Gần 800 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ĐBSCL có nguy cơ bị ngập đến 39%

10:36 | 24/06/2018

TĐO - Khu vực ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800 km, trong đó có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm.

Thông tin này được công bố tại hội nghị giới thiệu bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được tổ chức mới đây dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng.

Diễn biến phức tạp của sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô, đã khiến Bộ NNPTNT tổ chức khẩn hội nghị bàn giải pháp khắc phục, với sự tham gia của đại diện diện 13 tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL - địa bàn đang có nguy cơ mất hàng nghìn km đất liền do sạt lở.

ĐBSCL sẽ có nguy cơ bị ngập 39%

Theo báo cáo, bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL, đến nay cả nước đã xác định được 562 điểm trên tổng số 786km sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, có 55 điểm với 173km sạt lở đặc biệt nguy hiểm; 507 điểm sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường, tổng chiều dài 613km.

gan 800 km sat lo dac biet nguy hiem dbscl co nguy co bi ngap den 39

Nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng khiến các nhà dân trôi hoàn toàn xuống sông. Ảnh: Chí Công.

Tỉnh An Giang là địa bàn có tới 9 điểm sạt lở trên tổng chiều dài gần 20km; Cà Mau: 8 điểm trên tổng chiều dài gần 55km; Kiên Giang: 5 điểm trên tổng chiều dài gần 29km; Cần Thơ: 4 điểm với gần 13km... Số liệu nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông cho thấy, việc các quốc gia thượng nguồn xây dựng thủy điện khiến lượng phù sa bồi cát về khu vực ĐBSCL giảm đến 70%, bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát quá mức dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này ngày càng gia tăng.

Ông Tằng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai khẳng định trước năm 2010, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL vẫn xảy ra, song chưa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, từ năm 2010, sau khi Trung Quốc hoàn thành các công trình thuỷ điện, hồ chứa thì sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp.

Báo cáo tại hội nghị, ông Chính cho biết khu vực ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800 km, trong đó có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm.

gan 800 km sat lo dac biet nguy hiem dbscl co nguy co bi ngap den 39

Bản đồ các điểm sạt lở ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: TCPCTT.

Cũng theo vị này, số lượng lớn các hồ chứa tác động tiêu cực tới các bờ sông, bờ biển. Trên thượng lưu sông Mekong có 19 hồ chứa lớn nằm trong quy hoạch, trong đó chủ yếu là của Trung Quốc với 6 hồ. Bên cạnh đó, ông Chính khẳng định việc gia tăng dân số tương đối lớn là sức ép với các công trình, nhà ở ven sông, ven biển.

“Trước đây, lượng phù sa trên từ sông Mekong đổ về ĐCSCL khoảng 73 triệu m3/năm, năm 2012 chỉ còn 42 triệu m3. Dự báo khi 19 dự án hồ chứa được hoàn thành thì lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 10-15 triệu m3”, ông chia sẻ.

Trước thực trạng trên, ông Chính dự báo vào cuối thế kỷ 21, khi nước biển dâng 1 m, ĐBSCL sẽ có nguy cơ bị ngập 39%.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, Chính phủ vẫn ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí để giảm thiểu những tác động từ sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra.

Vì vậy cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó việc ứng dụng bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL là một trong những giải pháp để nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng tiếp cận trực tuyến nhanh chóng, chi tiết các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài.

gan 800 km sat lo dac biet nguy hiem dbscl co nguy co bi ngap den 39

Tình hình sạt lở bên bờ sông Hậu vẫn đang tiếp diễn. Ảnh: C.C.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nêu rõ: Chúng ta đang phải đối mặt với tác động kép, tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thiếu bền vững. Do mất cân bằng bùn cát, hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mê Kông, xây dựng nhà ở trái phép... cùng các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công và các tỉnh,thành phố vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển.

"Giải pháp có thể làm và cần làm ngay là tôn trọng, phục hồi lại các hệ sinh thái. Có những chỗ lượng phù sa về nhiều có thể phục hồi bằng các giải pháp "bẫy phù sa", phục hồi rừng. Có những chỗ không có phù sa phải xây dựng các công trình kiên cố giảm năng lực phát sóng gây xói lở bờ biển. Đi kèm với đó phải đẩy mạnh trồng rừng cũng như việc sử dụng hợp lý đất vùng ven biển, chỉnh trị sông" - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Chính phủ chi 1.500 tỉ khắc phục sạt lở ĐBSCL

Trước diễn biến phức tạp của sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Trước mắt, sẽ hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để xử lý khẩn cấp 29 khu vực đặc biệt nguy hiểm, các khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu khu vực ĐBSCL, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong đó có bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL.

Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong việc từng bước theo dõi, kiểm soát diễn biến sạt lở, nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại, ổn định dân sinh vùng ven sông, ven biển ĐBSCL là cần thiết và cấp bách. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT chủ trì, tổng hợp, đề xuất danh mục, mức hỗ trợ.

V.H (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/gan-800-km-sat-lo-dac-biet-nguy-hiem-dbscl-co-nguy-co-bi-ngap-den-39-67482.html

In bài viết