10:06 | 03/10/2016
Theo hãng tin Reuters, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu chống đạt 50,21%, chênh lệch không lớn với tỷ lệ người ủng hộ thỏa thuận là 49,78%. Tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ đạt 37%, một phần do những trận mưa xối xả trên khắp cả nước.
Chiến thắng bất ngờ giành cho phe phản đối thỏa thuận hòa bình đã dội một gáo nước lạnh vào cộng đồng quốc tế, vốn đang kỳ vọng thỏa thuận được thông qua để kết thúc cuộc xung đột kéo dài nhất ở châu Mỹ.
Nó cũng đẩy kế hoạch đàm phán của Tổng thống Juan Manuel Santos, nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 52 năm qua, vào thế bấp bênh.
Ngay khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, chính phủ Colombia và FARC đều tìm cách trấn an dư luận thế giới rằng cả 2 bên sẽ nỗ lực hết sức để làm sống lại thỏa thuận hòa bình cho Colombia.
![]() |
Người dân Colombia xếp hàng chờ tới lượt bỏ phiếu hôm 2/10. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Santos (65 tuổi), tuyên bố lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận sẽ vẫn được giữ nguyên, và ông sẽ thảo luận với phe phản đối thỏa thuận, đồng thời cử trưởng đoàn đàm phán của mình tới Cuba để bàn bạc với các nhà lãnh đạo phiến quân FARC.
"Tôi sẽ không bỏ cuộc, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm hòa bình cho tới ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ (tổng thống) của mình bởi vì đó là cách để tạo ra một đất nước tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta" - ông Santos nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Santos cũng khẳng định: việc cử tri Colombia bỏ phiếu phản đối thỏa thuận hòa bình không có nghĩa là nội chiến sẽ tiếp diễn, và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy tuyên bố của ông nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân.
Về phần mình, thủ lĩnh Timochenko (tên thật là Rodrigo Londono) của FARC đã đưa ra một thông điệp tương tự từ Havana (Cuba) - nơi chính phủ Colombia và phiến quân đã tiến hành đàm phán hòa bình suốt 4 năm qua.
![]() |
Một nữ cử tri mang theo con nhỏ tới nơi bỏ phiếu. (Ảnh: Reuters)
"FARC sẽ tái cơ cấu để chỉ sử dụng ngôn từ thay cho vũ khí, cùng hướng tới tương lai. Hỡi những người dân Colombia mơ về hòa bình, hãy tin tưởng vào chúng tôi, hòa bình sẽ chiến thắng" - ông Timochenko phát biểu.
Theo đánh giá của Reuters, cử tri Colombia - có truyền thống bảo thủ - vẫn ủng hộ thỏa thuận hòa bình về nguyên tắc, nhưng không đồng ý với cách xử lý "mềm mỏng" của chính phủ Colombia đối với phiến quân FARC.
Các cử tri phản đối thỏa thuận cho rằng việc cho phép phiến quân tái hòa nhập xã hội, thành lập một đảng phái chính trị và không phải chịu các án tù là quá nhẹ nhàng đối với những gì mà FARC đã gây ra suốt hơn nửa thế kỷ qua.
"Tôi đã bỏ phiếu chống. Tôi không muốn dạy các con tôi rằng, tất cả mọi thứ (tội ác) đều có thể được tha thứ" - kỹ sư Alejandro Jaramilo (35 tuổi), tới từ Thủ đô Bogota, cho hay.
Trọng Sang