06:00 | 15/03/2025
Ngày 10/2, Tổng thống Trump ký sắc lệnh áp mức thuế 25% lên toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ 12/3. Không giống với đợt áp thuế năm 2018, lần này không có bất kỳ quốc gia nào được miễn trừ, bao gồm cả các đồng minh như Mexico, EU hay Nhật Bản.
Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro khẳng định đây không phải là động thái "thuần thương mại" mà nhằm “bảo đảm Mỹ không còn phải dựa vào nước khác trong các ngành quan trọng như nhôm và thép", thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ các ngành công nghiệp trụ cột với an ninh quốc gia.
![]() |
Cơ sở sản xuất thép ArcelorMittal Dofasco ở Hamilton, Ontario (Canada). Canada là một trong những nguồn cung cấp nhôm, thép chính cho Mỹ. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo việc áp thuế có thể khiến người tiêu dùng và các hãng sản xuất tại Mỹ chịu thiệt. Mỹ hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn kim loại nhập khẩu. Thép chiếm khoảng 25% tổng lượng tiêu thụ trong nước, với lượng nhập ròng chiếm khoảng 15% nhu cầu. Đối với nhôm hơn 80% lượng tiêu thụ đến từ nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa thuế nhập khẩu tăng sẽ kéo giá sản phẩm lên cao. Ví dụ, thuế 25% áp lên loại thép sử dụng trong xe hơi giá 40.000 USD sẽ làm giá ôtô tăng 1-2%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm ra nước ngoài cũng có thể chịu tác động từ thuế nhập khẩu của ông Trump, nếu các nước khác trả đũa.
Ông Jesse Gary, Giám đốc điều hành hãng Century Aluminum, "các biện pháp thuế quan mới sẽ có tác động đáng kể đến lợi nhuận của công ty". Các tập đoàn như Nucor và US Steel cũng đã nâng giá sản phẩm ngay sau thông báo về thuế quan. Điều này có thể gây ra phản ứng dây chuyền, làm tăng giá thành sản xuất của nhiều ngành công nghiệp khác. Tập đoàn Boston Consulting Group (BCG) ước tính rằng thuế quan mới sẽ làm tăng thêm 22 tỷ USD chi phí nhập khẩu thép và nhôm, thậm chí có thể lên tới 29 tỷ USD đối với các sản phẩm liên quan như linh kiện máy bay hay lưỡi ủi đất.
Các nhà sản xuất thiết bị xây dựng, nước giải khát và ngành dầu mỏ là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo ngân hàng Barclays, thép chiếm hơn 10% chi phí sản xuất của các thiết bị như máy xúc và xe ủi. Trong khi đó, các công ty sản xuất lon nước giải khát như Crown và Ball dự kiến chi phí sản xuất một lon nhôm dung tích 350 ml sẽ tăng khoảng 10%, do nhôm chiếm tới hai phần ba tổng chi phí sản xuất. Ngành dầu mỏ Mỹ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi khoảng 40% loại thép được sử dụng để khoan dầu hiện nay là nhập khẩu. Sự gia tăng chi phí có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng hoặc tăng giá nhiên liệu.
Một số doanh nghiệp có xu hướng tìm cách né thuế bằng cách thay đổi nguyên liệu sản xuất. Coca-Cola đã tuyên bố sẽ chuyển một phần sản phẩm từ lon nhôm sang chai nhựa. Nhưng không phải ngành nào cũng có lựa chọn thay thế.
Mục tiêu của chính sách thuế quan là giúp ngành thép và nhôm Mỹ khôi phục sản xuất, đạt tỷ lệ sử dụng công suất 80%. Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ đơn giản.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm sắc lệnh nâng thuế nhôm, thép ngày 10/2. (Ảnh: Reuters) |
Trong đợt áp thuế năm 2018, ngành thép nội địa Mỹ gần như không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố như chi phí điện cao, đầu tư dài hạn kém ổn định.
Ông Bill Oplinger, CEO của tập đoàn nhôm Alcoa, nhận xét: "Thuế quan không đủ hấp dẫn để công ty mở lại các nhà máy tại Mỹ, bởi chi phí điện vẫn là rào cản lớn hơn".
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về tính không ổn định của chính sách thuế quan. "Rất khó để đưa ra quyết định đầu tư mà không biết chính sách này sẽ kéo dài bao lâu", ông Oplinger nhấn mạnh, bởi công ty của ông có chiến lược phát triển với tầm nhìn từ 20 đến 40 năm.
Một báo cáo từ Bloomberg, trích dẫn phân tích của Morgan Stanley, chỉ ra rằng việc xây dựng các cơ sở sản xuất kim loại mới tại Mỹ không phải là giải pháp có thể thực hiện ngay lập tức. Việc triển khai và vận hành các lò luyện kim hoặc nhà máy cán thép có thể mất ít nhất 3 năm, thậm chí lâu hơn. Điều này đồng nghĩa với việc giá kim loại tại Mỹ khó có thể ổn định trong thời gian ngắn. Do đó, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với việc tăng giá thành sản phẩm hoặc giảm biên lợi nhuận để duy trì cạnh tranh trên thị trường.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu chính quyền Mỹ không có biện pháp điều chỉnh phù hợp, chính sách thuế quan này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp Mỹ trên thị trường toàn cầu. Khi giá thành sản phẩm nội địa quá cao, doanh nghiệp Mỹ có thể mất thị phần vào tay các đối thủ nước ngoài có chi phí sản xuất rẻ hơn.
Phan Anh (tổng hợp)