PGS.TS.Phạm Văn Tình nói về “trạm thu giá” BOT: “Không thể chơi chữ được”

20:21 | 23/05/2018

TĐO - Hàng loạt biển ở “trạm thu phí” của các trạm thu phí BOT hiện nay “bỗng dưng” đổi tên thành “trạm thu giá”. Sự thay đổi này khiến dư luận băn khoăn về ý nghĩa và gây tranh cãi về cách dùng hai cụm từ nói trên.

Đổi tên từ "trạm thu phí" thành "trạm thu giá" vì… đổi Bộ chủ quản!

Cộng đồng đang tranh luận xôn xao vì cách điều chỉnh tên gọi ở các trạm thu phí đường bộ BOT từ “Trạm thu phí” sang “Trạm thu giá”. Về thông tin này, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT thông tin trên VOV như sau: Việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Trong đó, kể từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.

pgstspham van tinh noi ve tram thu gia bot khong the choi chu duoc

Trạm thu phí... tên thường gọi và người dân quen sử dụng. Ảnh Hải Dương.

Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Trước khi Luật Phí và lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.

“Về bản chất, khi chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính”, lãnh đạo Vụ Tài chính, Bộ GTVT cho biết.

Trong hành lang Quốc hội, ông Phạm Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng trả lời phóng viên một số báo như vậy.

pgstspham van tinh noi ve tram thu gia bot khong the choi chu duoc

Nhiều trạm thu phí đã thay thành trạm thu giá. Ảnh Hải Dương

PGS.TS. ngôn ngữ học Phạm Văn Tình: Không thể chơi chữ!

Về mặt ngôn ngữ học, “trạm thu giá” đang khiến cộng đồng phản ứng vì cho rằng không có nghĩa. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của PGS.TS.Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam:

“Trước nay người ta đều nói thu phí và qua các trạm thu phí đường bộ đều ghi là Trạm thu. Không có gì đáng nói nếu người ta không thấy tập hợp mới xuất hiện “Trạm thu giá”. Mọi người rất ngạc nhiên vì nó không phù hợp chung với tất cả những người sử dụng Tiếng Việt. 3 yếu tố Trạm, Thu, Giá có nghĩa: Trạm: Công trình, nhà xây dựng ở dọc đường cái quan, có chức năng nào đó, như trạm giao liên, trạm liên lạc, trạm bán xăng dầu…; Thu là nhận về, nhận lấy từ nguồn nào đấy, như thu thuế, thu tiền học phí,…; Giá là biểu hiện giá trị của cái gì đó, thường là bằng tiền, ví dụ: Giá năm ngàn, hàng hạ giá, giá lên cao; Phí là khoản tiền phải trả cho một dịch vụ nào đó như học phí, phí bảo dưỡng, phí cầu phà…

Người ta ngạc nhiên, vậy biển do Bộ GTVT quyết định có vấn đề liên quan ngữ nghĩa của chữ “giá”. Đây có phải là thuật ngữ riêng không? Ta bình tĩnh xem đó có phải riêng của ngành không?

Nhưng qua trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT trên báo chí đại ý là giá của BOT khác với phí, ghi trạm thu giá là hợp lý. Giải trình đó không thỏa đáng. “Khi đặt tên đơn vị nào đó mang tính định danh thì phải xuất phát từ ngữ nghĩa chính của cộng đồng đó. Ở đây là Tiếng Việt. Tiếng Việt “giá” và “phí” hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp này phí là hợp lý nhất, đúng bản chất vấn đề. Phí là chi phí cho cái gì đó, đây là chi phí cho việc đi qua đường, có sự đầu tư BOT, phải trả khoản tiền. Như vậy người ta thấy bình thường. Phân tích từ hai góc độ: Ngữ nghĩa chung và cách giải thích cơ quan có thẩm người ta đều thấy sử dụng tổ hợp “trạm thu giá” đều không hợp”, PGS TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh.

pgstspham van tinh noi ve tram thu gia bot khong the choi chu duoc

Nhiều người cho rằng, cụm từ trạm thu giá khó hiểu nghĩa. Bản chất là trả tiền khi qua trạm thu tiền phí. Ảnh internet

Giải thích về lý do một tổ hợp từ mới xuất hiện và không được “đón chào” này, chuyên gia ngôn ngữ phân tích: “Nhiều thuật ngữ khoa học lấy từ ngôn ngữ toàn dân, có thuật ngữ đặt riêng trong lĩnh vực của họ, chớ vội vàng bắt bẻ. Nhưng trong trường hợp này, các từ quá quen thuộc, ta phải tôn trọng cách sử dụng của cộng đồng, không nên gây hiểu sai. Giả sử từ giá kia chưa sử dụng trong giao tiếp Tiếng Việt bao giờ thì còn được. Đây đã dùng quá thông dụng, phí cũng thế, ai cũng biết. Đây sử dụng với cấu trúc lạ, gọi là sáng tạo hay gọi là trong phạm vi từ ngữ chuyên ngành thì cũng không thoát ly được ngữ nghĩa chung của quy ước, của cộng đồng”.

“Hoàn toàn không thể chơi chữ được. Thuật ngữ nói chung là chính xác, đơn nghĩa và không mơ hồ. Văn chương còn có hàm ý, nhà thơ còn có ý sáng tạo, nhưng trong các thuật ngữ, biển hiệu mang tính pháp lý phải cẩn thận và cân nhắc. Có lẽ người vẽ biển đó cũng ngạc nhiên. Tôi nghĩ phản ứng của cộng đồng là hợp lý.

Dừng ở điểm đó phải rút tiền ra trả một khoản lệ phí nào đó cho đơn vị quản lý khung đường. Chữ giá ở đây người ta thấy không ổn, thấy phản cảm. Ngôn ngữ nói chung phải tạo ra sự đồng thuận. Ngôn ngữ là sự quy ước của cộng đồng. Lôi từ điển Hán - Việt, Từ điển Tiếng Việt từ cổ chí kim thấy Giá và Phí rất rõ ràng. Tôi nghĩ viết Trạm thu phí là hợp lý nhất, có lẽ chả vì thế mà mâu thuẫn đến cách đặt tên của Bộ GTVT, cách giải thích hơi không thoát ý, hơi vòng vo, trong trường hợp nào đó đổ lỗi sự phức tạp của BOT. Khi treo biển cho toàn xã hội chứng kiến thì cần phải rõ. Đó là cách giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Hỏi ngàn người Việt Nam thì chắc đa số không đồng ý dùng từ “trạm thu giá””, PGS.TS.Phạm Văn Tình khẳng định.

M.Phương

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/pgstspham-van-tinh-noi-ve-tram-thu-gia-bot-khong-the-choi-chu-duoc-67289.html

In bài viết