Báo chí hiện đại trên nền tảng công nghệ số

14:05 | 21/06/2019

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến từng ngành, với báo chí nó tạo ra nhiều sự thay đổi…
Mặt trái của mạng xã hội, chính là mặt phải của báo chính thống Mong báo chí luôn đồng hành, sát cánh cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Lời chúc ngày Nhà báo Việt Nam hay và ý nghĩa nhất

Phóng viên báo Thời Ðại đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ - Nhà báo Trần Bá Dung (Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam) để hiểu rõ hơn về vấn đề nêu trên.

bao chi hien dai tren nen tang cong nghe so
Tiến sỹ - Nhà báo Trần Bá Dung (Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam)

Xin ông cho biết báo chí hiện đại khác với báo chí truyền thống như thế nào?

T.S, Nhà báo Trần Bá Dung: Báo chí truyền thống được hiểu là các loại hình báo in, ảnh báo chí, phát thanh và truyền hình, hoạt động đơn nền tảng, đơn phương tiện, truyền tải tới công chúng theo cách độc lập. (Truyền hình qua sóng truyền hình, phát thanh qua sóng phát thanh, báo in qua bản in…).

Báo chí hiện đại được hiểu là nền báo chí bắt đầu từ khi xuất hiện internet và cùng với nó là sự ra đời loại hình báo chí mới - báo điện tử. Nói như thế không có nghĩa, báo chí hiện đại chỉ là báo điện tử. Sự đổi mới công nghệ là điều kiện tiên quyết chuyển từ báo chí truyền thống sang báo chí hiện đại.

Báo chí hiện đại (gồm báo chí truyền thống và loại hình mới là báo điện tử) hoạt động trên nền tảng công nghệ số hóa, tính chất đa phương tiện (multimedia). Ðó là: Văn bản (text), Hình ảnh tĩnh (still image), Hình ảnh động (slideshow), Ðồ họa (graphic), Âm thanh (audio), Video (clip), Các chương trình tương tác (interactive programs). Ðặc điểm báo chí hiện đại là sự liên kết giữa các lọai hình, truyền tải tới công chúng theo nhiều cách (trên cơ sở đa nền tảng - multiplatform). Cả ba yếu tố cấu thành báo chí hiện đại (sản xuất, truyền tải và tiếp nhận) đều trên nền tảng công nghệ số và trong môi trường internet. Công chúng ngày nay có thể xem truyền hình, đọc báo in, nghe chương trình phát thanh và tương tác với nhà báo, với nhà biên tập và tương tác với nhau, trên một chiếc điện thoại được kết nối internet. Cũng với chiếc điện thoại thông minh ấy, nhà báo có thể sản xuất tác phẩm báo chí cho báo in, báo nói, báo ảnh, báo hình và truyền tải nó tới công chúng.

Robot phóng viên tranh việc của nhà báo...

Theo ông, sự sáng tạo trong báo chí hiện tại thể hiện cụ thể ở điều gì?

Ðó là sự xuất hiện các công nghệ làm báo mới, các phương thức làm báo mới, nhất là các nội dung kĩ thuật số (âm thanh, video phát trực tiếp, chatbot,…). Chẳng hạn, sự xuất hiện báo chí dữ liệu và công nghệ tự động làm báo. Tờ báo điện tử bằng tiếng Bahasa – báo Beritagar.id, có trụ sở chính tại Thủ đô Jakarta (Indonesia), là tờ báo tiên phong của khu vực ASEAN trong việc sử dụng những công nghệ hiện đại vào làm báo. Họ có máy tính tự viết báo (Robotaria - báo chí tự động hóa hay báo chí robot), tự động cập nhật nguồn số liệu lớn, trình bày số liệu dưới dạng đồ họa và chữ viết; Biến dữ liệu thành nội dung: phần mềm sẽ tự động lọc ra các con số có ý nghĩa để điền vào những mẫu câu có sẵn, tự đổ số liệu vào các cột biểu bảng, sau đó tạo ra hình đồ thị và nội dung bài, tự động đưa bài viết lên trang web. Khi xuất bản, cuối phần giới thiệu bài báo luôn đi kèm hashtag #Robotaria (báo chí robot) để phân biệt với những bài báo do phóng viên viết.

bao chi hien dai tren nen tang cong nghe so
Rô bốt phóng viên có thể "tranh việc" của nhà báo nếu người làm báo không tạo được bản sắc riêng

Ông nghĩ sao về điều này?

Sự thay đổi của ngành công nghiệp báo chí, trước hết là ở những công nghệ truyền thông hàng đầu được đưa vào hoạt động báo chí: Trí tuệ nhân tạo, Thiết bị kích hoạt bằng giọng nói, Ứng dụng trả lời tự động (chatbot), Internet vạn vật (IoT), Tìm kiếm bằng hình ảnh và Thực tế ảo.

