Độc đáo mũ Then người Tày, Nùng xứ Lạng

19:44 | 15/06/2022

Thực hành Then là loại hình văn hóa dân gian mang nhiều ý nghĩa đặc sắc vùng miền, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tày, Nùng (Lạng Sơn). Trong trang phục, dụng cụ người làm Then thì chiếc mũ tạo nên hình tượng độc đáo, sức lan tỏa, uy nghiêm của thầy Then.
Ngất ngây cùng điệu hát Sli của người Nùng Bắc Kạn Ngất ngây cùng điệu hát Sli của người Nùng Bắc Kạn
Độc đáo lễ cầu phúc, cầu an, cầu lộc của người Tày Độc đáo lễ cầu phúc, cầu an, cầu lộc của người Tày

Mũ Then với nhiều tên gọi khác nhau tùy từng vùng miền, ví như nơi gọi là Mù Sluông, chỗ là Mù Then, Mù Pựt... Cách gọi này liên quan đến việc người làm Then dùng chiếc mũ vào dịp nào, vai trò quan trọng của nó trong việc tiến hành các nghi thức thờ cúng ra sao. Với tên gọi Mù Sluông thì vai trò của người làm Then lúc này đang nhập vai người phu đò, còn Mù Pựt là mũ của con Then có tín ngưỡng thờ Phật…

Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh Lạng Sơn cho biết: Chiếc mũ Then có hình dáng như hai mái nhà úp đội lên đầu. Ở xứ Lạng, mũ Then thường có hai kiểu là mũ sáp và mũ thêu. Trong tổng thể trang phục dùng trong nghi lễ Then, chiếc mũ đóng vai trò quan trọng, tạo điểm nhấn và thể hiện uy lực của các thầy khi hành lễ. Theo quan niệm, người thầy khi bắt đầu làm Then sẽ được cấp cho chiếc mũ, đàn tính, chùm xóc nhạc để hành nghề và chỉ được sử dụng cho các hoạt động quan trọng.

Độc đáo mũ Then người Tày, Nùng xứ Lạng
Các "thầy Then" Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến

“Màu sắc chủ đạo của mũ là màu đỏ, theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, màu đỏ tượng trưng của may mắn, bình an, sự linh thiêng của tín ngưỡng. Điểm khác biệt của mũ Then xứ Lạng so với các địa phương khác nằm ở họa tiết hoa văn trên mũ, tùy theo độ khéo tay của người làm và yêu cầu của từng dòng Then nhưng phổ biến thường là tứ linh (long, lân, quy, phượng), Phật ngồi thuyết pháp, Tiên đánh đàn, quân binh phi ngựa. Mặt sau của mũ Then có gắn nhiều tua vải được kết nối từ rất nhiều mảnh ghép sặc sỡ với đủ ngũ sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Những dải tua dài gắn sau mũ là dấu hiệu để phân biệt thứ bậc cao hay thấp của thầy Then. Hiện nay, người thầy cao tay nhất phải có đủ 17 dải trên mũ”, ông Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT &DL) tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, ngành VH-TT &DL đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy di sản Then, trong đó, bao gồm cả trang phục nói chung và mũ Then nói riêng. Cụ thể, năm 2020, lãnh đạo ngành đã giao Bảo tàng tỉnh tổng kiểm kê trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó, có trang phục dùng trong các hoạt động tín ngưỡng, hành lễ của thầy Then. Bên cạnh đó, trưng bày các mũ Then tại nhà trưng bày bảo tàng để giới thiệu, quảng bá đến du khách tham quan.

“Theo thống kê, hiện nay, Lạng Sơn có hơn 7.000 hiện vật liên quan đến di sản Then, trong đó có mũ Then. Đây là vật dụng quan trọng của những người làm Then, được sử dụng trong các lễ lớn hoặc các kỳ Lẩu Then”

Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn

Độc đáo lễ cầu phúc, cầu an, cầu lộc của người Tày Độc đáo lễ cầu phúc, cầu an, cầu lộc của người Tày
Độc đáo múa sư tử mèo ngày xuân ở Lạng Sơn Độc đáo múa sư tử mèo ngày xuân ở Lạng Sơn

Theo: tamviet.tienphong.vn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/doc-dao-mu-then-nguoi-tay-nung-xu-lang-170369.html

In bài viết