15:50 | 15/03/2025
Theo thống kê của Bộ Công thương, Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa thứ 8 của Mỹ (tổng kim ngạch hai chiều năm 2024 là 149,7 tỷ USD - chiếm 2,8% tổng giá trị thương mại hàng hóa của Mỹ); đứng thứ 6 về xuất khẩu sang Mỹ (136,6 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ), đứng thứ 3 về xuất siêu sang Mỹ (123,5 tỷ USD) năm 2024.
![]() |
TS Cấn Văn Lực tại Hội thảo. (Ảnh: MekongASEAN) |
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, với quan điểm thương mại quốc tế phải cân bằng và công bằng hơn và quan sát một số quyết sách gần đây của Tổng thống Trump, khả năng Việt Nam bị áp thuế có thể phải tính đến.
Trao đổi tại Hội thảo “Triển vọng thị trường chứng khoán 2025 - Sức bật từ kỳ vọng mới” ngày 10/3, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng Việt Nam có thể bị áp thuế theo 3 kịch bản:
Kịch bản cơ sở (xác suất 50%): Mỹ có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam bằng với mức mà Việt Nam đang áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (theo chính sách thuế "đối ứng/có đi có lại"). Theo đó, Mỹ có thể tăng thuế bình quân đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam từ mức 2,2% (theo phương pháp tính thuế bình quân gia quyền) lên mức 5,1% (là mức mà Việt Nam đang áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ), theo WTO. Khi đó, số tiền thuế tăng thêm ước tính sẽ khoảng 4 tỷ USD, trừ khi Việt Nam chủ động giảm thuế đối ứng cho hàng nhập khẩu từ Mỹ (khi đó, số tiền thuế giảm ước tính sẽ là 0,53 tỷ USD, với giả định nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam năm 2025 tăng khoảng 20%). Thời điểm áp thuế đối ứng thế này (nếu có) sẽ khó có thể diễn ra ngay vì Mỹ cần tính toán với hơn 200 đối tác toàn cầu và rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, thời gian có thể sớm hơn đối với các nước đang áp mức thuế đối ứng cao hơn nhiều so với Mỹ (như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil…).
Kịch bản tiêu cực (xác suất 25%): Mỹ có thể áp mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (thay vì mức 3,3% bình quân giản đơn hay 2,2% bình quân gia quyền như hiện nay), tương tự như nhiều quốc gia khác như Tổng thống Trump đã từng tuyên bố. Khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể giảm khoảng 3-5% năm 2025 xuống mức tăng 15-17% (từ mức tăng khoảng 20% hiện tại sang thị trường Mỹ), các thị trường xuất khẩu khác chưa kịp chuyển hướng được ngay, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm khoảng 1,5-2 điểm % và tăng trưởng GDP có thể giảm khoảng 0,2-0,3 điểm % năm 2025 (năm sau có thể giảm nhiều hơn do thời gian dài hơn - đủ 12 tháng thay vì 9 tháng như năm nay với kịch bản mức thuế 10% này bị tính từ đầu quý 2/2025).
Kịch bản tích cực (xác suất 25%): Mỹ không áp thêm thuế hoặc chỉ áp thuế cao hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (như thép, nhôm…) với mức tương tự như các quốc gia khác. Khi đó, Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa cùng loại của các nước; có thể tận dụng được một số cơ hội như nêu trên để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra.
Ngoài tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng, chính sách tăng thuế này còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ biến động nhiều hơn như nhiều quốc gia khác, đòi hỏi điều hành chính sách nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.
![]() |
Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng hóa thứ 8 của Mỹ. (Ảnh minh họa: KT) |
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi trẻ, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học - Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Theo dữ liệu thống kê của Mỹ, Việt Nam là đối tác có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, đứng thứ ba trong tổng số đối tác. Tuy nhiên, tổng giá trị nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ là tương đối nhỏ, chiếm khoảng 3% trong tổng giá trị nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với các đối tác như Mexico, Canada hay Trung Quốc.
