22:10 | 24/01/2025
![]() |
Ông Donald Trump có bài phát biểu đặc biệt tại Davos chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ. (Ảnh: WEF) |
Trong bài phát biểu quốc tế quan trọng đầu tiên kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: sẽ không có bất kỳ lập trường mềm mỏng nào về thương mại, quốc phồng, ngoại giao trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
"Sản xuất tại tại Mỹ hoặc bị áp thuế"
Thương mại là trọng tâm trong các bài phát biểu của Trump. Ông nhắc lại yêu cầu rằng các doanh nghiệp phải ưu tiên sản xuất tại Mỹ.
“Thông điệp của tôi gửi đến mọi doanh nghiệp trên thế giới rất đơn giản: Hãy đến và sản xuất tại Mỹ, khi đó chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn mức thuế thấp nhất trong số các quốc gia trên trái đất. Nhưng nếu bạn không làm vậy, bạn sẽ phải trả thuế”, ông tuyên bố.
Trump cho biết các công ty sản xuất tại Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15%. Đây sẽ là "mức thuế thấp nhất từ trước đến nay" trong số các quốc gia có nền kinh tế mạnh, ông phát biểu.
Tổng thống Trump chỉ trích hệ thống quản lý của Liên minh châu Âu (EU), gọi đây là "rào cản đối với đầu tư". Ông viện dẫn ví dụ về một dự án kinh doanh của chính mình tại Ireland. Khi đó, dự án của ông đã nước này chấp thuận trong vòng 1 tuần nhưng ông dược thông báo rằng sẽ mất 6 năm để phê duyệt ở cấp EU. Ông cho biết sự chậm trễ này khiến khoản đầu tư bất khả thi.
Trump cũng cho rằng các chính sách thương mại của EU không công bằng với hàng hóa của Mỹ.
"EU không lấy sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi, không lấy ô tô của chúng tôi, nhưng họ lại gửi hàng triệu ô tô cho chúng tôi", ông nói, đồng thời chỉ trích thuế quan và các hạn chế của châu Âu đã gây ra "quan hệ thương mại mất cân bằng".
Đặt ra mức chi tiêu quốc phòng mới cho NATO
Tổng thống Trump nhắc lại một trong những yêu cầu gây tranh cãi: yêu cầu NATO đóng góp tài chính nhiều hơn. Các nước NATO trước đây đã cam kết phân bổ ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, Trump cho rằng mức này là chưa đủ.
"Tôi cũng sẽ yêu cầu tất cả các quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP, mức mà đáng lẽ đã phải đạt được từ nhiều năm trước", ông nói.
Yêu cầu của Trump đặt ra thách thức cho khối NATO. Nhiều lãnh đạo Châu Âu đã phải đối mặt với sự phản đối của dư luận trong nước về việc tăng ngân sách quân sự. Một số quốc gia chỉ vừa mới đạt được ngưỡng 2%, dù mức này được đặt ra từ năm 2014. Việc Trump kêu gọi tăng hơn gấp đôi chi tiêu quốc phòng cho thấy mức đóng góp của NATO sẽ một lần nữa là vấn đề gây tranh luận trong quan hệ Mỹ-NATO.
"Giá dầu thấp hơn có thể chấm dứt xung đột Ukraine"
"Nếu giá [dầu] giảm xuống, xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc ngay lập tức", Tổng thống Trump tuyên bố. Ông lập luận rằng doanh thu năng lượng cao đang cho phép Moscow duy trì các hoạt động quân sự. Theo EuroNews, đây là lập luận gây tranh cãi nhất trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ.
Ông cam kết sẽ gây sức buộc Saudi Arabia và OPEC hạ giá dầu, đồng thời cho rằng chìa khóa để chấm dứt xung đột là các biện pháp kinh tế chứ không phải biện pháp quân sự.
Trump cũng nhắc lại mong muốn làm việc trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. "Tôi muốn có thể gặp Tổng thống Putin sớm và chấm dứt chiến tranh. Đã đến lúc chấm dứt nó rồi".
Dù không đưa ra thông tin cụ thể về cách thức ông sẽ đàm phán, Trump khẳng định rằng "Ukraine đã sẵn sàng đạt được thỏa thuận hòa bình".
Khí đốt hóa lỏng LNG sẽ tiếp tục được chuyển đến châu Âu
Giữa những đồn đoán rằng Mỹ có thể hạn chế xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để ưu tiên nguồn cung trong nước, Tổng thống Trump đã trấn an các đồng minh châu Âu.
Ông cam kết sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt các dự án năng lượng, bao gồm các nhà máy LNG, nhằm thúc đẩy nguồn cung và ổn định giá.
Giọng điệu quen thuộc trong bối cảnh chính trị mới
Theo EuroNews, bài phát biểu của Trump có tất cả những đặc điểm của nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông: Thẳng thắn, hung hăng, không khoan nhượng, tập trung vào lợi ích của Mỹ.
Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu đã thay đổi so với nhiệm kỳ trước của ông. Châu Âu đã dành nhiều năm để xây dựng các liên minh thương mại mới, NATO đã củng cố sự thống nhất của mình và cuộc chiến ở Ukraine đã định hình lại các ưu tiên về an ninh.
Trở lại nắm quyền, Trump đã nói rõ rằng ông có ý định viết lại các điều khoản về sự tham gia của Mỹ với các cơ chế quốc tế.
Đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, bài phát biểu của ông vừa là lời cảnh báo vừa là lời nhắc nhở: kỷ nguyên Trump đã trở lại và mọi thứ sẽ không còn như thường lệ.
![]() Trong cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục ngày 13/2, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ý định mạnh mẽ muốn khởi động lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với hai cường quốc lớn là Nga và Trung Quốc. Đáng chú ý, ông đề xuất một mục tiêu đầy tham vọng: cắt giảm 50% ngân sách quốc phòng trong lĩnh vực này của cả ba nước. |
![]() Chiều ngày 13/2/2025 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp và hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Cuộc gặp diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế quan có đi có lại đối với các đối tác thương mại, đánh dấu bước đi mới nhất trong chính sách thương mại nhằm "tăng cường an ninh kinh tế và quốc gia" của Mỹ. |
Minh Anh (theo EuroNews)