏi vì sao ở tuổi 14 - 15, Di không như các bạn gái Mông khác đều đã lấy chồng, ngược lại Di còn chống lại người đã "kéo" Di về làm vợ? Má Thị Di chia sẻ: "Lúc đó, em không nghĩ gì nhiều, chỉ biết còn phải đi học, hơn nữa mình còn nhỏ, ở nhà với bố mẹ còn chưa biết làm việc gì, chưa giúp được bố mẹ, nếu phải đi lấy chồng làm sao gánh vác được việc nhà chồng".

Sau khi từ chối bị kéo về làm vợ, Má Thị Di tiếp tục học và trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ vùng cao. Di mơ ước sẽ mở homestay tại quê hương Sa Pa, tạo nhiều việc làm cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao để họ có thu nhập, chủ động cuộc sống, không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ tại sự kiện
Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Báo Lào Cai).

Tại tọa đàm, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bày tỏ xúc động về câu chuyện của 2 khách mời chính tại sự kiện. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, việc thay đổi nhận thức, tư duy của cả một thế hệ là điều không đơn giản, chưa kể có những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi một quá trình mưa dầm thấm lâu, bằng nhiều hình thức, cách thức tác động. Những câu chuyện như Má Thị Di là "người thật việc thật" thực sự là tấm gương quý để công tác truyền thông hiệu quả hơn. Qua đó hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đặc biệt khó khăn.

Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vẫn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Ước mong của giáo viên vùng khó trên hành trình dạy chữ Ước mong của giáo viên vùng khó trên hành trình dạy chữ
Chẳng quản nắng, mưa hay đường sá hiểm trở, những giáo viên ở vùng khó Kon Tum vẫn ngày đêm miệt mài trao truyền tri thức.
Ngư dân Ninh Thuận nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản, khắc phục Ngư dân Ninh Thuận nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản, khắc phục "thẻ vàng" IUU
Tính đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cũng chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận.

Quỳnh Anh (TH)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/truyen-cam-hung-cho-phu-nu-vung-cao-trong-hanh-trinh-di-tim-hanh-phuc-188300.html

In bài viết