10:47 | 25/03/2025
Theo lời Ngoại trưởng Bỉ Maxime Prévot, “ăn miếng trả miếng” là chiến lược mà Liên minh Châu Âu (EU) nên áp dụng để đối phó với cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động.
![]() |
Ngoại trưởng Bỉ Maxime Prévot. (Ảnh: Getty) |
Những tuyên bố và hành động nhắm vào EU của nhà lãnh đạo Mỹ “phải khiến chúng ta có phản ứng tương xứng,” Prévot nói với Politico. Ông nhấn mạnh rằng EU cần khẳng định vị thế của mình, cho thấy thị trường 450 triệu dân của khối “xứng đáng được đối xử khác biệt” so với cách Trump đã làm cho đến nay.
Khi đối phó với Trump, EU không nên loại trừ bất kỳ lựa chọn nào, kể cả việc nhắm vào những điểm yếu của Washington, ông Prévot nhấn mạnh.
“Chúng ta biết rằng một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất đối với Mỹ là công nghệ số. Vì vậy, cá nhân tôi ủng hộ việc tận dụng đòn bẩy này như một phần trong chiến lược phản công,” ông nói.
Các quy định công nghệ của EU đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thuế quan xuyên Đại Tây Dương, khi Trump đe dọa trả đũa Ủy ban Châu Âu vì các chính sách kiểm soát nội dung và cạnh tranh kỹ thuật số của khối.
Ngoại trưởng Bỉ cũng nhấn mạnh rằng EU nên cân nhắc kích hoạt Công cụ chống Áp bức (ACI) – một biện pháp chưa từng được sử dụng trước đây. Được thiết kế sau nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, công cụ này cho phép EU áp dụng các biện pháp trả đũa quy mô lớn đối với hành vi phân biệt thương mại, bao gồm áp đặt hạn ngạch, thuế quan hoặc hạn chế đầu tư nước ngoài.
Những phát biểu của ông Prévot được đưa ra trong bối cảnh sự đoàn kết của EU đang dần xuất hiện rạn nứt khi đối phó với những lời đe dọa thuế quan khó lường từ ông Trump. Dưới sức ép từ Pháp, Đức, Ireland và Ý, Ủy ban Châu Âu đã buộc phải mở rộng tham vấn với các thủ đô EU trước khi áp thuế lên 18 tỷ euro hàng xuất khẩu của Mỹ, một động thái làm leo thang căng thẳng thương mại giữa hai bên.
“Cuộc chiến về thuế quan chẳng khác nào một chiếc boomerang bị ném đi. Những người áp thuế quan dường như quên mất rằng chiếc boomerang sẽ quay trở lại”, Ngoại trưởng Bỉ Maxime Prévot nhận định.
![]() |
Ủy ban châu Âu đã tuyên bố sẽ “phản ứng kiên quyết và ngay lập tức đối với các rào cản phi lý cản trở thương mại tự do và công bằng”. |
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã tuyên bố sẽ “phản ứng kiên quyết và ngay lập tức đối với các rào cản phi lý cản trở thương mại tự do và công bằng” sau khi Tổng thống Trump cho biết Chính phủ Mỹ sẽ sớm áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu EU.
Theo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), việc trả đũa nhằm buộc Mỹ gỡ bỏ thuế quan là một chiến lược đầy rủi ro. Nếu Mỹ nhượng bộ, đó là kết quả mong muốn. Nếu không, điều này có thể dẫn đến một vòng xoáy bảo hộ gây tổn hại lớn hơn nhiều. Thực tế, Mỹ vẫn duy trì mức thuế 25% đối với xe tải nhẹ như một tàn dư của cuộc tranh chấp thương mại với châu Âu từ những năm 1960.
Hiện vẫn chưa rõ Trump có thể viện dẫn đạo luật nào để áp thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ EU. Trước đây, ông đã áp thuế 25% đối với thép, nhôm và các sản phẩm liên quan theo Mục 232 của luật thương mại Mỹ. Quy định này cho phép Tổng thống đơn phương áp thuế mà không cần Quốc hội thông qua trong các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump từng sử dụng biện pháp này nhưng dành miễn trừ cho các đồng minh. Tuy nhiên, lần này sẽ không có ngoại lệ nào.
Thuế quan theo Mục 232 sẽ làm tăng chi phí của nhiều sản phẩm và dịch vụ trong nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều thép và nhôm. Chi phí sản xuất ô tô tại Mỹ sẽ tăng đáng kể, người tiêu dùng có thể chuyển sang các mẫu xe châu Âu và châu Á, trừ khi ngành ô tô Mỹ cũng được bảo hộ.
Chính quyền Trump đã cảnh báo về khả năng mở rộng thuế quan đối với nhiều sản phẩm và đối tác thương mại khác theo nguyên tắc “có đi có lại”. Ông Trump tuyên bố rằng nếu một quốc gia áp thuế lên hàng hóa Mỹ, Mỹ sẽ đáp trả bằng mức thuế tương tự. Thoạt nhìn, chính sách này có vẻ nhằm đảm bảo sự công bằng, nhưng thực tế lại không như vậy. Mỹ sử dụng nó như một công cụ để tăng thuế nhập khẩu của chính mình, đồng thời lồng ghép những điều khoản giúp Washington có thể linh hoạt điều chỉnh mà không thực sự tuân theo nguyên tắc "có đi có lại".
Một trong những mục tiêu chính của chính sách này là các loại thuế giá trị gia tăng (VAT) của châu Âu, vốn được áp dụng đồng đều nhưng lại bị Mỹ coi là bất lợi. Về bản chất, đây là một chiến lược áp thuế đơn phương, được thực thi mà không dựa trên bất kỳ nghĩa vụ nào theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay các hiệp định thương mại tự do hiện hành.
PIIE nhận định, nếu chỉ xét riêng kế hoạch áp thuế 25% lên EU của Trump, ngoài những tác động kinh tế trực tiếp, chính sách này còn góp phần đẩy nhanh sự tan rã của hệ thống thương mại quốc tế đã mang lại lợi ích to lớn cho Mỹ và thế giới.
![]() Theo trang Asia Times, Tổng thống Trump đã nhầm lẫn khi cho rằng các mối đe dọa chiến tranh thương mại của ông sẽ có tác dụng giống nhau đối với Trung Quốc như đối với các nước khác. |
![]() Chính quyền mới của Mỹ đang liên tục gia tăng áp lực thuế quan lên các đối tác thương mại, gây lo ngại sâu sắc trong nhiều quốc gia châu Âu. Chính sách này có thể làm gián đoạn thị trường, suy giảm đầu tư và trầm trọng thêm khó khăn kinh tế châu Âu. |
Thu Phượng (Theo Politico, PIIE)