Những công nghệ này, thực tế đang làm thay đổi ngành công nghiệp báo chí thế giới, trong đó có Việt Nam. Internet vạn vật (IoT) hay kết nối vạn vật là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với báo chí Việt Nam cũng như với các nhà báo. Có thể nói, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang và sẽ phá bỏ mọi rào cản kết nối tri thức nhân loại. Bản chất CMCN 4.0 là nối dài CMCN 3.0, kết nối dữ liệu lớn, từ xa, đa phương tiện, kết nối mọi người và kết nối thực - ảo (kết nối vạn vật).

Thách thức đó là: Nhu cầu của công chúng thay đổi (đa dạng hình thức tiếp nhận thông tin và trải nghiệm – như video, audio, text, 3D…) trong một bài báo; tương tác với nội dung và cung cấp theo nhu cầu cá nhân hóa (personalize). Công chúng cần tiếp nhận trên nhiều loại thiết bị: mobile, kính, PC… Mạng xã hội chiếm ưu thế trong sản xuất thông tin: trong 60 giây có 250.000 bức ảnh lên facebook… Ðồng thời, ai cũng sản xuất được tin tức. Vậy, nhà báo phải làm gì? Ðó là thách thức.

Với sự bùng nổ về thông tin, và sức ép từ mạng xã hội như hiện nay. Ðể chinh phục sự hài lòng của công chúng báo chí cần làm gì?

Theo tôi, báo chí cần: Thông tin nhanh nhất (tính tức thời, cập nhật), thông tin chính xác nhất và thông tin thiết thực nhất (để không chạy theo MXH).

Trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, nhất là bùng nổ thông tin giả (Fake news), báo chí chuyên nghiệp muốn chinh phục sự hài lòng của công chúng chỉ có con đường để tồn tại là hướng tới báo chí chất lượng cao, báo chí kết nối và nhân văn, sản xuất nội dung chất lượng cao.

Mặc dù nội dung “câu view” chất lượng thấp và được sản xuất với số lượng lớn đang tràn lan trên Internet, nhưng các cơ quan báo chí digital hàng đầu đang đầu tư mạnh mẽ vào loại nội dung chất lượng cao để thu hút và giữ chân công chúng.

Báo chí Việt Nam ''chuyển mình''

Ông có dự báo thế nào về xu hướng mới của báo chí?

Xu hướng truyền thông mới trên thế giới là ứng dụng rộng rãi công nghệ trong truyền thông, từ sản xuất, truyền tải đến tiếp nhận sản phẩm truyền thông.

Ðồng thời, giành lại niềm tin của độc giả là giải pháp giúp làm giảm vấn nạn tin giả đang tràn lan trên toàn cầu.

Trong dòng chảy ấy, tôi cho rằng, báo chí Việt Nam đã bắt kịp và đang chuyển mình theo các xu hướng làm báo hiện đại sau đây:

٠ Multi-media, Multi-platform (Ða nền tảng)

٠ Mobile Media, Mobile Journalism (Báo chí di động)

٠ Social Media, Social Journalism (Báo chí xã hội)

٠ Data Journalism (Báo chí dữ liệu)

٠ Innovative Journalism (Báo chí sáng tạo)

٠ Global collaborative journalism (Hợp tác toàn cầu)

٠ Digital mega-stories (Siêu tác phẩm báo chí)

٠ “Wearables” (Các thiết bị đeo trên người)

٠ Artificial Intelligence - AI (Trí tuệ nhân tạo)

Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã chuyển đổi theo mô hình tòa soạn hội tụ và phương thức làm báo đa phương tiện. Báo chí di động được ứng dụng ngày càng phổ biến trong hoạt động báo chí. Qua theo dõi hoạt động nghiệp vụ báo chí và nhất là qua các Giải báo chí quốc gia hằng năm, tôi thấy rất rõ, trong báo điện tử, nhiều báo ở Việt Nam đã sử dụng rộng rãi video, audio, infographic và nhất là các dạng thức mới như long-form, mega-story, rất hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

bao chi hien dai tren nen tang cong nghe so Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày 21/6

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày để kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, công sức ...

bao chi hien dai tren nen tang cong nghe so Kế hoạch triển khai sắp xếp cơ quan báo chí của Bộ TT&TT có gì đáng chú ý?

Nhằm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ký ban hành kế hoạch triển ...

bao chi hien dai tren nen tang cong nghe so Infographic: Toàn cảnh báo chí sau quy hoạch

Thông tin mới nhất, toàn diện nhất về bức tranh toàn cảnh báo chí sau quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Phương Thảo

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/bao-chi-hien-dai-tren-nen-tang-cong-nghe-so-80520.html

In bài viết