MCNV hỗ trợ “ươm mầm” ngành hoạt động trị liệu tại Việt Nam

06:47 | 03/11/2019

Trước nhu cầu phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng ngày càng lớn của hàng triệu người bệnh, người khuyết tật tại Việt Nam, hơn 3 năm qua, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã miệt mài với hành trình “ươm mầm” nhân lực cho một ngành khoa học rất mới: Hoạt động trị liệu.
Đại sứ Ngô Thị Hòa trải lòng về 30 năm theo nghề ngoại giao Hà Lan cử hơn 300 tình nguyện viên quốc tế đến hỗ trợ những mảnh đời khó khăn tại Đà Nẵng Hồ sơ và thủ tục xin visa Hà Lan
chuyen uom mam nganh hoat dong tri lieu tai viet nam
Cán bộ tham gia Dự án hỗ trợ người khuyết tật phục hồi chức năng tỉnh Điện Biên do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) thực hiện năm 2018. Ảnh: Quốc Anh

Trên thế giới, từ hàng trăm năm nay, hoạt động trị liệu (HĐTL) đã là một phần không thể thiếu trong phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân tái hòa nhập cuộc sống trong cộng đồng và giảm thiểu tỉ lệ tàn tật.

Tuy nhiên, đến năm 2015, Việt Nam vẫn chưa có đào tạo HĐTL chuyên nghiệp. HĐTL mới chỉ có ở một số ít bệnh viện lớn, nhờ vào sự hỗ trợ của các sinh viên hoặc kỹ thuật viên nước ngoài. Bởi vậy, kết thúc quá trình điều trị tại bệnh viện, việc duy trì HĐTL cho bệnh nhân tại nhà còn rất hạn chế. Trong khi đó, đối với người khuyết tật, người sau tai nạn, tai biến…chỉ riêng những sinh hoạt thường nhật như vệ sinh cá nhân, ăn uống, di chuyển…đã là những thách thức không nhỏ.

Những “hạt giống” đầu tiên

chuyen uom mam nganh hoat dong tri lieu tai viet nam
Một hội thảo về HĐTL do ĐH TH Manipal tổ chức. Ảnh: occupationaltherapyupdate.blogspot.com

Trước nhu cầu cấp thiết về HĐTL tại Việt Nam, năm 2015, Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) đã khởi xướng dự án Phát triển đào tạo HĐTL chuyên nghiệp, với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua tổ chức Humanity & Inclusion (HI).

Năm 2016, cùng 2 giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, các giảng viên của Đại học Kỹ thuật Y tế (ĐH KTYT) Hải Dương Nguyễn Khắc Tuấn, Nguyễn Thị Tuyết Ngân và Vũ Thị Loan đã trở thành những “hạt giống đầu tiên” trên con đường "ươm mầm" ngành HĐTL tại Việt Nam. Tháng 8 năm 2019, họ đã hoàn thành một phần lộ trình của mình, sau khi tốt nghiệp Cử nhân về HĐTL tại ĐH Tổng hợp Manipal (Ấn Độ), ngôi trường có bề dày hơn 50 năm kinh nghiệm trong đào tạo chuyên ngành này.

Trước khi quay trở lại ĐH Tổng hợp Manipal để hoàn thành chương trình Thạc sĩ, 3 giảng viên đang thực tập tại ĐH KTYT Hải Dương dưới sự hướng dẫn của chuyên gia HĐTL đến từ Hà Lan.

Trong sự kiện kỷ niệm Ngày HĐTL thế giới diễn ra trên giảng đường ĐH KTYT Hải Dương vào cuối tháng 10, các giảng viên đã góp phần khơi dậy niềm yêu thích, sự say mê với ngành HĐTL cho hàng trăm sinh viên, từ khái niệm cơ bản cho đến những khía cạnh chuyên sâu như can thiệp HĐTL trong lĩnh vực phục hồi chức năng, các bệnh tâm thần, bệnh lý nhi khoa, mô hình can thiệp nhóm...

chuyen uom mam nganh hoat dong tri lieu tai viet nam
Một giờ thực hành về HĐTL tại ĐH TH Manipal, Ấn Độ. Ảnh: NVCC

Những kiến thức được minh họa bằng những ví dụ từ kinh nghiệm thực tiễn của ba giảng viên trẻ trong thời gian học tập tại Ấn Độ đã đem đến cho sinh viên góc nhìn vừa mới mẻ vừa gần gũi về HĐTL. Điển hình như cách phát hiện mối rủi ro tại nhà, đảm bảo an toàn cho người bệnh; chỉnh sửa, thiết kế lại những đồ dùng hàng ngày như chiếc thìa để bệnh nhân có thể tự ăn mà không cần trợ giúp từ người nhà...

