07:11 | 14/02/2025
![]() |
Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan từ Phòng Bầu dục, bên cạnh Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, vào ngày 13/2. (Ảnh: Reuters) |
Theo sắc lệnh này, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện thương mại toàn cầu Jamieson Greer được giao nhiệm vụ trong vòng 180 ngày phải hoàn thành báo cáo đánh giá đối với từng quốc gia đối tác. Báo cáo này sẽ xác định liệu "biện pháp khắc phục" có cần thiết để đảm bảo quan hệ thương mại có đi có lại hay không, và nếu có, sẽ áp dụng ở mức độ nào.
Chính quyền Tổng thống Trump sẽ ưu tiên rà soát những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ. Quá trình đánh giá không chỉ tập trung vào mức thuế mà các đối tác áp dụng với hàng hóa Mỹ, mà còn xem xét toàn diện các hàng rào thương mại phi thuế quan như các quy định, thuế giá trị gia tăng, trợ cấp chính phủ và chính sách tỷ giá - những yếu tố vẫn thường gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Mỹ trên thị trường quốc tế.
Peter Navarro, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về thương mại và sản xuất, đã nhấn mạnh rằng các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới đã tạo ra thâm hụt thương mại "lên tới hàng nghìn tỷ USD" với Mỹ. Chính vì vậy, chính sách "có đi có lại" được xem là một biện pháp cần thiết để thiết lập lại sự cân bằng trong quan hệ thương mại quốc tế.
Sắc lệnh này không đồng nghĩa với việc áp thuế ngay lập tức, mà tạo ra một khung pháp lý cho các đánh giá và quyết định trong tương lai. Văn phòng Quản lý và Ngân sách cũng được yêu cầu phải báo cáo về tác động tài khóa của các biện pháp thuế quan tiềm năng trong cùng khung thời gian 180 ngày.
Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng sắc lệnh này sẽ kích hoạt những cuộc đàm phán căng thẳng với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ. Mặc dù hầu hết các đối tác thương mại đều sẽ chịu ảnh hưởng, nhưng những nước có thể bị tác động mạnh nhất bao gồm Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia Đông Nam Á và Liên minh châu Âu.
Đáng chú ý, trước khi có sắc lệnh này, Tổng thống Trump đã quyết định áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc và 25% đối với hàng hóa Canada và Mexico - mặc dù sau đó đã hoãn việc áp thuế với hai nước láng giềng này đến ngày 4/3. Gần đây nhất, ông Trump còn tuyên bố đánh thuế 25% đối với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, chính quyền cũng đang cân nhắc tăng thuế đối với ô tô, dược phẩm, chip bán dẫn và một số mặt hàng khác trong thời gian tới.
Không ít nhà đầu tư và nhóm doanh nghiệp đã bày tỏ quan ngại về động thái này. Họ cho rằng việc áp thuế có thể làm gia tăng áp lực giá cả đối với người tiêu dùng Mỹ. Các giám đốc điều hành của Ford gần đây cũng cảnh báo rằng hãng sản xuất ô tô này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các khoản thuế đối với Canada và Mexico - hai thị trường quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất ô tô Bắc Mỹ.
Một báo cáo của Viện Brookings công bố ngày 3/2 còn đưa ra ước tính đáng lo ngại rằng các biện pháp áp thuế quan có thể dẫn đến việc mất 177.000 việc làm tại Mỹ - con số không nhỏ đối với thị trường lao động.
Các nhà phân tích kinh tế cảnh báo rằng chiến lược này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại đa phương nếu các nước bị ảnh hưởng quyết định áp dụng các biện pháp trả đũa. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch và các xung đột địa chính trị, một cuộc chiến thương mại mới có thể gây ra những tác động không lường trước được.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định quyết định áp thuế "có đi có lại" nhằm mục đích thiết lập sự công bằng trong quan hệ thương mại quốc tế. Động thái này phản ánh cam kết của chính quyền trong việc bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Ngọc Anh