06:35 | 16/06/2016
Đầu năm nay, đạo luật mới về thực phẩm dư thừa của Pháp chính thức được thông qua và có hiệu lực. Luật quy định, tất cả các siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên buộc phải ký hợp đồng quyên góp thực phẩm thừa cho các tổ chức từ thiện. Luật cũng nghiêm cấm các siêu thị phá hỏng thực phẩm trước khi quyên góp. Nếu vi phạm, họ có thể bị phạt tới 82.000 USD (gần 2 tỉ đồng).
![]() |
Thực phẩm dư thừa bị vứt đi
Ước tính, mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn đồ ăn. Trong đó, cứ mỗi 5 giây các siêu thị tại Mỹ vứt đi 4,5 tấn thực phẩm. Riêng trong năm 2012, họ lãng phí tới 35 triệu tấn. Mỗi năm, các siêu thị tại Anh cũng lãng phí tới 6 triệu tấn đồ ăn.
Điều đáng nói là những thực phẩm đó còn ăn được vì mới chỉ đến hạn "best before date" (hạn này cho biết thời điểm thức ăn đạt chất lượng tốt nhất, chứ không phải thời điểm bị hỏng).
Ở Pháp, 7 triệu tấn thực phẩm bị vứt đi mỗi năm, trong đó 11% đến từ các siêu thị. Theo ước tính chính thức, trung bình mỗi công dân Pháp ném đi 20kg – 30kg thực phẩm mỗi năm.
Trong những năm gần đây, truyền thông Pháp thông tin rằng, các gia đình nghèo, người thất nghiệp hoặc vô gia cư thường lén lút tìm kiếm thức ăn trong thùng rác của các siêu thị vào ban đêm để nuôi sống bản thân họ.
![]() |
Ở Pháp, thực phẩm dư thừa sẽ được quyên góp từ thiện hoặc làm thức ăn cho gia súc
Tuy nhiên, một số siêu thị khóa chặt thùng rác của họ. Số khác vứt thẳng vào kho chứa, đợi xe chở rác đi qua mới mở. Đặc biệt vài siêu thị còn đổ cả thuốc tẩy vào, việc làm mà theo lời họ là để "tẩy trùng". Nhưng trên thực tế, đó là cách các siêu thị ngăn không cho người vô gia cư lục lọi vào buổi đêm.
Theo bộ luật mới của Pháp, những loại thức ăn vẫn còn hạn sử dụng và ăn được sẽ được phân phát cho các tổ chức từ thiện. Còn những loại đã quá hạn sử dụng và không thể ăn được nữa cũng không được phép vứt đi, mà phải chế biến chúng trở thành thức ăn dành cho gia súc.
Luật mới sẽ giúp Pháp giảm một nửa lượng chất thải thực phẩm vào năm 2025. Được biết, bộ luật mới về chất thải thực phẩm cũng sẽ được Pháp đưa vào chương trình giáo dục trong các trường học và các doanh nghiệp.