17:41 | 03/04/2025
Tại châu Âu, trong bài đăng mới nhất trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định thuế quan của Mỹ là một “đòn giáng mạnh” vào nền kinh tế thế giới. "Chúng tôi đang chuẩn bị các biện pháp tiếp theo để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong trường hợp đàm phán không đạt kết quả", bà viết.
![]() |
Ông Trump công bố danh sách các nước bị áp thuế. (Ảnh: AFP) |
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu và cao hơn với một số đối tác thương mại lớn. Theo đó: Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế; Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%... |
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho rằng mức thuế 20% mới áp lên EU không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. "Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hướng tới một thỏa thuận với Mỹ, nhằm tránh một cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu phương Tây và tạo lợi thế cho các đối thủ toàn cầu khác", bà Meloni viết trong một bài đăng trên Facebook. Bà cho hay chính phủ sẽ hành động vì lợi ích của đất nước và nền kinh tế, đồng thời thảo luận với các đối tác châu Âu.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sasnchez tuyên bố: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ các mức thuế đơn phương này. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác châu Âu để đưa ra phản ứng phù hợp và bảo vệ lợi ích của các công dân và doanh nghiệp của chúng tôi".
Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết “Ireland sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác EU để bảo đảm rằng lợi ích của Ireland được bảo vệ".
Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) Manfred Weber nói: "Quyết định của Mỹ là một bước lùi cho thương mại toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi EC phản ứng một cách quyết đoán để bảo vệ ngành công nghiệp và việc làm của châu Âu".
Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cho biết, nước này sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo để đối phó chính sách thuế của Mỹ. "Lợi ích kinh tế lâu dài của đất nước là ưu tiên hàng đầu. Tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại tự do là điều cơ bản", bà tuyên bố.
Cùng ngày Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bình luận trên X: "Thụy Điển sẽ tiếp tục đấu tranh cho thương mại tự do và hợp tác quốc tế".
Theo AP (Mỹ), chính phủ Anh khẳng định Mỹ vẫn là "đồng minh thân cận nhất". Bộ trưởng Kinh doanh Jonathan Reynolds cho biết nước này hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại nhằm "giảm thiểu tác động" từ mức thuế đối ứng 10%.
Tuy nhiên ông Reynolds lưu ý "không có gì là không thể bàn tới và chính phủ sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Anh". Các quan chức Anh cũng khẳng định không ngay lập tức trả đũa.
Tại châu Á, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3/4 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ chính sách thuế quan đối ứng mà Mỹ vừa công bố, cho rằng đây là một biện pháp vi phạm các quy định của thương mại quốc tế.
Trung Quốc khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp đối phó nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia và lợi ích hợp pháp của mình trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia ngày càng gia tăng.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc nói: "Không có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại và chủ nghĩa bảo hộ sẽ không mang lại kết quả tích cực. Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương này và giải quyết các bất đồng thương mại thông qua đối thoại bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc và quy tắc của hệ thống thương mại đa phương”.
Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Muto Yoji tổ chức họp báo cho biết đã có cuộc gặp trực tuyến với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick ngay trước thông báo của Tổng thống Trump. Ông Muto nói đã yêu cầu Mỹ miễn trừ Nhật Bản khỏi thuế mới. "Chúng tôi cần quyết định điều gì tốt nhất và hiệu quả nhất cho Nhật Bản, theo cách cẩn trọng nhưng táo bạo và nhanh chóng", ông Muto nói và để ngỏ mọi lựa chọn đáp trả, theo Reuters.
Cùng ngày, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck Soo đã ra lệnh áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi việc áp thuế của Mỹ, bao gồm cả ô tô. Ông Han đã yêu cầu bộ trưởng Bộ Công nghiệp phân tích nội dung của các mức thuế quan và tích cực đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động.
"Chính phủ phải huy động mọi khả năng của mình để vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại", ông Han phát biểu tại một cuộc họp với bộ trưởng tài chính và các quan chức cấp cao khác.
Tại Thái Lan, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho hay nước này có "kế hoạch mạnh mẽ" để ứng phó và hy vọng sẽ đàm phán giảm nhẹ tác động và giảm bớt thuế suất mới.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết các mức thuế của chính quyền ông Trump "không có cơ sở logic", đi ngược nền tảng quan hệ đối tác giữa hai quốc gia. "Đây không phải là hành động của một người bạn. Quyết định hôm nay sẽ làm tăng thêm sự không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu và sẽ đẩy chi phí của các hộ gia đình Mỹ lên cao", ông Albanese nói.
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins cho biết, New Zealand luôn ủng hộ thương mại tự do và công bằng. "Chúng tôi tin rằng các mức thuế như vậy sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên liên quan và chúng tôi kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định này", ông nói.
![]() Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đẩy nhanh quá trình phi đô la hóa nền kinh tế toàn cầu, khi giá vàng liên tục lập kỷ lục mới - một dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển khỏi đồng USD. |
![]() Ngày 2/4/2025 được Tổng thống Donald Trump gọi là "Ngày Giải phóng nước Mỹ", khi ông tuyên bố áp đặt một loạt thuế quan nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Các đối tác thương mại của Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho đợt áp thuế này. |
Minh Thái, Thu Phượng (tổng hợp)