21:14 | 18/12/2018
ĐBSCL đối diện với nhiều thách thức về tài nguyên nước.
Suy thoái tài nguyên nước và những thách thức trong quản lý
Quản lý tài nguyên nước được đề cập tới ở mục tiêu thứ 6 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc: “Đảm bảo quản lý bền vững và đáp ứng đủ nước và vệ sinh cho tất cả.”
ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, tài nguyên nước ngọt dồi dào, khả năng luân chuyển nước thuận lợi, nguồn phù sa màu mỡ. Tuy nhiên, tài nguyên nước của ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức nặng nề do biến đổi khí hậu, tác động thay đổi cơ cấu dòng chảy tự nhiên của các quốc gia thượng nguồn cũng như hạn chế về ý thức của người dân.
Theo nghiên cứu của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VNR), sự thay đổi của dòng chảy được dự báo là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phạm vi xâm nhập mặn của ĐBSCL, cũng như gây hạn nặng, ô nhiễm môi trường, suy giảm hệ sinh thái.
Sự suy giảm về đa dạng sinh học do những thay đổi nguồn nước sẽ làm biến mất các vùng ngập tự nhiên, mất rừng ngập mặn, phát triển các loài ngoại lai xâm hại, từ đó dẫn đến tình trạng mất mùa, mất an ninh lương thực, thiếu sinh kế, dịch bệnh,..., trực tiếp ảnh hưởng đến ổn định xã hội.
Trong khi đó, việc quản lý tài nguyên nước ĐBSCL vẫn còn nhiều điểm bất cập như chồng chéo trong chức năng quản lý tài nguyên nước ở cấp Trung ương (giữa các Bộ, ngành); thực thi pháp luật ở địa phương chưa hiệu quả; thiếu nguồn lực, công nghệ cho công tác quản lý, kiểm sát và kiểm soát ô nhiễm nước; phối hợp giữa các bên còn lỏng lẻo, và đặc biệt là thiếu sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Tổ chức xã hội, cộng đồng vào cuộc
Với mục đích tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong quá trình bảo đảm quyền của cộng đồng đối với việc quản lý bền vững tài nguyên nước, quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) và PACCOM đã triển khai dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL”. Dự án được thực hiện với sự tài trợ của vương quốc Bỉ trong thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018.
Trong khuôn khổ dự án, một mạng lưới các tổ chức xã hội (CSO) tham gia quản trị tài nguyên nước ở ĐBSCL đã được hình thành, với nòng cốt là các đơn vị đang hoạt động tích cực hiện nay như Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD), Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước (CEWAREC), Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ (Viện DRAGON –Mekong).
Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam chia sẻ kết quả dự án.
Theo báo cáo của tổ chức WWF Việt Nam, trong hai năm qua, dự án đã triển khai các nghiên cứu, tổ chức các hội thảo, họp tham vấn với các bộ ngành liên quan và đại biểu quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vai trò của CSO trong quản lý tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, các CSO cũng được tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu cũng như triển khai các hoạt động quản lý nguồn nước dựa vào cộng đồng.
Dựa trên những kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng, các CSO đã thực hiện nghiên cứu đánh giá nhu cầu tăng cường năng lực về quản lý nước, sự tham gia của cộng đồng, và chuyển tải các đóng góp, kết quả nghiên cứu liên quan đến quản trị tài nguyên nước đến các nhà hoạch định chính sách.
Cụ thể, CSO đã hỗ trợ cho 5 nhóm cộng đồng thực hiện các sáng kiến ở 5 tỉnh ĐBSCL về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản trị tài nguyên nước, bảo vệ sông, phát triển sinh kế. Nổi bật trong số đó là dự án “Phụ nữ được trao quyền để đi tiên phong trong quản trị nước” do Hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng triển khai tại 3 địa bàn là Sóc Trăng, Cù Lao Dung và Long Phú.
Đặc biệt, các CSO đã thử nghiệm dự án về tăng cường sự tham gia của các nhóm yếu thế và người có HIV trong sử dụng và quản lý nước hiệu quả ở địa phương tại 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện (Vũng Liêm, Vĩnh Long).
Song song với đó, những hoạt động thông tin, tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, thông qua việc ra mắt các ấn phẩm truyền thông, triển lãm ảnh tập hợp nhiều câu chuyện thành công trong quản lý nguồn nước ở cộng đồng, sông ngòi và đời sống người dân.
Kết quả, khuyến nghị và triển vọng
Sau 2 năm thực hiện, dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL” đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra, trong đó có việc làm rõ vai trò của các CSO trong quản lý tài nguyên nước. Các sáng kiến, dự án thử nghiệm đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi trao quyền cho các nhóm cộng đồng, phụ nữ.
Tuy nhiên, vẫn có một số những hạn chế cần khắc phục như các mô hình thành công của các tổ chức xã hội thường diễn ra trên phạm vi địa lý nhỏ, xã huyện như mô hình “cộng đồng tham gia quản lý thủy lợi” ở An Giang; đoạn sông tự quản ở Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Do hạn chế về tài chính và nhân lực nên các mô hình này chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn để tổng hợp đưa vào vận động thay đổi chính sách.
Phó Đại sứ Bỉ Anke Van Lancker nhấn mạnh việc lắng nghe ý kiến người dân trong quản lý nguồn nước.
Bên cạnh đó, do triển khai trong thời gian ngắn, một số hoạt động liên quan đến vận động chính sách và ban hành các văn bản pháp luật, hướng dẫn thực thi vẫn chưa hoàn thành.
Dựa trên những kết quả đã đạt được và hạn chế còn tồn tại, ban quản lý dự án và các đại biểu tham dự hội nghị đã đề xuất những hướng triển khai dự án trong thời gian tới, trong đó có duy trì hoạt động của các mạng lưới quản trị tài nguyên nước ở ĐBSCL với các thành viên nòng cốt tại các tỉnh thông qua đầu mối là Mekongnet (Cần Thơ), VRN (Hà Nội) cũng như hợp tác chặt chẽ với các mạng lưới quản lý và bảo vệ môi trường, tài nguyên khác.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các diễn đàn và đối thoại ở các tỉnh, huyện để các tổ chức xã hội và cộng đồng được tham gia chia sẻ ý kiến, đối thoại với các nhà ra quyết định cấp cao cũng như các tổ chức quốc tế trong các sáng kiến về quản lý và bảo vệ nguồn nước cũng được ghi nhận là hoạt động cần được tăng cường.
Theo Phó Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, bà Anke Van Lancker, việc lắng nghe ý kiến từ phía người dân là một cách tiếp cận hiệu quả, bởi những sáng kiến của họ tuy nhỏ nhưng hết sức có giá trị, khi được phản ánh từ chính góc nhìn của đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, Phó Đại sứ Bỉ cũng đề xuất sự tham gia của mạng lưới các trường Đại học đóng góp thêm cho các sáng kiến thuộc dự án.
Trong khi đó, PACCOM sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng văn bản về vai trò đại diện cũng như hướng dẫn thúc đẩy sự tham gia của các CSO trong công tác bảo vệ môi trường, quản trị tài nguyên thiên nhiên.
Bài và ảnh Phi Yến