Thay đổi tư duy, hành động khác biệt để hiện thực hóa tăng trưởng GDP 8%

09:15 | 29/03/2025

Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên năm 2025. Để đạt được, Việt Nam cần chiến lược tổng thể, kết hợp chính sách tài chính, đầu tư công, cải cách thể chế và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới.
Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu những động lực để đạt tăng trưởng 8% năm 2025

Ba đột phá chiến lược

Phát biểu tại hội thảo "Sử dụng vốn hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 2/2025, Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân nhận định: mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên không khó nếu Việt Nam kiên định thực hiện 3 đột phá chiến lược: thể chế, nhân lực, hạ tầng. Trong đó, thể chế phải thông thoáng, thông minh; cơ chế phải thu hút nhân lực chất lượng cao; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ.

Bên cạnh đó, cần phát huy 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
PGS.TS Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, Việt Nam dự kiến cần tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 174 tỷ USD, trong đó đầu tư công chiếm 36 tỷ USD, tăng 9%. Thống kê cho thấy, đầu tư công tăng 10% có thể giúp GDP tăng khoảng 0,6%. PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh vai trò then chốt của khu vực tư nhân – hiện đóng góp trên 55% tổng vốn đầu tư xã hội. Do đó, cần gói giải pháp toàn diện như giảm tiền thuê đất, phí, thuế; hỗ trợ tín dụng, bảo lãnh vay vốn, lãi suất ưu đãi… để thu hút mạnh mẽ dòng vốn tư nhân vào các dự án phát triển.

Để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất 3 giải pháp chiến lược:

Thứ nhất, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên đầu tư phát triển hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí. Cần tận dụng hiệu quả tài sản công, đất công để tạo nguồn vốn đầu tư thông qua khai thác hoặc đấu giá.

Thứ hai, áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt theo mục tiêu tăng trưởng và lạm phát. Điều hành lãi suất bám sát lạm phát cơ bản, kiểm soát chất lượng tín dụng, ngăn ngừa nợ xấu gia tăng, đảm bảo cung tiền và tín dụng phù hợp.

Thứ ba, đầu tư chuyên sâu cho công tác dự báo từ sớm về kinh tế toàn cầu, địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… nhằm xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời, giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế và đời sống người dân.

Thể chế là yếu tố quyết định

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2025, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để đạt mức tăng trưởng 8%, thậm chí hướng đến 10% trong tương lai, Việt Nam không thể tiếp tục duy trì cách làm cũ. "Cần thay đổi tư duy, hành động khác biệt mới có thể tạo ra đột phá", ông nói.

Các chuyên gia tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Các chuyên gia tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Theo TS Nguyễn Đình Cung, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, thể chế là yếu tố quyết định. Phải tháo gỡ được điểm nghẽn thể chế ở thời điểm này mới tạo được đột phá, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ hơn. Thời gian qua, có quá nhiều quy định khiến doanh nghiệp tốn kém chi phí tuân thủ, làm mất đi nhiều cơ hội kinh doanh.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, Việt Nam phải đối mặt với 4 thách thức khi đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%.

Một là thể chế, cần có những đột phá về thể chế, như: sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, giảm bớt đầu mối để có một bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Hai là bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho những ngành có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thời gian ngắn, đây sẽ là một thách thức lớn để Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Ba là hạ tầng, như hạ tầng về thông tin, giao thông, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp…

Bốn là cần hội nhập thực chất hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cần làm chủ các khâu có giá trị gia tăng cao, thực chất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, tận dụng các cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do một cách hiệu quả, đầy đủ và lâu dài hơn.

"Trong điều kiện mới, chúng ta cần có những giải pháp đột phá hơn, quyết tâm hơn, đi vào chiều sâu hơn, liên quan đến thể chế, hạ tầng cơ sở, con người… để tái cấu trúc hướng tới một nền kinh tế lấy đổi mới sáng tạo làm chính", PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

"GDP tăng 8%, tín dụng phải tăng 16%, còn GDP đến 10% thì tăng trưởng tín dụng cần ở mức 18-20%"
Trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, tăng bội chi và nới nợ công nếu cần thiết Trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, tăng bội chi và nới nợ công nếu cần thiết

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thay-doi-tu-duy-hanh-dong-khac-biet-de-hien-thuc-hoa-tang-truong-gdp-8-211906.html

In bài viết