Phần thuyết trình đầy tự tin, lôi cuốn kèm theo những giải đáp thắc mắc của sinh viên một cách cụ thể đã cho thấy tâm huyết, sự đào sâu, ý thức tìm tòi trong học tập và nghiên cứu của các giảng viên trên bước đường đến với HĐTL.

Hành trình "nảy mầm"

chuyen uom mam nganh hoat dong tri lieu tai viet nam
Chị Nguyễn Thị Tuyết Ngân (thứ 2, từ trái sang) và các giảng viên, bạn học tại Ấn Độ. Ảnh: NVCC

Để có được sự tự tin, nền tảng kiến thức vững vàng về HĐTL như ngày hôm nay, ba giảng viên đã phải vượt qua không ít thử thách, đó là những bỡ ngỡ khi lần đầu sống xa nhà trong thời gian dài, việc làm quen với ngành học mới mẻ bằng ngoại ngữ, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa ở nước ngoài.

Bên cạnh lòng quyết tâm, ý chí vươn lên mạnh mẽ và bền bỉ của bản thân thì sự thông cảm, hỗ trợ tận tâm của các giảng viên, bạn bè Ấn Độ đã giúp họ vượt qua những ngày "vạn sự khởi đầu nan" ấy.

“Trong những tiết học, các thầy cô giáo thường cố gắng nói chậm hơn, để sinh viên quốc tế như chúng tôi bắt kịp bài giảng. Bất kể khi nào chúng tôi có câu hỏi, các thầy cô đều nhiệt tình giải đáp. Biết chúng tôi mới nhập học còn nhiều bỡ ngỡ, các thầy cô còn lồng ghép những câu chuyện vui vào giờ giảng, tạo bầu không khí thoải mái, thư giãn. Trong những bài tập như viết bệnh án, các bạn học, thầy cô cũng tỉ mỉ giúp sửa chữa những phần làm chưa tốt, giúp sinh viên tiến bộ cả về mặt ngôn ngữ lẫn kiến thức chuyên ngành”, giảng viên Nguyễn Thị Tuyết Ngân xúc động nhớ lại.

Không chỉ quan tâm tới sinh viên trong những giờ giảng trên lớp, các giảng viên ĐH Tổng hợp Manipal còn tận tình chăm lo tới đời sống của những bạn trẻ đến từ Việt Nam.

“Những ngày đầu tiên khi chúng tôi mới sang, các thầy cô đã không ngại dành nguyên một ngày để lặn lội dẫn chúng tôi đi tìm nhà trọ phù hợp", giảng viên Nguyễn Khắc Tuấn kể.

chuyen uom mam nganh hoat dong tri lieu tai viet nam
(Từ trái qua) Giảng viên Nguyễn Khắc Tuấn, Vũ Thị Loan và các bạn học. Ảnh: NVCC

Không chỉ nhận được sự hỗ trợ của thầy cô, bè bạn Ấn Độ, hành trình 3 năm học tập của ba giảng viên trẻ còn được đồng hành bởi MCNV, đơn vị triển khai dự án.

“Chúng tôi luôn nhận được sự tiếp sức của các cán bộ MCNV, những người anh, người chị thân thương, đã cho chúng tôi thêm niềm tin để vững bước vượt qua nhiều thử thách. Không chỉ hỗ trợ, tư vấn về những hành trang du học cần thiết, các anh chị còn là chỗ dựa tinh thần từ xa cho chúng tôi, chia sẻ những khó khăn trong học tập lẫn cuộc sống”, giảng viên Nguyễn Thị Tuyết Ngân chia sẻ.

“Thời gian đầu mới sang Ấn Độ, tiếng Anh của tôi còn hạn chế, ảnh hưởng tới cả việc học tập lẫn hòa nhập với trường lớp. Nhận thấy được điều này, các cán bộ của MCNV đã sắp xếp để tôi tham gia thêm một khóa tiếng Anh nữa, củng cố nền tảng ngôn ngữ”, giảng viên Vũ Thị Loan kể.

Sau 3 năm học trở về, chị Loan đã có thể tự tin với khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh của mình. Trong sự kiện kỷ niệm Ngày HĐTL thế giới, chị đã tự tin đứng trên sân khấu làm phiên dịch cho chuyên gia HĐTL người Hà Lan Anne Kuijs trong phần chia sẻ của bà về HĐTL trong Nhi khoa, với không ít những thuật ngữ khó.

