16:00 | 03/12/2015
Tại phiên chất vấn về về lĩnh vực quản lý đô thị, nhà ở, đất đai chiều nay (3/12), vấn đề PCCC được nhiều đại biểu quan tâm.
Trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã chi 1.200 tỷ đồng để hỗ trợ trang thiết bị PCCC. Hà Nội có 209 xe phương tiện chữa cháy trong đó có 16 xe thang, 13 xe tải, 4 xe cứu thương, 60 máy bơm chữa cháy… Lực lượng cảnh sát PCCC đã được tăng về số lượng và chất lượng.
Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, trung bình hàng năm trên địa bàn TP xảy ra 150 – 200 vụ cháy lớn đáng kể. Bên cạnh đó có 500 – 700 sự cố cháy. Những sự cố cháy này tiềm ẩn nguy cơ cao. Bên cạnh đó, do tình hình phát triển kinh tế, điều kiện thời tiết, hạ tầng xã hội còn nhiều bất cập… nên nguy cơ cháy nổ trên địa bàn TP còn cao. |
Ông Lê Hồng Sơn khẳng định, Hà Nội quan tâm đầu tư về công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô về đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... “Tuy nhiên, mọi người không giữ tài sản của mình thì đầu tư cho PCCC bao nhiêu cũng không đủ. Khi xảy ra cháy, lực lượng đông đảo, trang thiết bị có hiện đại như thế nào việc cứu chữa rất khó. Quan điểm của chúng tôi là phòng ngừa là chính. Mỗi cá nhân, mỗi tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp… phải có trách nhiệm đối với việc phòng chống cháy nổ”, ông Sơn nói.
Cũng đồng tình với quan điểm của ông Sơn, ông Hoàng Quốc Định, giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, ý thức của người dân, đơn vị, lãnh đạo cơ sở còn hạn chế. Tỷ lệ người dân nhận thức cao về PCCC chưa nhiều.
Nhiều khu vực như phố cổ, nhà trong ngõ... khi gặp cháy nổ lực lượng PCCC gặp khó khăn
“Gần đây dư luận nhân dân, các cấp lãnh đạo… liên hệ tìm hiểu cũng như thể hiện trách nhiệm với công tác PCCC đã có những biến chuyển. Điều đó chứng tỏ người dân bắt đầu quan tâm thực sự tới vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" trong việc PCCC vẫn còn phổ biến hiện nay ở Thủ đô”, ông Sơn nhấn mạnh.
Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, theo ông Sơn, giải pháp căn cơ, hàng đầu là tuyên truyền cho người dân hiểu được. Toàn dân tham gia vào phong trào chữa cháy. Những cuộc diễn tập, tập huấn nghiệp vụ thường xuyên thực hiện ở các khu dân cư, đặc biệt ở những khu tiềm ẩn cháy nổ cao như chung cư, trung tâm thương mại, làng nghề… cũng một phần để nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, thực hiện PCCC phải tập trung 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đây là giải pháp thứ 2 – sau hoạt động tuyên truyền.
T. Phương