Hoạt động M&A Đông Nam Á cán mốc kỷ lục nhờ dòng tiền từ Trung Quốc

20:25 | 24/05/2018

TĐO - Khu vực châu Á trải qua hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập M&A chưa từng thấy và nắm phần lớn các thoả thuận này là các doanh nghiệp Trung Quốc. GIới nghiên cứu cảnh báo không thể coi đây là "bữa trưa miễn phí".

Mergermarket, công ty nghiên cứu dữ liệu M&A của London công bố số liệu cho thấy tổng giá trị M&A tại châu Á đạt 89,1 tỉ USD vào năm 2017, mức cao nhất trong lịch sử dữ liệu được lưu trữ từ năm 2001.

Số lượng giao dịch có giá trị từ 5 triệu USD trở lên đạt 431, tăng 54% so với năm 2016.

Những chủ đầu tư Trung Quốc đang có xu hướng tiến tới khu vực Đông Nam Á từ các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng. Tổng giá trị các thương vụ có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc chỉ sau một năm đã tăng gấp 4 lần, đạt 33,8 tỷ USD vào năm 2017, chiếm khoảng 60% tổng giá trị của Đông Nam Á. Trong đó, gần 70% khoản đầu tư của Trung Quốc được rót vào lĩnh vực vận tải và logistics.

Tháng 7/2017, tập đoàn sở hữu 5 công ty của Trung Quốc, bao gồm cả đơn vị đầu tư của Ngân hàng Trung Quốc, đã thắng vụ thâu tóm công ty kho bãi tại Singapore. Với trị giá 11,9 tỷ USD, đây là một trong những thương vụ mua lại lớn nhất của Trung Quốc vào năm ngoái.

Tháng 10/2017, tập đoàn HNA Trung Quốc tiến hành mua hơn 90% cổ phần của nhà khai thác logistics CWT tại Singapore.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang hướng tới việc nắm giữ nền tảng logistics tại Đông Nam Á, khu vực sở hữu người dùng được dự báo sẽ chuyển sang mua sắm trực tuyến một cách nhanh chóng.

Phía chính phủ Trung Quốc nhắm tới mục tiêu ngăn chặn dòng vốn chảy ra nhưng hiện chưa có dấu hiệu cho thấy việc các nhà đầu tư đổ xô đầu tư vào Đông Nam Á sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarge cảnh báo hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên nhiều khu vực có thể mang lại những rủi ro tiềm ẩn cho các nước tham gia.

Trong bài phát biểu của mình tại Bắc Kinh hồi giữa tháng 4, bà Christine Lagarde đánh giá rằng hoạt động của các nhà đầu tư Trung Quốc có thể mang lại nguồn tài chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều nước trên thế giới nhưng không thể coi đây là một “bữa trưa miễn phí”.

Theo bà, các dự án đầu tư của Trung Quốc có khả năng làm gia tăng nợ công đáng kế và hạn chế khả năng chi tiêu của các nước đối tác, tạo ra thêm thách thức cho cán cân thanh toán.

Đáng chú ý, xu hướng gia tăng hoạt động M&A xuyên biên giới vốn chiếm hơn 1/3 số lượng các thương vụ M&A trong năm 2017 và chưa có dấu hiệu giảm tốc.

Lý do hoạt động M&A tại châu Á ngày càng sôi động

Người đứng đầu bộ phận M&A khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của ngân hàng Morgan Stanley, ông Colm Donlon lý giải rằng các công ty muốn mở rộng hoạt động sang các châu lục khác để tăng doanh thu trong bối cảnh kinh tế trong nước tăng trưởng tương đối chậm.

Ngoài thị trường Đông Nam Á, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn tỏ ra hứng thú với những thương vụ mua bán mang tính chiến lược ở châu Âu và Bắc Mỹ, dù những trở ngại về chính trị và quy định ở các khu vực này đã phần nào cản trở họ.

Ông James Tam, người theo dõi M&A khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng chính những “cơn gió ngược” này là một trong những lý do vì sao các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hoạt động M&A xuyên biên giới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là những nơi như Đông Nam Á và Australia.

Những xu hướng trên sẽ chi phối hoạt động M&A trong năm 2018 trong bối cảnh cả thị trường và môi trường kinh tế vĩ mô đều đang có nhiều đổi thay.

V.H

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hoat-dong-ma-dong-nam-a-can-moc-ky-luc-nho-dong-tien-tu-trung-quoc-62025.html

In bài viết