Báo chí với công tác thông tin đối ngoại: Để thông tin đúng, đủ, hữu ích và kịp thời

14:08 | 17/06/2022

Kinh nghiệm tiếp cận với bạn đọc là người nước ngoài; kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trên báo chí... được đại diện lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan báo chí chia sẻ tại Tọa đàm "Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam".
Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại
Đồng Nai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức công tác đối ngoại nhân dân năm 2022 Đồng Nai bồi dưỡng, cập nhật kiến thức công tác đối ngoại nhân dân năm 2022
Báo chí với công tác thông tin đối ngoại: để thông tin đúng, đủ, hữu ích và kịp thời...
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ông Lê Quang Thiện, Tổng Biên tập Tạp chí Thời Đại: Kinh nghiệm về tiếp cận với bạn đọc là người nước ngoài và Việt kiều

Tạp chí Thời đại là cơ quan trực thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, có nhiệm vụ cung cấp thông tin đúng, đủ, hữu ích và kịp thời về đất nước, con người Việt Nam xưa và nay tới bạn đọc là người nước ngoài và Việt kiều. Thực hiện nhiệm vụ đó, Thời Đại có 5 trang báo điện tử với các ngôn ngữ: Lào, Campuchia, Nga, Anh, Trung Quốc để thông tin đến các bạn đọc mục tiêu.

Để tiếp cận bạn đọc là người nước ngoài và Việt kiều, trước hết chúng tôi xác định bạn đọc mục tiêu. Với 5 trang báo ngoại ngữ, Thời Đại đã phân tách nhóm bạn đọc theo tính chất sử dụng ngôn ngữ. Nhóm 1 là những bạn đọc tuy sử dụng chung ngôn ngữ nhưng họ thuộc nhiều quốc gia, nhiều vùng miền văn hóa. Cụ thể là những bạn đọc dùng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung. Các nhóm đó tuy cùng ngôn ngữ nhưng khác nhau về văn hóa đọc, trình độ, quan điểm, nền tảng công nghệ, thị hiếu thông tin, thị trường báo chí... Họ khác nhau về sự quan tâm, liên quan đến Việt Nam cũng như kiều dân của họ tại Việt Nam hay đồng bào ta ở nước họ. Nhóm 2 là bạn đọc đơn chất là tiếng Lào hay tiếng Khmer thì cùng quốc gia, cùng văn hóa và cung các yếu tố vừa nêu trên.

Sau đó chúng tôi lập danh mục các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có chuyên môn và có hoạt động liên quan đến các quốc gia, vùng miền liên quan đến mỗi ngôn ngữ, từ đó chúng tôi phối hợp với họ để phân tích bạn đọc. Ví dụ, các đại sứ quán bạn ở Việt Nam, Đại sứ quán ta ở nước bạn, các Hội hữu nghị, các tổ chức nghiên cứu, tđào tạo chuyện ngành; chuyên gia, cá nhân liên quan. Chúng tôi xây dựng một số cơ chế, phương pháp phối hợp với các cá nhân, tổ chức này như phỏng vấn, hội thảo, thỏa thuận hợp tác, đặt hàng, mời tham gia các cơ chế của Tạp chí... để có được những dữ liệu cần thiết về các nhóm đối tượng bạn đọc mục tiêu.

Sau khi có thông tin về vùng bạn đọc mục tiêu, chúng tôi xây dựng các kế hoạch tiếp cận, tương tác. Phương châm bao trùm, xuyên suốt để xây dựng các kế hoạch là tiếp cận và chinh phục các nhóm bạn đọc theo nguyên lý "vết dầu loang". Theo đó, bạn đọc là người nước ngoài ở Việt Nam được tiếp cận đầu tiên và ưu tiên nguồn lực. Trong nhóm người nước ngoài ở Việt cũng được phân tách các tầng, nhóm hội khác nhau. Mỗi tầng lớp, nhóm có những "thực đơn" riêng. Nhóm bạn đọc tiếp theo là những cá nhân, tổ chức đang hợp tác, đầu tư, du lịch, học tập, quan tâm đến Việt Nam với các lợi ích, hình thức và mức độ khác nhau. Tùy từng mối quan tâm, mức quan tâm của họ, chúng tôi xây dựng kế hoạch tiếp cận. Cứ như vậy, mỗi trang ngoại ngữ sẽ có những bộ công cụ, cẩm nang riêng. Vừa làm vừa ghi nhận, tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện.

Thứ hai là đồng sáng tạo. Thay vì phóng viên chủ động phỏng vấn đối tượng thì vận động đối tượng trở thành đồng tác giả sản xuất sản phẩm báo chí đó. Người được phỏng vấn từ trạng thái bị động trước đây, nếu tham gia đồng sáng tạo thì chuyển sang thế chủ động sản xuất sản phẩm báo chí. Họ sẽ nhiệt tình hơn, trách nhiệm hơn nhưng chúng tôi cũng cần xử lý vấn đề xác tín thông tin, tính chuyên nghiệp của đối tác. Phương thức của chúng tôi là trao đổi với đối tác, cung cấp thông tin về mục đích, nhu cầu, cách thức, kỹ thuật tác nghiệp, ứng dụng nền tảng công nghệ, cam kết bản quyền, tính trung thực và những yêu cầu pháp lý của thông tin; quyền lợi và trách nhiệm của đối tác. Tùy từng đề tài, hoàn cảnh và đối tác chúng tôi mới chọn phương thức "đồng sáng tạo". Kinh nghiệm là khi đặt vấn đề mời đối tác tham gia sáng tạo phải làm cho bạn hiểu đây là việc tốt chung, bạn sẽ an toàn, bạn có trách nhiệm và bạn có quyền lợi được nói, viết, được hiện diện và sáng tạo.