Con đường phía trước

Sau thời gian thực tập tại ĐH KTYT Hải Dương, ba giảng viên sẽ trở lại Ấn Độ để hoàn thành chương trình Thạc sĩ. 3 năm học tập tại nước bạn đã truyền cho họ không chỉ kiến thức, mà còn là nguồn cảm hứng, sự say mê với ngành HĐTL.

“Ngành HĐTL thực sự rất thú vị và hữu ích. Trước khi du học, những hiểu biết của mình còn rất mơ hồ, vẫn thường có những nhầm lẫn giữa Vật lý trị liệu và Hoạt động trị liệu. Còn giờ đây, mình đã có những kiến thức, kỹ năng khá vững vàng về HĐTL. Mình đặc biệt tâm đắc với sự kết hợp của HĐTL cùng Ngữ âm trị liệu và Vật lý trị liệu trong phục hồi chức năng, và tôn chỉ “lấy người bệnh làm trung tâm”

"Sự phối kết hợp liên chuyên ngành theo chiều sâu sẽ đem lại hiệu quả điều trị tối đa cho người bệnh, đây cũng chính là kim chỉ nam của những nhà hoạt động trị liệu”, giảng viên Nguyễn Thị Tuyết Ngân cho biết.

Còn với giảng viên Nguyễn Khắc Tuấn, anh đang có những nhìn nhận rất lạc quan về phát triển HĐTL tại Việt Nam:

“Tuy thời gian tham gia giảng dạy của mình về HĐTL ở Trường chưa nhiều, nhưng mình nhận thấy hầu hết sinh viên đều rất hứng thú với HĐTL. Thực chất HĐTL không phải là những gì cao xa, đòi hỏi máy móc, kỹ thuật cầu kỳ. HĐTL luôn lấy người bệnh là trung tâm, quan tâm tới những nhu cầu, mong muốn của người bệnh, qua đó hướng họ tham gia vào những công việc có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày, để cải thiện, duy trì và nâng cao sức khỏe, tạo ra sự độc lập một cách tối đa.”

Anh Nguyễn Khắc Tuấn cho biết, hiện tại, các giảng viên như anh đang cùng nhà trường xây dựng phòng thực hành HĐTL trong khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện trường Đại học KTYT Hải Dương.

Nói về dự định sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ trở về, anh cho biết:

“Mình hi vọng sẽ giúp Trường xây dựng được một hệ thống đào tạo HĐTL một cách cơ bản, đồng thời tăng cường hợp tác với các bệnh viện, trường đại học trong nước và quốc tế để tạo nên một mạng lưới HĐTL rộng khắp và bền vững tại Việt Nam.”

Theo "Báo cáo toàn cầu về tình hình khuyết tật" của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2011, có khoảng trên 60% người khuyết tật tại các quốc gia đang phát triển có nhu cầu phục hồi chức năng. Tại Việt Nam, con số này tương đương 4 triệu người.

Tại Việt Nam, chỉ tính riêng nhóm đối tượng bị tổn thương tủy sống cần tới sự giúp đỡ đặc biệt của HĐTL tại hai bệnh viện lớn nhất toàn quốc là Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM), trung bình mỗi năm đã có tới 2.000 trường hợp.

Bên cạnh đào tạo nhân lực, MCNV cũng là hạt nhân tích cực góp phần phát triển mạng lưới HĐTL, nâng cao nhận thức của xã hội về nghề HĐTL và tham gia xây dựng các chính sách liên quan tới HĐTL tại Việt Nam.

chuyen uom mam nganh hoat dong tri lieu tai viet nam MCNV và USAIDS hỗ trợ hoạt động trị liệu tại Việt Nam

Sự kiện Ngày Hoạt động trị liệu 2019 tại thành phố Hải Dương là một trong những kết quả bền vững của Dự án Phát triển ...

chuyen uom mam nganh hoat dong tri lieu tai viet nam Việt Nam lần đầu tiên có Cử nhân chuyên ngành Hoạt động trị liệu

36 cử nhân chuyên ngành Hoạt động trị liệu đầu tiên của Việt Nam đã chính thức nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 6/8.

chuyen uom mam nganh hoat dong tri lieu tai viet nam CHIA, WWF Việt Nam, MCNV ký thỏa thuận hợp tác hàng chục tỉ đồng với Quảng Nam

TĐO - Ngày 30/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tăng cường quan hệ giữa tỉnh Quảng Nam với các tổ chức phi ...

Phi Yến

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/mcnv-ho-tro-uom-mam-nganh-hoat-dong-tri-lieu-tai-viet-nam-91192.html

In bài viết