Kinh doanh có trách nhiệm - chìa khóa để cân bằng tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững
Ngày 7/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn "Đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam".
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo |
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp - Thứ trưởng Phan Chí Hiếu; bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; ông Ola Karlma - Bí thư thứ nhất, Trưởng bộ phận Xúc tiến thương mai và chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam cùng nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư và hơn 200 đại biểu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững vừa là yêu cầu, đồng thời là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan trong các hoạt động này là trách nhiệm của cả Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã khẳng định quan điểm “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”.
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen |
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm đã đạt được nhiều thành tự rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đánh giá, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường nhiều mặt còn yếu kém, khắc phục còn chậm; chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông…
Lý do là tăng trưởng kinh tế nhanh không chỉ mang đến cơ hội mà còn đi kèm một số rủi ro về xã hội và môi trường có ảnh hưởng rộng khắp đến người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với sinh kế của người dân. Một số vi phạm pháp luật liên quan các hành vi lũng đoạn thị trường hay tìm kiếm lợi nhuận bất chính trong dịch bệnh đang được xử lý vừa qua ở Việt Nam là ví dụ về hậu quả của hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm.
"Trong bối cảnh đó, chìa khóa để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam chính là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm", Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo |
Hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được hiểu là mang tính khuyến khích, còn thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là mang tính bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các chủ thể liên quan, như: người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư chịu tác động từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.
"Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp, tuy nhiên, Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ", Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận.
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia châu Á đang trong quá trình thực hiện các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người, thông qua việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-25, việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy tôn trọng quyền con người trong bối cảnh hoạt động kinh doanh thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là thành viên tương lai của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Bà Caitlin Wiesen cho biết thêm, với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy điển, UNDP phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành hai nghiên cứu quan trọng nhằm xác định và ưu tiên các lộ trình hành động cho Kế hoạch hành động quốc gia trong những năm tới. Đó là Đánh giá sơ bộ về khung pháp lý của hoạt động kinh doanh có trách nhiệm ở Việt Nam đã được xuất bản vào năm 2020 và hiện tại là Đánh giá cơ sở quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam.