TAND huyện Quế Võ ( Bắc Ninh): Vì sao bản án do Thẩm phán Nguyễn Tuyết Mai xét xử bị tuyên hủy?

20:24 | 21/11/2018

TĐO - TAND huyện Quế Võ chưa làm rõ nhiều tình tiết trong một vụ án kiện đòi tài sản, đồng thời có nhiều dấu hiệu vi phạm Luật Tố tụng dân sự dẫn đến việc đưa ra bản án thiếu khách quan và bị “tuýt còi”, và hậu quả của sự nóng vội ấy là quyền lợi của bị đơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhập nhèm chuyện góp vốn?

Đó là những mâu thuẫn trong vụ án “ Kiện đòi tài sản” giữa đồng nguyên đơn các ông Cung Văn Tý, Nguyễn Khắc Cường, Hoàng Văn Hải và bị đơn ông Nguyễn Văn Thịnh-Giám đốc công ty TNHH thương mại và xây dựng Trí Đức (gọi tắt là công ty Trí Đức).

T heo đó, ngày 14/9/2011, Công ty Trí Đức và UBND xã Phượng Mao, huyện Quế Võ ký hợp đồng số 11/2011/HĐXD về việc thi công xây dựng công trình đường giao thông nông thôn tại thôn Mao Yên, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ. Tháng 5/2011 công ty khởi công công trình, đến tháng 6/2012 hoàn thành công trình.

Tham gia có các nguyên đơn Cung Văn Tý góp vốn bằng số thép trị giá hơn 170 triệu đồng. Còn ông Hải và Cường góp vốn hơn 400 triệu đồng bằng giấy viết tay, thỏa thuận sau khi quyết toán trừ chi phí lãi chia ông Thịnh 1 nửa, hai ông nhận phần còn lại.

Sau 3 tháng thi công, ông Thịnh trả gốc lẫn lãi ông Tý hơn 250 triệu đồng, ông Hải và Cường là hơn 560 triệu đồng.Song các ông Tý, Hải, Cường vẫn cho rằng mình là thành viên góp vốn Cty Trí Đức, căn cứ vào bảng biểu do 3 ông tự lập tính chi phí công trình là hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó lãi 800 triệu đồng, lợi nhuận mỗi người 200 triệu đồng. Tuy nhiên, không được chia lợi nhuận như cách tính trên nên các ông đã làm đơn khởi kiện đòi tài sản ra tòa ngày 28/4/2014.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/02/2015, TAND huyện Quế Võ đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện và buộc ông Thịnh phải trả lãi công trình cho ba ông như trên.

Bị đơn cho rằng, bản án của TAND huyện Quế Võ trong quá trình xét xử xác định lợi nhuận của công trình và chia đều cho người góp vốn là không đúng. Trong quá trình thực hiện công trình từ ký hợp đồng đến nghiệm thu thanh quyết toán đều do hai pháp nhân là UBND xã Phượng Mao (Bên A), công ty Trí Đức (Bên B) ký và không hề có 03 đồng nguyên đơn nêu trên. Hơn nữa, dự toán của công ty là 5,915 tỷ nhưng giá trị công trình chỉ được phê duyệt là 4,97 tỷ đồng. Trừ chi phí lãi vay ngân hàng, trượt giá vật liệu nên chưa có cơ sở nào xác định có lãi để TAND huyện Quế Võ chấp nhận yêu cầu đòi chia lợi nhuận của các đồng nguyên đơn, vả lại vốn góp của các nguyên đơn công ty đã thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi cao sau ba tháng góp vốn.

Bản án bị “tuýt còi”

Với tư cách là bị đơn, ông Thịnh cho rằng mình chưa được tống đạt giấy triệu tập, bản án đó là lý do ông vắng mặt khi vụ án được đưa ra xét xử và không thể làm đơn kháng cáo để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đồng thời, trong quá trình thụ lý và xét xử, tòa án đã có dấu hiệu thu thập chưa đầy đủ chứng cứ, ví dụ việc căn cứ vào bản photocopy, số liệu “tự sướng” duy chỉ có chữ ký của 3 nguyên đơn (Bút lục BL 32,76) bỏ qua một số khoản thu chi khác như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… để xác định lợi nhuận chia cho các nguyên đơn là thiếu chính xác.

Trong quá trình thực hiện công trình từ ký hợp đồng đến nghiệm thu thanh quyết toán đều do hai pháp nhân là UBND xã Phượng Mao (Bên A), công ty Trí Đức (Bên B) ký không có sự xuất hiện của 3 nguyên đơn. Hơn nữa, vốn góp của 3 nguyên đơn đã được thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi như đã nêu trên. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn là tòa án chưa làm rõ tư cách góp vốn của các nguyên đơn trong vụ án này như thế nào?

Trong khi đó, lại có sự đồng nhất tư cách cá nhân của ông Thịnh với pháp nhân Cty Trí Đức do ông Thịnh làm đại diện nên dẫn tới việc cho rằng tiền của ông Thịnh cũng là tiền của công ty.

Ngoài ra, trong vụ án này còn rất nhiều điểm mờ chưa làm rõ về mối quan hệ góp vốn, người làm chứng, đồng thời có dấu hiệu vi phạm Luật tố tụng dân sự dẫn đến bản án chưa được khách quan.

Hệ lụy đó là bị đơn bỗng nhiên lâm vào cảnh đáo tụng đình, bị kê biên tài sản để thực hiện thi hành án bằng quyết định số 212/QĐ-THA ngày 13/4/2015 về “Cưỡng chế kê biên xử lý tài sản” đối với 02 thửa đất của cá nhân ông Nguyễn Văn Thịnh để thi hành án.

Chính vì vậy, Bản án (05/DSST, ngày 10/2/2015) nêu trên đã bị VKSND Cấp cao kháng nghị Giám đốc thẩm (Số 07/KN-GĐT-VC1-DS ngày 13/1/2017) và TAND Cấp cao ra quyết định hủy bản án, yêu cầu xử lại theo thủ tục sơ thẩm ( Số 103/2017/DS-GĐT, ngày 05/10/2017).

Đáng lưu ý, trong bản Kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại Hà Nội đều xác định hàng loạt các vi phạm trong xét xử của HĐXX vụ án này như: hồ sơ vụ án không có biên bản đối chiếu công nợ giữa các bên, không có hồ sơ thanh quyết toán công trình được phê duyệt, không có biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành, không có bản vẽ hoàn công được chủ đầu tư xác nhận theo quy định….nên không có cơ sở để xác định giá trị công trình hoàn thành như phán quyết của bản án do Thẩm phán Nguyễn Tuyết Mai xét xử. Ngoài ra, VKSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại Hà Nội còn chỉ ra một loạt sai sót khác trong bản án nêu trên như: Thẩm phán khi xét xử vụ án này chưa thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ để làm rõ các vấn đề nêu trên, sử dụng tài liệu photocopy làm căn cứ xét xử…

Các vi phạm đã được cơ quan Tòa án cấp trên chỉ ra và tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu TAND huyện Quế Võ xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm nhưng đến nay, đã hơn 1 năm TAND huyện Quế Võ vẫn chưa có động thái đưa vụ án ra xét xử lại là điều khó hiểu.

Đoàn Trắc Sử

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tand-huyen-que-vo-bac-ninh-vi-sao-ban-an-do-tham-phan-nguyen-tuyet-mai-xet-xu-bi-tuyen-huy-41659.html

In bài viết