Thương chiến Mỹ - Trung: Bắc Kinh phản đòn với chiến thuật mới

09:48 | 15/03/2025

Khi Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh lập tức có động thái đáp trả mạnh mẽ nhưng vẫn giữ thế cân bằng. Không còn bị bất ngờ như năm 2018, Trung Quốc lần này áp dụng chiến lược linh hoạt, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và gia tăng sức mạnh nội tại.
Cách Mexico ứng phó với thuế quan của Mỹ
Tăng thuế nhôm, thép: nước cờ bảo hộ hay "con dao hai lưỡi" cho kinh tế Mỹ?

Chủ động, linh hoạt nhưng kiên quyết

Khi Tổng thống Donald Trump công bố loạt thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu, lãnh đạo Canada và Mexico đã nhanh chóng liên hệ với Nhà Trắng để tìm giải pháp. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có động thái tương tự. Bắc Kinh tuyên bố rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với Washington cũng phải diễn ra trên cơ sở bình đẳng, thay vì là một bên xin nhượng bộ từ bên kia.

Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ luôn sẵn sàng đối thoại, nhưng đồng thời cũng đã có phương án đối phó với các mức thuế quan ngày càng cao từ Mỹ. Kể từ khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đã tăng 20%. Không để bị động như năm 2018, Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng cách áp thuế lên các mặt hàng nông sản quan trọng của Mỹ, cùng một loạt sản phẩm khác.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, vào ngày 29 tháng 6 năm 2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) vào ngày 29/6/2019. (Ảnh: AP)

Hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời bà Sun Yun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa khi Washington áp thuế mới. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng Trung Quốc không coi đây là một hành động gây hấn đơn thuần mà là cách bảo vệ lợi ích của mình.

"Điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh không muốn đàm phán, nhưng họ cũng không thể tỏ ra yếu thế hay cầu xin sự thương lượng", bà Sun Yun nhận định.

So với nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Trung Quốc lần này đã chủ động hơn trong việc xây dựng các biện pháp đối phó, nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động từ thuế quan Mỹ.

Trung Quốc đã áp thuế 15% lên nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ, đình chỉ nhập khẩu gỗ xẻ, đồng thời kiểm soát nhập khẩu và xuất khẩu để gây áp lực lên doanh nghiệp Mỹ. Trung Quốc cũng đưa 15 công ty Mỹ vào danh sách đen, hạn chế hoạt động kinh doanh trong nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tiên tiến, giáo dục và các lĩnh vực trọng yếu để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Nước này cũng đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu bằng cách mở rộng quan hệ thương mại với nhiều quốc gia khác, giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Một yếu tố quan trọng giúp Trung Quốc có phản ứng nhanh chóng hơn chính là sự liên tục trong lãnh đạo. Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã lãnh đạo Trung Quốc trong cả hai nhiệm kỳ của ông Trump, có lợi thế trong việc đưa ra các quyết định chiến lược mà không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chính trị nội bộ. Điều này giúp Bắc Kinh duy trì cách tiếp cận nhất quán và linh hoạt hơn.

Theo ông Daniel Russel, Phó Chủ tịch Viện Chính sách của Hiệp hội châu Á, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Tập sẽ không chủ động liên hệ với Trump trừ khi có một cơ hội thực sự rõ ràng.

"Chủ tịch Trung Quốc sẽ không tham gia vào một cuộc gọi nếu điều đó có thể khiến ông bị đặt vào thế yếu hoặc bị xem là cầu xin. Thay vào đó, Trung Quốc đang phản công nhanh chóng nhưng có tính toán đối với từng mức thuế của Mỹ", ông Russel nhận định.

Phản ứng của chính quyền Trung Quốc đối với các đợt thuế quan mới từ Mỹ được đánh giá là cứng rắn hơn bao giờ hết. Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Nếu chiến tranh là điều Mỹ muốn - dù là chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại hay bất kỳ loại chiến tranh nào khác - chúng tôi sẵn sàng chiến đấu đến cùng".

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định không một quốc gia nào vừa có thể vừa áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, vừa mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.

"Những hành động hai mặt như vậy không chỉ gây tổn hại đến sự ổn định của quan hệ song phương mà còn làm suy yếu lòng tin giữa hai bên", ông Vương Nghị tuyên bố.

Bắc Kinh có vị thế tốt hơn trong cuộc đối đầu

Theo ông Scott Kennedy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Trung Quốc lần này đã "không còn bị sốc" bởi chiến thuật của ông Trump.

"Họ đã từng trải qua điều này trước đây. Giờ đây, họ đã chuẩn bị tốt hơn để hấp thụ tác động từ các cú sốc kinh tế", ông Kennedy nói với AP.

Hãng thông tấn Al Jazeera (Qatar) dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng, khi ông Trump khởi động một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc, ông sẽ phải đối mặt với một đối thủ mạnh hơn và chuẩn bị kỹ càng hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên.

Theo ông Christopher Beddor, Phó Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh, mức thuế quan mới nhất mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc sẽ "khá dễ quản lý". Ông lưu ý rằng mức thuế này thấp hơn đáng kể so với mức thuế 60% mà ông Trump từngđe dọa trong chiến dịch tranh cử.

"Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn trong nền kinh tế chung của nước này," ông Beddor nói với Al Jazeera.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, từ năm 2018 đến 2024, thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch thương mại của Mỹ đã giảm từ 15,7% xuống 10,9%, trong khi thị phần của Mỹ trong tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc giảm từ 13,7% xuống 11,2%.

Bà Lynn Song, Nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ngân hàng ING, nhận định Bắc Kinh sẽ không hoảng sợ về thuế quan của ông Trump, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

"Mặc dù tránh những xung đột thương mại vẫn là điều mong muốn, nhưng đây là điều đã được lên kế hoạch, vì vậy tôi không cho rằng sẽ có cảm giác hoảng loạn", bà Song nói.

Bắc Kinh cũng đang tận dụng lợi thế từ các kênh bán lẻ trực tiếp như Shein và Temu, giúp xuất khẩu hàng hóa giá rẻ vào Mỹ mà không chịu thuế quan cao, nhờ quyền miễn thuế đối với lô hàng có giá trị dưới 800 USD.

Mặc dù có lập trường cứng rắn, Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ. Theo chuyên gia Even Rogers Pay của Trivium China, việc Trung Quốc chỉ áp thuế mở màn ở mức vừa phải cho thấy chiến lược tránh leo thang căng thẳng.

"Họ không muốn bị cuốn vào một cuộc đối đầu kéo dài, mà muốn gây áp lực chính trị lên những bang nông nghiệp chủ chốt của Mỹ, buộc Trump phải tính toán lại", ông Pay nói với Al Jazeera.

Trump áp thuế quan Trump áp thuế quan "mạnh tay" với Trung Quốc, Canada và Mexico
Chiến thuật thuế quan của Mỹ có thể định hình lại thương mại toàn cầu Chiến thuật thuế quan của Mỹ có thể định hình lại thương mại toàn cầu

Phan Anh (tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/thuong-chien-my-trung-bac-kinh-phan-don-voi-chien-thuat-moi-211247.html

In bài viết