Sáng nay 20/10 khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

08:53 | 20/10/2015

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII dự kiến diễn ra trong 31 ngày làm việc và bế mạc vào 28/11. Sau phiên họp trù bị thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp thứ 10, phiên khai mạc và nội dung làm việc của Quốc hội trong buổi sáng nay sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

sang nay 2010 khai mac ky hop thu 10 quoc hoi khoa xiii

Theo đó, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.

Tiếp đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Nội dung Báo cáo của Chính phủ tập trung đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo khả nang thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016.

Với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định...

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. sản xuất cong nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cso mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp đã khắc phục khó khăn về thiên tai và thị trường, phát triển tương đối ổn định. Thu ngân sách nhà nước, nhất lfa thu nội địa đạt khá so với cùng kỳ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế- xã hội vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đòi hỏi các cấp các ngành phải nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực phản ứng chính sách để chủ động ứng phó, khai thác mặt thuận lợi, phấn đấu và vượt các chỉ tiêu.

Tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10 diễn ra ngày 19/10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 16 nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật.

Nhằm tiếp tục triển khai thi hành và thể chế hoá Hiến pháp pháp 2013, tại kỳ họp này Quốc hội tập trung xem xết, thông qua các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án...

Đồng thời Quốc hội sẽ dành thời gian để thảo luận, cho ý kiến về nhiều đạo luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 nhằm hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 vẫn diễn ra trong 2,5 ngày nhưng có đổi mới là chất vấn tổng thể chứ không chất vất riêng một lĩnh vực nào. Qua đó cho thấy các cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã được thực hiện như thế nào. Trên cơ sở đó đại biểu tiếp tục chất vấn về những điều đã làm được và tại sao có những việc chưa hoàn thành.

Một nội dung quan trọng nữa của kỳ họp là Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn Phó Chủ tịch và Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định ngày bầu cử toàn quốc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp...

Mong muốn hiện đại hóa ngành nông nghiệp trong nước

Tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề đầu tiên được đề cập đến trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sáng 20/10. Xây dựng nông thôn mới, xuất khẩu gạo, giá nông sản, thách thức của ngành nông nghiệp trong nước trước bối cảnh hội nhập… là những vấn đề được cử tri, người dân cả nước gửi đến Quốc hội.

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân dân cả nước quan tâm. Qua 4 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống nhân dân ở nông thôn ngày càng được nâng cao. Đã có 97,4% số xã hoàn thành về lập và phê duyệt quy hoạch Nông thôn mới, dự kiến hoàn thành 100% số xã vào năm 2015. Chương trình đã xây dựng được trên 5.000 công trình với khoảng 700.000 km đường giao thông nông thôn. Đến hết năm 2014, có 785 xã đạt chuẩn (8,8%) và bình quân mỗi xã còn lại đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí so với năm 2010. Dự kiến đến hết năm 2015 cả nước sẽ có 1.800 xã đạt chuẩn (đạt 20%), 1.527 xã đạt từ 15-18 tiêu chí và chỉ còn 600 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Theo số liệu Báo cáo của Ban Chủ đạo Trung ương Chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ riêng 3 năm 2011- 2013, nhân dân cả nước đã đóng góp 62.841 tỷ đồng, chiếm 13% và các doanh nghiệp đã đóng góp 30.000 tỷ đồng, chiếm 6%, tổng kinh phí triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, có thể thấy thành công bước đầu của chương trình, bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương còn có sự ủng hộ, tham gia và đóng góp rất to lớn của nhân dân và các doanh nghiệp.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, cử tri và nhân dân ở nhiều nơi còn băn khoăn về việc huy động đóng góp của người dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn cao, nhất là đối với các vùng mật độ dân cư thấp, địa bàn khó khăn; việc lựa chọn con giống, cây giống có năng suất, chất lượng, phù hợp và có tính ổn định lâu dài với từng địa phương cũng như việc thực hiện liên kết “4 nhà” đã triển khai chưa thực sự hiệu quả.

Cử tri và nhân dân phản ánh tình trạng giá lúa hiện nay thấp, nguồn cung đã vượt cầu; việc thu mua tạm trữ chỉ là biện pháp tạm thời, chưa thật sự nâng được giá lúa. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và số liệu do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp, giá chào bán gạo xuất khẩu hiện chỉ còn từ 355 đến 365 USD/tấn với loại gạo 5% tấm. Mức giá này thấp hơn 15 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, 25 USD/tấn so với gạo Pakistan và 40 USD/tấn so với gạo của Thái Lan. Đây cũng là mức giá bán thấp nhất trong vòng năm năm qua của gạo Việt Nam. Dù giá thấp như vậy nhưng vẫn rất ít giao dịch được thực hiện trong thời gian qua, trong khi các doanh nghiệp đã tồn kho khá lớn do mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) theo chủ trương của Chính phủ, chưa kể đến lượng gạo doanh nghiệp tự mua để kinh doanh.

Trong khi đó, vẫn còn tình trạng ép giá, hủy hợp đồng thu mua lúa gây thiệt hại cho nông dân. Một số sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, bị ứ đọng như dừa, hoa màu, mía, tôm, cá lóc… tại một số tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Phú Yên, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bắc Cạn, Bến Tre, Thái Bình.

Thành công trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) cũng dành được sự quan tâm của người dân. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi đứng trước ngưỡng cửa thế giới với các chuẩn mực mới cho thương mại toàn cầu.

Trước những khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới, người dân đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, có giải pháp kịp thời để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn.

Về sản xuất lúa gạo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm đến quy hoạch trồng lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, tăng cường việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, cử tri cũng mong muốn Chính phủ có những chính sách nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tiếp cận vốn mở rộng hiện đại hóa nông nghiệp. (Bảo Yến)

PV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/sang-nay-2010-khai-mac-ky-hop-thu-10-quoc-hoi-khoa-xiii-70904.html

In bài viết