"Chỉ có vài mặt hàng giá trị lớn mà Việt Nam có thể mua từ nước Mỹ như khí hóa lỏng, máy bay... nên khả năng đổi chác lợi ích về thương mại cũng hạn chế. Mexico, Canada hay Trung Quốc có giá trị giao dịch thương mại đối với Mỹ rất lớn. Đó là lợi ích sát sườn có thể trao đổi. Trong khi đó, lợi ích thương mại với Việt Nam nhỏ và gián tiếp nên có thể chưa bị nhắm đến. EU cũng chưa phải là đối tượng sát sườn ngay.
Tôi cho rằng chính sách của chính quyền Trump là nhắm tới những quốc gia cận kề và có thể hiện thực hóa việc đổi chác ngay để từ đó làm cơ sở cảnh báo những nước khác", ông đánh giá.
Các chuyên gia đưa ra nhiều khuyến nghị chiến lược để Việt Nam chủ động ứng phó với rủi ro thương mại từ Mỹ.
![]() |
PGS.TS Phạm Thế Anh. (Ảnh: KT) |
PGS.TS Phạm Thế Anh nêu 3 giải pháp:
Một là, tập trung vào sản xuất, cung cấp những loại hàng hóa thiết yếu mà nước Mỹ không có lợi thế hoặc có thể sản xuất nhưng cả chi phí và giá trị không cạnh tranh bằng hàng Việt Nam. Ví dụ như ngành hàng dệt may da giày. Trong khi đó, những sản phẩm như phụ tùng ô tô, sữa hay sản phẩm nông nghiệp nói chung thì Mỹ cũng nhiều. Nhìn lại vấn đề vừa qua, chính quyền Trump dùng chiêu bài thuế quan đe dọa Mexico và Canada thì đều áp thuế với các ngành hàng mà Mỹ có thể tự cung ứng phần nào.
Hai là, minh bạch xuất xứ hàng hoá. Việt Nam cần xây dựng hệ thống giám sát quy chuẩn xuất xứ hàng hóa thật minh bạch, không được nhập nhèm. Không được để xảy ra chuyện mượn xuất xứ Việt Nam rồi xuất sang các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Đó là vấn đề nguy hiểm phải có biện pháp phòng ngừa.
Ba là, đa dạng thị trường.
Báo cáo nghiên cứu của TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia BIDV cho rằng, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực bởi chính sách đối ngoại, kinh tế của Tổng thống Trump, cần sự vào cuộc của cả nhà nước và doanh nghiệp.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, trước hết cần chú trọng các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, tăng cường các kênh đối ngoại. Đồng thời, cần kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm; tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết.
Cùng với đó, Việt Nam xem xét thực hiện một số biện pháp nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ theo hướng: Trao đổi cởi mở với Mỹ về những biện pháp giúp cân bằng hơn cán cân thương mại. Xem xét chủ động có thể giảm thuế đối ứng như nêu trên và tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu (như chất bán dẫn, khí hóa lỏng tự nhiên - LNG, máy bay, thiết bị hàng không, thiết bị y tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nông sản…). Về lâu dài, Việt Nam có thể tính đến phương án đàm phán, ký kết FTA với Mỹ.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng nhóm giải pháp đặc thù cho các ngành xuất khẩu chủ lực. Chủ động làm việc với đối tác phía Mỹ và các nước liên quan; cung cấp thông tin, định hướng và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, trước hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ cần chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu để nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường, từ đó có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội gia tăng thị phần (dù ít ỏi), đặc biệt là những ngành Việt Nam có thế mạnh như điện tử, dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ... với điều kiện tăng khả năng đáp ứng các điều kiện của đối tác.
Doanh nghiệp cần minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ, tránh sử dụng nguyên liệu từ các nước bị Mỹ áp thuế để tránh rủi ro điều tra chống bán phá giá. Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, tận dụng các FTA, hướng tới các thị trường lớn, nhiều tiềm năng như thị trường Halal (với quy mô 2,2 tỷ người), thị trường châu Phi, Nam Mỹ... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm tận dụng nguyên liệu phế thải, giảm chi phí, giảm giá thành để chia sẻ gánh nặng thuế với đối tác.
Doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro như rủi ro lãi suất, tỷ giá, điều tra phòng vệ thương mại…; tăng cường sử dụng các công cụ phái sinh tài chính nhằm kiểm soát những rủi ro này tốt hơn. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi kép (số và xanh), nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu, tiếp cận vốn và phát triển bền vững.
Phan Anh (tổng hợp)