15:54 | 15/09/2016
Phát biểu trước báo giới, ông Toner thừa nhận tình hình hiện nay ở Syria không được tốt như kỳ vọng. "Chúng tôi đã ghi nhận các hành vi vi phạm (thỏa thuận ngừng bắn) từ cả 2 bên. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi (tình hình) rất chặt chẽ" - ông Toner nói thêm.
Động thái gia hạn này được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) hôm 14/9 cho biết: kể từ khi bắt đầu lệnh ngừng bắn vào ngày 12/9, không có bất cứ trường hợp tử vong nào ở Homs, Latakia, Hama, ngoại ô Thủ đô Damascus, Idlib và các khu vực nằm trong thỏa thuận.
Hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA) cũng báo cáo rằng không có cá nhân nào bị thiệt mạng trong khoảng thời gian nói trên, dù vẫn có "một số nhóm vũ trang" vi phạm thỏa thuận và tấn công bằng súng cối.
Các đoàn xe cứu trợ đã sẵn sàng
Đối với hàng trăm nghìn người dân Syria đang sống trong các khu vực bị bao vây, cô lập, việc kéo dài lệnh ngừng bắn sẽ trao cho họ cơ hội nhận được viện trợ nhân đạo.
Các đoàn xe cứu trợ đang có mặt tại thị trấn biên giới Cilvegozu của Thổ Nhĩ Kỳ, sẵn sàng nhập cảnh vào Syria và cung cấp thực phẩm cũng như thuốc men cho khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân ở phía Đông Aleppo.
Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), có khoảng 250.000 - 275.000 người dân đang bị bao vây tại khu vực này kể từ đầu tháng 7.
![]() |
Một đoàn xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc tại Syria
Một nhà hoạt động cho biết người dân đều kỳ vọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực, dù nhiều lệnh ngừng bắn tương tự đã sụp đổ kể từ khi xung đột Syria bắt đầu vào năm 2011.
Trong khi đó, theo ông Jens Laerke, người phát ngôn cơ quan nhân đạo của LHQ, các đoàn xe cứu trợ cần được đảm bảo an toàn ở khu vực Tây Bắc Syria - nơi vốn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Các đoàn xe của LHQ xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ về phía Đông Aleppo "đã sẵn sàng và sẽ lên đường ngay khi điều kiện cho phép" - ông Laerke nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Syria khẳng định: đoàn xe cứu trợ chỉ có thể đến được Aleppo thông qua sự phối hợp giữa chính phủ nước này với LHQ, đặc biệt là các xe đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Vai trò của các nhóm khủng bố trong thỏa thuận ngừng bắn
Theo thỏa thuận được Mỹ - Nga hậu thuẫn, nhằm đẩy mạnh hoạt động cứu trợ nhân đạo, lực lượng chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad và các nhóm nổi dậy sẽ tạm ngừng mọi hoạt động quân sự.
Tuy vậy, những nhóm chiến binh bị coi như khủng bố, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và Jabhat al-fateh Sham (trước đây là Mặt trận Nusra), đều không nằm trong thỏa thuận.
![]() |
Các tay súng IS trên đường phố Syria
Mặc khác, trong 7 ngày duy trì lệnh ngừng bắn theo kế hoạch ban đầu (12-19/9), Mỹ và Nga sẽ bắt đầu phối hợp để tấn công nhằm vào mục tiêu là các nhóm khủng bố ở Syria.
Hôm 14/9, ông Viktor Poznikhir, Phó Cục trưởng thứ nhất Cục Chỉ huy tác chiến Bộ Tổng Tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, các máy bay chiến đấu của Nga đã không kích nhóm chiến binh IS ở phía Bắc Palmyra, tiêu diệt 250 tay súng và phá hủy 15 xe tải.
Đây là nỗ lực phối hợp thứ 2 của Mỹ và Nga trong việc áp đặt lệnh ngừng bắn ở Syria, nhằm mang lại hòa bình cho quốc gia này trong năm nay. Hồi tháng 2, Washington và Moscow từng hậu thuẫn một thỏa thuận tương tự, nhưng xung đột đã nhanh chóng tái diễn.
Nội chiến Syria đã kéo dài hơn 5 năm, giết chết hàng trăm nghìn người và buộc hơn 5 triệu người phải chạy trốn khỏi nhà cửa, tạo ra cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
SOHR, có trụ sở tại Anh, từng ước tính rằng có tới 430.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột Syria, mặc dù gần như không thể đưa ra con số thống kê chính xác.
Trọng Sang