Gỡ vướng thủ tục đầu tư cho ngành điện:

Bài 2: Những dự án tưởng chừng vô định

12:12 | 01/10/2021

Nhiều người nếu được biết về sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án của ngành điện sẽ rơi vào cảm giác như đang đọc truyện viễn tưởng, nhưng rất tiếc đó là thực tế hiện nay.
Bài 2: Những dự án tưởng chừng vô định

Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (ảnh minh họa).

EVN có không ít dự án có thời gian chuẩn bị rất, rất lâu. Ví dụ như dự án Nhà máy thủy điện (NMTĐ) tích năng Bác Ái có thời gian trình duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi là 55 tháng; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III thời gian trình duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến nay đã hơn 39 tháng nhưng chưa được phê duyệt do vướng mắc khi sử dụng vốn vay ODA; Dự án NMTĐ Ialy mở rộng, NMTĐ Thủy điện Hòa Bình mở rộng thời gian trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ 16-17 tháng…

Đó là về phát điện, còn với truyền tải thì cũng không để “thua chị kém em” khi dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân cấp điện NMĐ BOT Vân Phong 1, thời gian hoàn thành các thủ tục để được các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư là hơn 44 tháng (kể từ khi EVN trình hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lần đầu). Tính tổng thế, dự án có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài gần 5 năm. Một kỷ lục thật đáng nể!

Hoặc ví dụ như dự án Đường dây 500kV NĐ Nam Định 1 – Phố Nối, EVN trình các cơ quan có thẩm quyền từ tháng 2/2019, và phải sau nhiều lần giải trình thì đến nay Bộ KH&ĐT mới hoàn thành công tác thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Tất nhiên, không ai muốn một dự án lại có “tuổi thọ” cho việc xin phép lâu đến vậy cả. Mỗi một dự án lại có đặc thù riêng, vì vậy những khúc mắc lại nằm rải rác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bị chế tài bởi nhiều văn bản quy phạm khác nhau nên khi xử lý rất phức tạp, và có lúc tưởng chừng như vô vọng.

Đơn cử như dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III sử dụng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA. Dự án có giá trị vốn vay dự kiến khoảng 860 triệu USD, đã được Chính phủ phê duyệt danh mục dự án vay vốn ODA vào ngày 19/6/2012.

Khoản vay đầu tiên trị giá 27,901 tỷ JPY (Yên của Nhật Bản) đã được cam kết thông qua Công hàm trao đổi ngày 22/3/2013 giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

Ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Theo quy định của Nghị định này thì từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư, các trình tự thủ tục, hồ sơ có liên quan được dẫn chiếu về thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công 39/2019/QH14.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 22 Điều 4, Điều 7 của Luật Đầu tư công thì vốn ODA, vốn vay ưu đãi không phải là vốn đầu tư công nên dự án NMNĐ Ô Môn III không phải dự án quan trọng quốc gia. Do vậy, EVN chỉ là doanh nghiệp vay lại và có trách nhiệm hoàn trả khoản vay (bao gồm cả lãi suất) và các chi phí liên quan. Chính vì thế nên việc áp dụng theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP là chưa phù hợp.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, trong đó có bổ sung 1 chương quy định về khoản vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các doanh nghiệp.

Đây là dự án điển hình của việc thiếu cơ sở pháp lý trong thủ tục đầu tư đối với các dự án ODA.

Bài 2: Những dự án tưởng chừng vô định
Trung tâm điện lực nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng

Nhìn tổng thể, những vướng mắc từ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất rừng, khó khăn trong quy trình huy động vốn, hoặc những rắc rối trong thủ tục gia hạn khoản vay, sử dụng vốn dư đối với các dự án đang triển khai... đã khiến cho rất nhiều dự án của EVN được triển khai rất chậm.

Nhưng bấy nhiêu ví dụ kể trên cũng chỉ là một góc nhỏ của nguyên nhân, nếu liệt kê đầy đủ những vướng mắc khách quan đưa lại thì có lẽ phải kiên nhẫn và điềm tĩnh lắm mới xem hết được.

Chỉ xin nêu một nguyên nhân nổi bật, đó là việc chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể các luật liên quan (Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường…) dù cho luật đã có hiệu lực.

Thực tế này đang làm khổ EVN. Xin đơn cử 1 tình huống là sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành dẫn đến cùng một nội dung của dự án nhưng phải qua thẩm định của các cơ quan khác nhau. Cụ thể như Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công phải qua 2 cấp thẩm định cùng một nội dung là Bộ Công thương thẩm định BCNCKT (theo nghị định 15/2021/NĐ-CP), sau đó trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xem xét, phê duyệt BCNCKT để làm cơ sở cho EVN quyết định đầu tư (theo Nghị quyết 75/NQ-CP). Chỉ thêm 1 công đoạn như vậy thôi là phát sinh thêm nhiều vấn đề.

Nhưng không gỡ không được, mà gỡ thì bắt đầu từ đâu đây để tiết kiệm thời gian vì nhu cầu về điện luôn phả hơi nóng sau gáy?

Bài 1: Dự án “đắp chiếu” vì chờ quy hoạch sử dụng đất Bài 1: Dự án “đắp chiếu” vì chờ quy hoạch sử dụng đất
Trong lúc tin tức về dịch Covid-19 tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thông tin Trung Quốc thiếu điện trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh có vẻ không thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, Việt Nam có nên bàng quan trước những sự kiện này hay không?
Điện lực Miền Trung cấp điện trở lại cho 405.935 khách hàng bị mất điện vì bão số 5 Điện lực Miền Trung cấp điện trở lại cho 405.935 khách hàng bị mất điện vì bão số 5
Điện lực Miền Trung thông báo đã có 99,83% khách hàng (405.935/406.609 khách hàng) bị mất điện do ảnh hưởng của bão số 5 đã được cấp điện trở lại.
Điện Biên đưa Nhà máy Thủy điện Huổi Vang vào vận hành Điện Biên đưa Nhà máy Thủy điện Huổi Vang vào vận hành
Ngày 14 /8/2021, tại huyện Mường Chà (Điện Biên) Tổng công ty và Công ty Điện lực Điện Biên, BQLDA lưới điện miền Bắc đã tiến hành đưa nhà máy Thủy điện Huổi Vang vào vận hành và hòa điện lưới điện 110KV quốc gia.

Lê Sơn

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bai-2-nhung-du-an-tuong-chung-vo-dinh-152378.html

In bài viết