10:35 | 17/03/2025
Trong bài viết ngày 14/3, kênh CNBC (Mỹ) dẫn lời bà Wendy Cutler, cựu quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, nhận định rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy các đồng minh thân cận của Washington tìm kiếm đối tác thương mại khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump lắng nghe Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng vào ngày 13/2/2025. (Ảnh: Getty) |
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đe dọa áp thuế cao đối với rượu vang châu Âu, nhằm đáp trả việc EU công bố mức thuế mới đối với hàng hóa Mỹ trị giá 26 tỷ euro (28,33 tỷ USD) từ tháng 4 tới. Đây là bước leo thang tiếp theo sau khi chính quyền Trump áp thuế lên tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, gây phản ứng mạnh từ EU và các đối tác thương mại khác.
Theo bà Cutler, EU đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ thương mại để giảm phụ thuộc vào Mỹ. "EU đã ký một thỏa thuận lớn với các nước Mercosur và đang tái khởi động các cuộc đàm phán với Ấn Độ", bà nói.
Mercosur - khối thị trường chung Nam Mỹ gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Paraguay và Uruguay - đã đạt được một thỏa thuận lịch sử với EU vào tháng 12 năm ngoái. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả đây là một “thỏa thuận mang tính bước ngoặt”, giúp xóa bỏ thuế quan đối với hơn 90% thương mại song phương, giúp các doanh nghiệp châu Âu tiết kiệm khoảng 4 tỷ euro mỗi năm. Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm châu Âu sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với hàng hóa Mỹ và Nhật Bản khi tiếp cận thị trường Nam Mỹ.
![]() |
Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã đạt được một thỏa thuận thương mại tự do vào tháng 12/2024. (Ảnh minh họa: KT) |
Bà Cutler cho biết các cường quốc cạnh tranh như Trung Quốc cũng đang thu hút các quốc gia khác, đồng thời nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN. "Nếu các đối tác không còn tin tưởng vào chúng ta, họ sẽ tìm kiếm lựa chọn khác. Và đoán xem? Những lời mời gọi từ các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, có vẻ hấp dẫn hơn".
Bà cũng cho rằng, thế giới có thể chứng kiến các quốc gia chuyển sang những hiệp định thương mại đa phương, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đáng chú ý, Mỹ hiện không phải là thành viên của 2 hiệp định này.
Theo báo The New York Times (Mỹ), thông qua trừng phạt các đồng minh bằng thuế quan, ông Trump đang khuyến khích các quốc gia khác hình thành các khối và mạng lưới thương mại không có Mỹ.
Tháng 1/2025, Indonesia chính thức gia nhập BRICS - nhóm nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, được thành lập vào năm 2009. Tổ chức này hiện chiếm một nửa dân số thế giới và hơn 40% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Có thêm 8 quốc gia khác, bao gồm Bolivia, Thái Lan, Kazakhstan và Uganda, đang trên lộ trình trở thành thành viên chính thức.
Vào tháng 5 tới đây, ASEAN gồm 10 thành viên sẽ gặp gỡ 6 quốc gia Trung Đông thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nước chủ nhà của hội nghị là Malaysia đã mời Trung Quốc tham dự.
Chuyên gia Jacob F. Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Brussels, nhận định: “Nền kinh tế toàn cầu ngày càng có xu hướng hình thành các quan hệ thương mại ngày càng sâu rộng mà không có sự tham gia của Mỹ”. Ông cho rằng xu hướng này không nhất thiết là mong muốn của bất kỳ ai, nhưng đây là phương án “tốt thứ hai” trong bối cảnh Mỹ từ chối một trật tự kinh tế mở hơn.
Dù nhiều quốc gia đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn giữ vai trò trung tâm trong thương mại toàn cầu. Vấn đề đặt ra là các nước nên ứng phó ra sao với chính sách thương mại khó lường của ông Trump?
Stephen Olson, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho rằng ông Trump cố tình duy trì sự khó đoán trong chiến lược thuế quan để giữ thế chủ động. "Trump tin rằng sự khó đoán là một lợi thế. Ông ấy thích hoạt động trong tình trạng hỗn loạn, trong khi phần còn lại của thế giới rơi vào trạng thái hoang mang", Olson bình luận.
Về khả năng Washington có thể thay đổi lập trường thương mại, Olson cho rằng Trump không tìm kiếm các giải pháp ổn định lâu dài, mà chỉ muốn các đối tác luôn trong trạng thái bất an. “Ông ấy muốn để lơ lửng một thanh gươm Damocles trên đầu các đối tác thương mại,” ông nói thêm.
Phan Anh (tổng hợp)