17:13 | 05/07/2025
"Em đã kiếm được số tiền đầu tiên trong đời, một khoản nho nhỏ nhưng thật sự ý nghĩa. Giờ đây em biết rằng, những ai nỗ lực hết mình để đạt được ước mơ sẽ được đáp đền xứng đáng," Tú chia sẻ với nụ cười đầy tự hào.
![]() |
Lớp học Mỹ thuật Ứng dụng thuộc dự án "Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững". (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) |
Nhìn thoáng qua, ít ai biết Tú đã trải qua những năm tháng tuổi thơ vô cùng vất vả. Năm 6 tuổi, Tú mắc bệnh viêm não Nhật Bản và mất hoàn toàn khả năng nghe và nói. Từ một cậu bé khỏe mạnh, em trở thành trẻ câm điếc. "Mỗi lần thấy con cố gắng nói mà không được, tôi lại trào nước mắt," mẹ Tú nghẹn ngào kể lại. Tuy vậy, vượt qua tất cả, Tú đã tự mình viết nên câu chuyện của sự vươn lên mạnh mẽ với sự đồng hành của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.
Con đường học tập của Tú bắt đầu muộn hơn các bạn đồng trang lứa. Khi 10 tuổi, em mới được đến trường Chuyên biệt Khiếm thính để học bảng chữ cái và ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ sự tận tâm của thầy cô và nỗ lực bản thân, Tú không chỉ tiếp thu tốt mà còn tìm thấy niềm đam mê mãnh liệt với mỹ thuật. Từ đó, theo đuổi học vẽ và trở thành họa sĩ đã trở thành ước mơ của chàng trai trẻ.
Bước ngoặt đã đến với Tú khi dự án “Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững” của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em được triển khai tại ngôi trường nơi em theo học. Nhận thấy niềm đam mê và năng khiếu nghệ thuật của Tú, dự án đã tạo điều kiện để em tham gia lớp học Mỹ thuật Ứng dụng. Tại đây, Tú được hướng dẫn và sáng tạo trên từng chiếc móc khóa, túi canvas hay bức tranh trang trí. Không chỉ là lớp học, đó còn là nơi Tú khám phá năng lực của chính mình và nuôi dưỡng ước mơ sống bằng nghề thủ công mỹ thuật. Sau hai tháng miệt mài học nghề, Tú đã tự tay hoàn thiện những sản phẩm đầu tiên và mang đi bán. Khi cầm trên tay 2,5 triệu đồng – khoản thu nhập đầu tiên trong đời, Tú mang về khoe với gia đình, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt và nụ cười của em khi thấy cánh cửa tương lai rộng mở trước mắt.
![]() |
Tú tự tin chia sẻ cảm nghĩ trong các hội thảo do dự án tổ chức. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) |
Không chỉ dừng lại ở việc học nghề, Tú còn tự tin tham dự các triển lãm và chia sẻ cảm nghĩ trước hàng trăm người trong các hội thảo do dự án tổ chức. Không thể nào kể xiết niềm vui và hạnh phúc của những gia đình có con là thanh thiếu niên khuyết tật như gia đình Tú khi chứng kiến hành trình đó.
Dự án “Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững năm 2022-2024” do Quỹ Citi tài trợ, với đối tác là Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua các can thiệp dự án, 369 thanh thiếu niên khuyết tật được trang bị các kiến thức về hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng nghề, kết nối việc làm phù hợp với nhu cầu và năng lực của từng cá nhân. |
Câu chuyện của Tú là minh chứng cho khả năng vươn xa của những thanh niên khuyết tật khi được trao cơ hội học tập, rèn luyện phù hợp. Với sự kết nối từ dự án “Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững”, các bạn trẻ được trang bị kiến thức hướng nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp và cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp.
Theo bà Phạm Thị Bích Ngọc, Cố vấn kỹ thuật Giảm nghèo cho trẻ em và thanh thiếu niên của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam, trong quá trình thiết kế dự án này, tổ chức đã tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu của hơn 300 thanh thiếu niên khuyết tật tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tham vấn các tổ chức xã hội, mạng lưới người khuyết tật và các cơ sở dạy nghề.
