20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Từ con số 0 đến 40 tỷ USD

17:59 | 31/07/2015

Sáng 31/7, tại TP.HCM, trên 200 đại biểu gồm các diễn giả là nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, nhà nghiên cứu kinh tế và đại diện các cơ quan báo chí tham dự Hội thảo “20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Nhìn từ góc độ kinh tế”.

20 nam quan he viet nam hoa ky tu con so 0 den 40 ty usd

Các diễn giả tại hội thảo "20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ" - Ảnh: báo Đồng Nai

Ông Lê Hưng Quốc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị TP.HCM cho biết :”Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thương hai nước vì đó là thành tựu rõ nhất của bình thường hóa bang giao. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia từng đối đầu với nhau trong một cuộc chiến tranh.”

Từng bước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam

Bà Rena Bitter, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết, Việt Nam bắt đầu bình thường hóa thương mại với Hoa Kỳ từ năm 1995. Sau 20 năm, hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu, quan trọng nhất là quan hệ thương mại từ con số 0 đã tăng lên tới 35 tỷ USD năm 2014 và sẽ đạt mức 40 tỷ USD năm 2015.

Điều này đạt được từ sau khi Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) được ký kết (năm 2000) đã cắt bỏ gần 300 dòng thuế nhập khẩu. Đến năm 2006, Hiệp định song phương giữa hai nước cắt bỏ thêm 10.000 dòng thuế nhập khẩu, bỏ hạn ngạch dệt may và Hoa Kỳ từng bước công nhận nền kinh tế thị trường Việt Nam.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Hoa Kỳ hiện trở thành nước xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam khi đến năm 2014 kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng lên 35 tỷ USD. Đầu tư FDI từ Hoa Kỳ từ 126 triệu USD năm 2000 tăng lên 11 tỷ USD năm 2013.

Trong các ngành hàng, dệt may được hưởng lợi nhiều nhất, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 30,6 tỷ USD, riêng dệt may đạt gần 10 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.

20 nam quan he viet nam hoa ky tu con so 0 den 40 ty usd

Bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM chia sẻ thông tin tại hội thảo - Ảnh báo Đồng Nai

Theo ông Lê Quốc Ân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc, chiếm 10,16% tổng lượng hàng dệt may nhập khẩu vào Mỹ.

Đến nay, Mỹ vẫn là thị trường số một của hàng dệt may Việt Nam và Việt Nam là Top 5 nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới với giá trị xuất khẩu 23 tỷ USD. Một tin vui là tỷ phú Mỹ, ông Wibur Ross vừa có quyết định đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam.

Doanh nhân Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn tôn thép Hoa Sen chia sẻ thêm:” Chúng tôi đến diễn đàn này mang theo một dự báo đầy tham vọng nhưng có cơ sở, đó là trong 20 năm tới Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam và Hoa Sen sẽ là một trong những thương hiệu hàng đầu đưa hàng công nghiệp Việt Nam vào Mỹ". Ông Vũ tự tin rằng thị trường Hoa Kỳ sẽ đón nhận sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.

Thách thức không nhỏ từ TPP

Cũng tại hội thảo, một số chuyên gia dự báo, trên nền tảng Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hy vọng được ký kết vào cuối năm nay, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam trong 20 năm tới. Các nhà phân tích kinh tế cũng chỉ ra cơ hội đến từ TPP rất nhiều, nhưng không ít thách thức đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Thách thức lớn nhất nằm ngay trong nguyên tắc hàng đầu của TPP, đó là cạnh tranh bình đẳng. Nhưng đó sẽ là cuộc chơi không bình đẳng giữa các nền kinh tế không ngang nhau”, ông Phạm Phú Ngọc Trai, CEO đầu tiên của Pepsico Việt Nam và là Chủ tịch Công ty Hội nhập Toàn Cầu giải thích.

Vì theo quy định trong TPP cấm sử dụng chính sách thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa. Trong khi 80% doanh nghiệp Việt chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành công nghiệp sản xuất còn non trẻ của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với những công ty nước ngoài có tiềm năng lớn và lâu đời (đã được nhà nước bảo trợ trước đó trong nhiều thập kỷ).

20 nam quan he viet nam hoa ky tu con so 0 den 40 ty usd

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp tại hội thảo - Ảnh: báo Đồng Nai

Một thách thức nữa là ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngành chăn nuôi được dự báo là khó khăn nhất khi các sản phẩm chăn nuôi của các nước tham gia TPP đều theo quy trình sản xuất công nghiệp, còn Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế trong TPP cũng dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng của mặt hàng nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam với giá thành rẻ, chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng.

Do vậy, theo ông Huỳnh Thế Du, chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nhân tố Hoa Kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam trong TPP. Việt Nam có thể tích lũy tư bản, nhận chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước phát triển để gia tăng nội lực và sức cạnh tranh trong nước. Quan trọng hơn cả, TPP không chỉ đơn thuần về thương mại đầu tư mà nó còn được xem là một cơ sở để tạo ra sự ổn định và giao thương tự do giữa hai bờ Thái Bình Dương.

A.T tổng hợp

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/20-nam-quan-he-viet-nam-hoa-ky-tu-con-so-0-den-40-ty-usd-70704.html

In bài viết