Thương chiến Trump 2.0 và cuộc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

08:00 | 16/03/2025

Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump khi trở lại Nhà Trắng lần hai đang làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Việc áp thuế mạnh tay không chỉ khiến chi phí sản xuất gia tăng mà còn đặt các tập đoàn quốc tế vào tình thế buộc phải dịch chuyển sản xuất và tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.
Thương chiến Mỹ - Trung: Bắc Kinh phản đòn với chiến thuật mới
Thương chiến Trump: Việt Nam cần làm gì để không “mạnh người yếu ta”?

Trump 2.0: áp thuế mạnh hơn, rủi ro cao hơn

Theo giới quan sát, trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021), chính quyền Trump đã áp dụng hàng loạt biện pháp thuế quan nhắm vào hàng hóa Trung Quốc, khiến nhiều công ty đa quốc gia phải điều chỉnh chuỗi cung ứng. Có thể kể đến việc Apple chuyển một số dây chuyền sản xuất iPhone sang Ấn Độ và Việt Nam; H&M tăng sản lượng sản xuất tại Campuchia. Năm 2019, Tesla xây dựng nhà máy Gigafactory tại Thượng Hải để tránh thuế quan áp dụng lên xe nhập khẩu từ Mỹ. Năm 2018, 70% các công ty Mỹ hoạt động ở miền Nam Trung Quốc cân nhắc hoãn đầu tư thêm và chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác.

Tổng thống Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick (phải) tại Phòng Bầu dục vào ngày 25 tháng 2 năm 2025, thảo luận về thuế quan nhằm định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu để có lợi cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ. © Getty Images
Tổng thống Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick (phải) tại Phòng Bầu dục vào ngày 25/2/2025, thảo luận về thuế quan nhằm định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu để có lợi cho ngành sản xuất của Mỹ. (Ảnh: Getty)

Bên cạnh đó, nhiều công ty đa quốc gia Mỹ rút khỏi Trung Quốc và đầu tư vào Đông Nam Á. Xu hướng này góp phần đưa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đông Nam Á lên mức kỷ lục 155 tỷ USD năm 2018.

Trở lại Nhà Trắng năm 2025, ông Trump tiếp tục đẩy mạnh chính sách bảo hộ với các biện pháp cứng rắn hơn: áp thuế 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ; áp thuế 25% với hàng hóa từ Mexico và Canada; đánh thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nâng tổng mức thuế lên 20%...

Những động thái này đã tạo ra tác động dây chuyền lên nền kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, chi phí sản xuất gia tăng. Thuế quan khiến giá các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Các công ty như Apple, Nvidia, AMD... phải đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí gia tăng. Thứ hai, áp lực lạm phát. Giá thành sản phẩm tăng do thuế suất cao có thể đẩy lạm phát lên mức khó kiểm soát, làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ. Thứ ba, nguy cơ bị trả đũa thương mại. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải đưa ra lựa chọn: tiếp tục nhập khẩu với giá cao hơn, hay dịch chuyển chuỗi cung ứng để né thuế?

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng hay "hồi hương" sản xuất?

Các doanh nghiệp đang tìm cách điều chỉnh chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế quan. Hai xu hướng chính đang diễn ra:

Thứ nhất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhiều công ty lựa chọn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ Latinh để giảm sự phụ thuộc.

iPhone 16 Pro Max được trưng bày trong sự kiện đặc biệt của Apple tại trụ sở chính của hãng này tại Cupertino, California (Mỹ) vào ngày 9/9/2024. (Ảnh: Getty)
iPhone 16 Pro Max được trưng bày trong sự kiện đặc biệt của Apple tại trụ sở chính của hãng này tại Cupertino, California (Mỹ) vào ngày 9/9/2024. (Ảnh: Getty)

Tháng 2/2025, trang tin tức công nghệ The Register (Anh) dẫn lời các giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ nổi tiếng Cisco (Mỹ) cho biết, thay vì tăng giá, hãng ưu tiên điều chỉnh chuỗi cung ứng để bù đắp mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Cisco đã cắt giảm 80% lượng hàng hóa và vật liệu sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời sẽ tiếp tục điều chỉnh nếu chính sách thuế có thay đổi.

Đầu tháng 3/2025, hãng tin Bloomberg (Mỹ) đưa tin, hãng bán lẻ Target dự kiến giảm tỷ lệ nhập hàng từ Trung Quốc từ 30% xuống còn 25% vào năm tới, thay vào đó tăng cường nhập khẩu từ Guatemala, Honduras.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch này không hề dễ dàng. Giáo sư Douglas Irwin của Đại học Dartmouth nhận xét: "Nó giống như trò chơi đập chuột chũi vậy. Nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, các doanh nghiệp có thể chuyển sang nhập khẩu từ Việt Nam, và chẳng mấy chốc, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bị áp thuế, và các doanh nghiệp lại phải hướng tới Campuchia hoặc một nơi nào khác. Vì vậy, khả năng xáo trộn chuỗi cung ứng cũng chỉ có giới hạn nhất định".

Thứ hai, một số tập đoàn lớn đang cân nhắc đưa sản xuất trở lại Mỹ nhằm tận dụng chính sách ưu đãi của chính quyền Trump. Theo Reuters, Honda đã quyết định sản xuất xe hybrid Civic thế hệ tiếp theo tại tiểu bang Indiana của Mỹ, thay vì Mexico. Bằng cách này, hãng xe Nhật Bản hy vọng sẽ tránh được nguy cơ thuế quan tiềm ẩn đối với một trong những mẫu xe bán chạy nhất của mình. Pfizer có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất dược phẩm về Mỹ nếu cần. Hồi cuối tháng 2/2025, Apple công bố khoản đầu tư 500 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất tại Mỹ trong vòng 4 năm tới. Hãng dược phẩm Eli Lilly cũng dự chi ít nhất 27 tỷ USD để xây dựng 4 nhà máy dược phẩm mới tại Mỹ trong 5 năm tới.

Dù vậy, Phó Giáo sư Mary Anne Madeira của Đại học Lehigh chỉ ra rằng, nếu phương án sản xuất tại Mỹ thực sự hiệu quả về kinh tế, các công ty đã làm điều này từ trước. Do vậy, cần phải đánh giá xem liệu sự dịch chuyển đầu tư này có làm tăng chi phí ở các khu vực khác hay không.

Tăng thuế nhôm, thép: nước cờ bảo hộ hay Tăng thuế nhôm, thép: nước cờ bảo hộ hay "con dao hai lưỡi" cho kinh tế Mỹ?
Hiểu về thuế quan của ông Trump qua năm biểu đồ Hiểu về thuế quan của ông Trump qua năm biểu đồ

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thuong-chien-trump-20-va-cuoc-tai-cau-truc-chuoi-cung-ung-toan-cau-211290.html

In bài viết