14:31 | 17/03/2025
Chỉ vài giờ sau khi mức thuế quan 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ có hiệu lực ngày 12/3, EU thông báo áp thuế trả đũa lên 26 tỷ euro (28,33 tỷ USD) hàng hóa Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ tháng 4. Các quan chức hàng đầu châu Âu mạnh mẽ chỉ trích chính sách của ông Trump, cảnh báo về sự bất ổn mà chính sách này gây ra.
Trong khi đó, phản ứng từ London thận trọng hơn nhiều. Theo tờ New York Times (Mỹ), tại Quốc hội, Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ “thất vọng” về mức thuế quan với thép và nhôm trên toàn cầu, nhưng Anh “sẽ có cách tiếp cận thực dụng”. Vị thủ tướng nhấn mạnh một thỏa thuận thương mại mới sẽ “giữ cho mọi lựa chọn mở”, đồng thời bày tỏ niềm tin ông sẽ thuyết phục được nhà lãnh đạo Mỹ rằng London và Washington có quan hệ thương mại cân bằng.
![]() |
Thủ tướng Anh Keir Starmer gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 27/2/2025. (Ảnh: Reuters) |
Theo tờ Guardian (Anh), người phát ngôn chính thức của Phố Downing nhấn mạnh: "Anh và Mỹ có quan hệ kinh tế bền chặt. Quan hệ này dựa trên thương mại công bằng và cân bằng, có đi có lại và chúng tôi đang hợp tác với chính quyền Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình".
Hồi tháng 2/2025, trong chuyến thăm Nhà Trắng, ông Starmer đã nhận được tín hiệu tích cực từ phía Mỹ khi Tổng thống Trump gợi ý rằng một "thỏa thuận thương mại thực sự" có thể khiến thuế quan trở nên không cần thiết.
Chiến lược này giúp Anh có cơ hội tránh được tổn thất trực tiếp từ đòn thuế của Mỹ. Theo Telegraph, xuất khẩu thép của Anh sang Mỹ chiếm khoảng 9% tổng lượng thép xuất khẩu của nước này năm 2024 và Mỹ là thị trường lớn thứ hai sau EU. Nếu không được miễn trừ, ngành thép Anh có thể chịu thiệt hại nặng nề, như lời Gareth Stace, Tổng giám đốc của công ty tư vấn UK Steel, là “một đòn tàn phá". Hiện ngành thép của Anh sử dụng 33.000 lao động trực tiếp, cũng như 42.000 lao động thông qua chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng mang rủi ro chính trị. Theo giới phân tích, nếu Mỹ miễn trừ thuế quan cho Anh trong khi vẫn đánh thuế EU, điều này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của ông Starmer trong việc cải thiện quan hệ với châu Âu sau Brexit.
Dù là một trong những mục tiêu đầu tiên của thuế quan Mỹ, Mexico vẫn giữ thái độ kiềm chế. Tổng thống Claudia Sheinbaum chưa có phản ứng mạnh mẽ trước đợt áp thuế mới, đồng thời cũng im lặng về khả năng trả đũa. Chính phủ Mexico quyết định hoãn mọi động thái ít nhất đến tháng 4 để có thêm thời gian đàm phán với Mỹ.
Tờ Politico (Mỹ) dẫn lời cựu Đại sứ Mexico tại Mỹ Arturo Sarukhán nhận định, chính quyền Mexico nhận thấy việc phản ứng quyết liệt ngay lập tức như EU và Canada có thể phản tác dụng.
Ngoài ra, nước này cũng cân nhắc đến yếu tố chính trị: Washington đang gia tăng áp lực với Mexico trong vấn đề kiểm soát fentanyl, và chính quyền Sheinbaum không muốn căng thẳng thêm với Mỹ.
Đối với Trung Quốc, tờ Politico cho rằng, phản ứng của nước này đối với một số đợt áp thuế của Trump cũng được kiềm chế đáng kể. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu trả đũa mức thuế cố định 10% của Trump đối với hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ nhưng phản ứng này không diễn ra ngay lập tức. Cả hai lần áp thuế gần đây, Trung Quốc đều dành cho Trump khoảng một tuần để đàm phán trước khi đưa ra hành động cụ thể. Trung Quốc cũng không trả đũa mức thuế thép và nhôm mới nhất của Mỹ.
Các chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung cho rằng Bắc Kinh đang nhắm tới một thỏa thuận có thể giảm bớt các lệnh hạn chế thương mại, tương tự như thỏa thuận năm 2020 mà hai nước đã ký trong nhiệm kỳ đầu của Trump.
Nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản và Brazil cũng quyết định không trả đũa ngay lập tức, mà thay vào đó tìm kiếm cơ hội miễn thuế thông qua đàm phán.
Đại sứ Úc tại Mỹ Kevin Rudd nhận định: Các cuộc đàm phán thương mại tại Washington thay đổi từng ngày. Vẫn còn cơ hội để thương lượng.
Chiến lược chờ đợi có thể giúp các nước này tránh được một cuộc chiến thương mại toàn diện, nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải đối phó với một chính quyền Mỹ sẵn sàng sử dụng thuế quan làm đòn bẩy trong đàm phán.
Phan Anh (tổng hợp)