![]() |
Hội thảo "Hỗ trợ việc làm và dạy nghề cho thanh niên khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh" do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tổ chức ngày 20/6/2023. (Ảnh: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) |
“Dựa trên kết quả khảo sát và tham vấn với đối tác, thanh thiếu niên và các bên có liên quan, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em xác định phương pháp tiếp cận và xây dựng can thiệp phù hợp, tập trung vào việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho người khuyết tật. Đồng thời, Tổ chức cũng chú trọng hướng dẫn và hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc để giúp trẻ phát triển kỹ năng toàn diện.
Các hoạt động như tham quan thực tế tại doanh nghiệp hay video giới thiệu nghề nghiệp được thiết kế để giúp các em tiếp cận kiến thức và kỹ năng dễ dàng hơn. Những giải pháp này cũng giúp xóa bỏ rào cản và đảm bảo các em có thể tiếp cận và hưởng lợi một cách hiệu quả từ chương trình" - bà Phạm Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Đến năm 2024, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã và đang thực hiện trực tiếp 05 dự án trong lĩnh vực dạy nghề và định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên khó khăn: 1. Dự án “Sự tham gia: Nâng cao năng lực cho các đoàn thể, tổ chức xã hội và thanh niên dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào việc khởi nghiệp, ra quyết định kinh tế - xã hội tại Yên Bái, Việt Nam năm 2020-2023”; do Liên Minh Châu Âu tài trợ. 2. Dự án “Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững năm 2022-2024” do Quỹ Citi tài trợ với đối tác là Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh. 3. Dự án “Hỗ trợ Thanh niên và Trẻ em trong ứng phó với COVID-19 năm 2021-2024” do Liên minh châu Âu tài trợ, thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. 4. Dự án “Kỹ năng thành công” do tập đoàn Accenture tài trợ. Giai đoạn 1: năm 2018-2022, thực hiện tại 3 tỉnh: Đồng Nai, Cần Thơ và Đà Nẵng. Giai đoạn 2: năm 2023-2026, thực hiện tại 6 tỉnh/thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp và Thanh Hóa. 5. Chương trình Phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm tại tỉnh Lào Cai. |
Từ năm 2020 đến nay, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ thanh thiếu niên yếu thế trên khắp cả nước, với các nhóm đối tượng đa dạng như thanh niên khuyết tật, dân tộc thiểu số, nhập cư và đa dạng về giới. Các dự án này đều có cách tiếp cận chung là đặt thanh thiếu niên vào trung tâm quá trình can thiệp – từ thiết kế, triển khai đến đánh giá.
Tổ chức đặc biệt chú trọng đến việc giúp thanh thiếu niên phát triển các kỹ năng sống và kỹ năng nghề phù hợp với hoàn cảnh, đồng thời tạo cơ hội thực hành như học nghề, thực tập hoặc tiếp cận thị trường lao động. Bên cạnh đó, Tổ chức cũng hợp tác với nhiều đối tác địa phương và doanh nghiệp để gia tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trẻ.
“Khởi nghiệp hay học nghề không đơn thuần là giải pháp kinh tế mà còn là cách để người trẻ yếu thế tự tin làm chủ tương lai,” bà Phạm Thị Bích Ngọc nhận định. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các em phát triển kỹ năng sống, kỹ năng nghề thiết thực và đồng hành cùng cha mẹ, nhà trường và các tổ chức xã hội để xây dựng lộ trình nghề nghiệp bền vững và khả thi các em”.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi nhằm mục đích bảo vệ dữ liệu cá nhân.
![]() |
![]() Ngày 11/10, tại Trung tâm văn hoá xã Khánh An (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Tổ chức Save the Children International - Văn phòng đại diện tại Việt Nam (Tổ chức Cứu trợ trẻ em) tổ chức lễ triển khai Dự án cứu trợ khẩn cấp bằng tiền mặt cho hộ gia đình khó khăn và trường học bị ảnh hưởng sau hạn hán năm 2024 tại huyện U Minh. |
![]() Ngày 25/11, trường Tiểu học & Trung học cơ sở Cam Cọn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã phối hợp với tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng với chủ đề “Trường học an toàn - Hành trang hạnh phúc”. |
Thu Phượng