Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2025

06:56 | 13/03/2025

Ngày 12/3 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất - Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 3 năm 2025.
WB muốn mua thêm 1 triệu tấn carbon của Việt Nam WB muốn mua thêm 1 triệu tấn carbon của Việt Nam
WB: Kinh tế Việt Nam 2024 sẽ tăng trưởng 6,1% WB: Kinh tế Việt Nam 2024 sẽ tăng trưởng 6,1%

Theo báo cáo "Điểm lại – Tháng 3/2025" của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi ấn tượng với mức tăng trưởng GDP đạt 7,1% trong năm 2024, cao nhất trong khu vực Đông Á. Sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, máy tính và xe cơ giới, đã đóng vai trò quan trọng, với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15,5% so với năm trước.

Ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 9,8%, trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế. Với tỷ trọng lớn trong khu vực, lĩnh vực này càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm chế biến, chế tạo đầy tiềm năng.

Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2025
Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi ấn tượng với mức tăng trưởng GDP đạt 7,1%. Ảnh: Báo cáo Điểm lại Tháng 3-2025

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, ông Sacha Dray, Chuyên gia Kinh tế của WB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng GDP ở Việt Nam dù đang tích cực nhưng sẽ chậm lại ở mức 6,8% vào năm 2025 và 6,5% vào năm 2026. Để khắc phục được điều này cần có chính sách nên hỗ trợ khả năng chống chịu, giúp Việt Nam thích ứng với bối cảnh thương mại thay đổi toàn cầu.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 25 tỷ USD (giải ngân), phản ánh sức hấp dẫn liên tục của Việt Nam đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Việc tăng cường đầu tư công và sự phục hồi nhanh chóng của thị trường bất động sản, nhờ đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng, có thể hỗ trợ nhu cầu trong nước, bù đắp phần nào các rủi ro bên ngoài.

Để đối phó với những bất ổn ngày càng gia tăng, báo cáo khuyến nghị các chiến lược để duy trì tăng trưởng, bao gồm: Tăng cường đầu tư công, giải quyết các điểm yếu trong lĩnh vực tài chính, thúc đẩy khả năng chống chịu của ngành năng lượng và đẩy mạnh cải cách cơ cấu.

Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2025
Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 3 năm 2025. Ảnh: Dương Ngọc

Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: "Trong hai năm tới kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể sử dụng dư địa tài khóa của mình để chuẩn bị tốt hơn cho những bất ổn gia tăng. Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, giao thông và năng lượng sẽ rất quan trọng, với điều kiện chính quyền có thể tăng quy mô đầu tư công và đảm bảo chi tiêu hiệu quả".

Báo cáo nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện là một bước quan trọng trong việc tạo ra một ngành giao thông xanh hơn cho Việt Nam đồng thời giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố. Năm 2021, lượng khí phát thải từ ngành giao thông vận tải là 32,9 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e), chiếm 7,2% tổng lượng khí phát thải nhà kính của cả nước. Để đạt được mục tiêu khí phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần ưu tiên điện khí hóa phương tiện.

Việc chuyển đổi sang xe điện (EV) có thể giúp giảm lượng khí phát thải ròng 2,2 triệu tấn CO2e vào năm 2050, ngay cả với hệ thống lưới điện hiện tại. Đồng thời, quá trình này cũng có thể tạo ra tới 6,5 triệu việc làm vào năm 2050, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất pin và phát triển cơ sở hạ tầng sạc.

Để đẩy nhanh việc áp dụng EV trong phân khúc xe hai bánh, báo cáo khuyến nghị thực hiện các tiêu chuẩn an toàn mạnh mẽ, khuyến khích sử dụng pin hiệu suất cao, mở rộng trạm sạc và hoán đổi pin, đồng thời đưa ra các hỗ trợ về tài chính để bù đắp chi phí ban đầu. Để đặt nền móng cho việc sử dụng xe điện ở quy mô lớn dự kiến sẽ diễn ra sau năm 2035, Việt Nam cần chuẩn bị hệ thống điện có khả năng đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và thiết lập mạng lưới sạc nhanh trong thập kỷ tới.

WB: Các nước nghèo cạn kiệt tài chính vì trả nợ nước ngoài trong năm 2022 WB: Các nước nghèo cạn kiệt tài chính vì trả nợ nước ngoài trong năm 2022
WB nêu rõ năm 2022, các khoản thanh toán nợ - gồm cả gốc và lãi - của các nước đang phát triển lên mức kỷ lục 443,5 tỷ USD khiến những nước nghèo nhất có nguy cơ ngày càng cao rơi vào khủng hoảng nợ.
WB muốn mua thêm 1 triệu tấn carbon của Việt Nam WB muốn mua thêm 1 triệu tấn carbon của Việt Nam
Ngân hàng thế giới (WB) đã thông báo cho Việt Nam việc thực hiện quyền mua thêm 1 triệu kết quả giảm phát thải bên ngoài số lượng hợp đồng.

Tú Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ngan-hang-the-gioi-kinh-te-viet-nam-se-tang-truong-o-muc-68-nam-2025-211171.html

In bài viết