Hợp tác kinh tế Việt Nam – Campuchia ngày càng hiệu quả, thực chất
Đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Campuchia
Các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước đã phối hợp chặt chẽ, triển khai các hoạt động hợp tác quan trọng trên tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân, góp phần đưa quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển vì lợi ích của hai nước.
Đoàn công tác tỉnh Kratie (Campuchia) đến tham quan khu liên hợp Snuol của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) (Ảnh: Hồng Nhung). |
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Campuchia. Giai đoạn 2016-2020, thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia đạt mức tăng trưởng trung bình 17%/năm, từ 2,92 tỷ USD năm 2015 lên 5,32 tỷ USD năm 2020. Năm 2021, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, kim ngạch thương mại song phương ước đạt gần 10 tỷ USD, tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2022, riêng quý I/2022 đã đạt gần 3,4 tỷ USD, dự kiến cả năm có thể đạt trên 10 tỷ USD.
Báo cáo của Chính phủ Hoàng gia Campuchia cho biết: kim ngạch thương mại sáu tháng đầu năm 2022 của Campuchia đạt 27,2 %, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Campuchia gồm: Hàng dệt may, đồ gỗ, cao su và nông sản… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Campuchia: các phương tiện, máy móc, nhôm, thép, phân bón và thuốc men…
Những kết quả cụ thể, tích cực nêu trên đã cho thấy những bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Campuchia những năm qua.
Hiện thực hóa tiềm năng
Hiện Việt Nam và Campuchia đều là thành viên của ASEAN và đều được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực. Theo cam kết và lộ trình giảm thuế Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia (trừ một số mặt hàng bảo lưu) đều được hưởng thuế từ 0-5%.
Cùng với các thỏa thuận song phương, những hiệp định, thỏa thuận trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gắn kết hơn nền kinh tế của Việt Nam và Campuchia. Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường của nhau lớn hơn, những thỏa thuận, hiệp định nêu trên sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam, Campuchia và nước thứ ba tận dụng các lợi thế của mỗi nước để mở rộng các hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị khu vực để xuất khẩu sang các nước ASEAN, các thị trường khác trên thế giới có FTA.
Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tranh thủ gắn bó, hợp tác để đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường Campuchia.
Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được đón nhận tại thị trường Campuchia. Việt Nam và Campuchia cũng còn nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể như sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến và nuôi trồng nông, lâm, thủy sản...
Để tiếp tục phát huy những tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại trong hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần đẩy mạnh các giải pháp: tiếp tục duy trì và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nữa; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước; tăng cường triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và xuất nhập khẩu, ưu đãi thuế quan...
Hai nước cũng cần phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác song phương thông qua Ủy ban liên Chính phủ, các nhóm công tác, làm việc giữa các cơ quan Chính phủ để rà soát, đánh giá và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam - Campuchia thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo kết nối giao thương và các đoàn doanh nghiệp.