10:58 | 12/12/2016
Theo hãng tin Reuters, cam kết trên được đưa ra vào cuối hội nghị thượng đỉnh 2 ngày về quyền trẻ em, tổ chức tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ).
Tuyên bố kết thúc hội nghị nêu rõ: "Chúng tôi sẽ sử dụng tiếng nói của mình để bảo vệ và khuếch trương thông điệp của hàng triệu bé trai, bé gái và những người trẻ tuổi như là những công dân bình đẳng của hôm nay - lực lượng sản xuất quyết định của ngày mai".
"Chúng tôi sẽ có những hành động... đi kèm nỗ lực cụ thể nhằm chấm dứt lao động trẻ em trên tất cả các hình thức của nó, bao gồm cả buôn bán trẻ em, cũng như bãi bỏ chế độ nô lệ hiện đại ngày nay" - tuyên bố nhấn mạnh thêm.
Tham dự hội nghị, có các cựu tổng thống và thủ tướng; hoàng tử các nước Jordan, Hà Lan và Monaco; lãnh đạo một số tập đoàn và các nhóm hoạt động xã hội; những người từng đoạt giải Nobel Hòa bình.
![]() |
Một số đại biểu tham dự hội nghị
Bên cạnh đó, hội nghị cũng có sự tham gia của nhiều đại biểu: Đức Đạt Lai Lạt Ma, cựu Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta, cựu Thủ tướng Úc Julia Gillard, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Takkol Karman.
Nhà hoạt động vì quyền trẻ em, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014, ông Kailash Satyarthi tuyên bố: ông tổ chức hội nghị vì tiếng nói của trẻ em bị thiệt thòi trên thế giới đã không được lắng nghe, và việc các em tiếp tục đau khổ là không thể chấp nhận được.
Theo ông Satyarthi, sẽ có hoạt động theo dõi để đảm bảo thực thi cam kết tại hội nghị, và hội nghị thượng đỉnh về quyền trẻ em sẽ được tổ chức thường niên.
Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trong năm 2015, có tới 5,9 triệu trẻ em chết trước 5 tuổi, chủ yếu do các bệnh có thể phòng ngừa và điều trị.
Hàng triệu trẻ khác không được đi học vì nhà nghèo, vì là nữ giới, hoặc do các em đang lớn lên trong những quốc gia bị thiệt hại nặng nề bởi xung đột như Syria, Yemen và Iraq.
Mặc dù tình trạng đói nghèo toàn cầu đang có chiều hướng sụt giảm, gần 1/2 số người nghèo cùng cực trên thế giới là trẻ em, và nghèo đói càng khiến các em dễ bị bóc lột sức lao động - UNICEF cho hay.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từng cho biết: có khoảng 5,5 triệu trẻ em sinh ra đã bị coi như nô lệ, bị buôn bán để hoạt động mại dâm, hoặc bị mắc kẹt trong nợ nần.
Trọng Sang