10:07 | 16/03/2025
Ngày 12/3, Ủy ban châu Âu ra thông báo cho biết, khối này quyết định áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ trị giá 26 tỷ euro (1 euro ≈ 1,08 USD) do Mỹ áp thuế vô lý đối với thép, nhôm nhập khẩu từ EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh, mức thuế 25% của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu sẽ gây tổn hại việc làm, đẩy giá cả tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo ra bất ổn cho nền kinh tế cả hai bên.
Samina Sultan, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, nhận định chính sách thuế của Mỹ làm gia tăng bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Bà cho biết: “Điều này có thể đe dọa việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương.”
Nhà kinh tế Thomas Gitzel tại VP Bank (trụ sở ở Liechtenstein) bày tỏ lo ngại xung đột thương mại Mỹ - EU sẽ tiếp tục leo thang. Ông dự báo thuế quan trừng phạt của Mỹ chỉ là bước khởi đầu cho một loạt cuộc chiến thương mại, trong đó các ngành công nghiệp ô tô, bán dẫn và dược phẩm của châu Âu có thể là nạn nhân tiếp theo. Ông cảnh báo rằng: “Cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ ngày càng trầm trọng hơn".
![]() |
Công nhân làm việc ở một nhà máy của hãng xe Volkswagen tại thành phố Wolfsburg, Đức. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia quan sát cũng chỉ ra rằng, chính quyền Trump đang sử dụng thuế quan như một công cụ để buộc các doanh nghiệp châu Âu điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sản xuất sang Mỹ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm châu Âu, mà còn làm gia tăng nguy cơ “phi công nghiệp hóa” của khu vực và suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn nữa, sự bất ổn trong chính sách của Mỹ có thể lan rộng, gây rối loạn trật tự thương mại quốc tế. Với vai trò là một trung tâm kinh tế quan trọng, châu Âu chắc chắn sẽ chịu tổn thất.
Các chính sách thuế quan dồn dập của chính quyền Mỹ gần đây đã làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Lo ngại về “suy thoái Trump” tác động tiêu cực đến thị trường tài chính Mỹ. Tính đến ngày 12/3, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ – S&P 500, Dow Jones Industrial Average và Nasdaq – đều đã xóa sạch mức tăng kể từ sau cuộc bầu cử năm ngoái.
Từ ngày 10/3, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh mẽ, hiệu ứng lan nhanh sang thị trường châu Âu. Ngày 11/3, chứng khoán châu Âu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng. Chỉ số Stoxx 600 giảm 1,7%, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) giảm khoảng 1,3%, trong khi FTSE 100 (Anh) giảm 1,2%.
Theo ông David Bahnsen, Giám đốc đầu tư của tập đoàn dịch vụ tài chính Bahnsen Group nhận định: “Các cuộc đàm phán thuế quan, chính sách thay đổi liên tục, tâm lý hoài nghi và hỗn loạn chỉ khiến bất ổn gia tăng.”
Các chuyên gia nhận định, "bất ổn" đang trở thành một từ khóa phổ biến toàn cầu, phản ánh sự quan ngại của các nước về chính sách của Mỹ. Chỉ số Bất ổn Chính sách Kinh tế Toàn cầu – đo lường tần suất xuất hiện của thuật ngữ này trong các báo cáo tin tức – đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.
Ông Angel Gavilan, Tổng giám đốc Kinh tế và Thống kê của Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, cảnh báo rằng sự bất ổn gia tăng sẽ khiến doanh nghiệp và người dân trì hoãn quyết định tiêu dùng và đầu tư, qua đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế. “Sự nghi ngờ luôn là rào cản lớn. Nếu một công ty không chắc chắn liệu hàng xuất khẩu từ Tây Ban Nha sang Mỹ có bị áp thuế hay không, họ có thể tìm thị trường khác hoặc ngừng xuất khẩu sang Mỹ.”
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, ngoài tác động tiêu cực đến kinh tế thực và thị trường tài chính, chính sách thuế quan của Mỹ còn làm gia tăng rủi ro nợ công tại khu vực đồng euro, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và đặt Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thế khó.
Desmond Lachman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) và cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết tỷ lệ nợ công so với GDP của Ý và Pháp hiện đã vượt mức của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu 2010-2012, đẩy hai nền kinh tế này vào tình trạng nguy hiểm.
Lachman nhận định, trong bối cảnh kinh tế Đức suy yếu, còn nợ công của Pháp và Ý ngày càng trầm trọng, nguy cơ thuế quan từ Mỹ có thể đẩy châu Âu vào suy thoái và kích hoạt một cuộc khủng hoảng nợ mới trong khu vực đồng euro.
Giới quan sát cho rằng, sự bất ổn trong chính sách thương mại của Mỹ đang trở thành yếu tố then chốt trong các quyết sách tiền tệ của ECB. Nguy cơ khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro ngày càng hiện hữu, đòi hỏi ECB có những phản ứng kịp thời.
Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, cảnh báo căng thẳng thương mại có thể khiến đồng euro mất giá, đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao và làm gia tăng áp lực lạm phát. Đồng thời, xuất khẩu từ khu vực đồng euro có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn. Bà nhấn mạnh: “Điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là thuế quan sẽ có tác động tiêu cực toàn cầu.”
![]() 6 quốc gia châu Âu đã kêu gọi tăng cường sự tham gia tích cực của khu vực vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khả năng Mỹ rút lui khỏi tổ chức này. |
![]() Chính quyền mới của Mỹ đang liên tục gia tăng áp lực thuế quan lên các đối tác thương mại, gây lo ngại sâu sắc trong nhiều quốc gia châu Âu. Chính sách này có thể làm gián đoạn thị trường, suy giảm đầu tư và trầm trọng thêm khó khăn kinh tế châu Âu. |
Quảng An (Theo Tân Hoa Xã)