Thứ ba là lan tỏa sản phẩm. Khi hợp tác với đối tác tức là cá nhân, tổ chức được phỏng vấn hoặc đồng sản xuất, Ban Biên tập luôn lưu ý phóng viên, trong điều kiện có thể, phải đặt vấn đề không chỉ sản xuất sản phẩm báo chí mà còn hợp tác để chia sẻ, lan tỏa tác phẩm ấy trên tất cả các kênh thông tin có thể. Nghĩa là đối tác có trách nhiệm phát tán tác phẩm, nhận phản hồi bạn đọc cùng với phóng viên.

Báo chí với công tác thông tin đối ngoại: để thông tin đúng, đủ, hữu ích và kịp thời...
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phòng Tin trong nước - Ban Thời sự (Đài Tiếng nói Việt Nam). Ảnh: VUFO

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phòng Tin trong nước - Ban Thời sự (Đài Tiếng nói Việt Nam): Đề nghị tổ chức các chuyến thực tế về địa phương làm tốt công tác đối ngoại nhân dân

Thời gian qua, các cơ quan báo chí, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại của đất nước, trong đó có đối ngoại nhân dân. Trên các mặt sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, mảng thông tin đối ngoại luôn chiếm vị trí quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền.

Để công tác tuyên truyền các hoạt động đối ngoại được hiệu quả, rất mong Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có thể xem xét một số đề xuất:

Trước hết, đối với các sự kiện diễn ra theo kế hoạch, từng quý hoặc từng tháng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thông tin cho phóng viên theo dõi để bám sát các kế hoạch tuyên truyền cũng như lên các vệt tuyên truyền tùy theo mức độ quan hệ sâu đậm giữa Việt Nam với các nước.

Thứ hai, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có thể gợi ý, định hướng, đề xuất các phóng viên tuyên truyền về các hoạt động thông tin đối ngoại quan trọng, tổ chức các chuyến đi thực tế về các địa phương làm tốt công tác đối ngoại nhân dân hay các dự án hiệu quả của các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Việt Nam.

Thứ ba, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cung cấp thông tin về các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo Liên hiệp hay các bộ phận trực thuộc Liên hiệp trong việc mở rộng, tăng cường hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước cũng như các tổ chức quốc tế, để mảng thông tin đối ngoại nhân dân được đa dạng, phong phú.

Cuối cùng, định kỳ theo năm hay hai năm, hoặc ba năm một lần, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trao bằng khen hay phần thưởng động viên, khích lệ các phóng viên báo chí làm tốt trong công tác tuyên truyền các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Phóng viên Thu Phương (TTXVN): Tăng cường hợp tác giữa báo chí với các hội hữu nghị

Công tác đối ngoại nhân dân thời gian qua đã có những bước đi mới, cách làm hiệu quả, linh hoạt hơn và ngày càng mang đậm hơi thở cuộc sống, phù hợp với vai trò tiên phong trong việc xây dựng mối quan hệ gần gũi, thiện cảm với bạn bè quốc tế, giữa bạn bè quốc tế với Việt Nam, từ đó giúp bạn bè quốc tế ngày càng hiểu hơn về Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại nhân dân, công tác tuyên truyền đối ngoại nhân dân đã có sự chủ động giúp cho báo chí có được thông tin kịp thời trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội.

Hiện xã hội đã trở lại trạng thái bình thường mới, đây là thời điểm thuận lợi cho công tác đối ngoại nhân dân, việc tuyên truyền công tác đối ngoại nhân dân sẽ có những bước chuyển mới. Chúng tôi rất mong muốn có sự tương tác, hợp tác giữa báo chí với các hội hữu nghị trong thời gian tới, nhất là khi diễn ra những sự kiện quan trọng.

Ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Nga, Tổng Biên tập tạp chí Bạch Dương: Cần có định hướng, hướng dẫn cập nhật, sát sườn, cụ thể, thường xuyên hơn nữa

Công tác thông tin đối ngoại vô cùng quan trọng nhưng cũng vô cùng khó. Một trong những nguyên nhân là vì nội hàm của thông tin đối ngoại rất rộng, đối tượng của thông tin đối ngoại không chỉ là người nước ngoài, dư luận thế giới mà còn có người Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam ở trong nước, người nước ngoài ở Việt Nam.

Bản thân người làm công tác thông tin đối ngoại đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng. Bên cạnh đó, trước những vụ việc, tình hình phức tạp, cơ quan chức năng về công tác thông tin đối ngoại cần có các định hướng, hướng dẫn cập nhật, sát sườn hơn nữa, nhanh hơn, cụ thể và thường xuyên hơn nữa để lúc đó người làm công tác thông tin đối ngoại thực hiện tốt và hiệu quả công việc của mình.

Hiến kế nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Hiến kế nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII

Thành Luân

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bao-chi-voi-cong-tac-thong-tin-doi-ngoai-de-thong-tin-dung-du-huu-ich-va-kip-thoi-170490.html

In bài viết