11:26 | 12/03/2025
Nguyễn Hà Anh, học sinh lớp 10A1, Trường THPT huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) từng rất e ngại khi nói đến vấn đề sức khỏe sinh sản. Em thiếu kiến thức về sự thay đổi của cơ thể và cách bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tiềm ẩn ở tuổi vị thành niên. Dù từng được học về giới tính trong nhà trường, Hà Anh vẫn cảm thấy nội dung chưa giải đáp hết những thắc mắc.
“Có những điều chúng em muốn hỏi nhưng lại ngại ngùng, không biết chia sẻ với ai. Các chủ đề về tình yêu, tình dục hay biện pháp tránh thai thường bị coi là nhạy cảm”, Hà Anh kể.
Mọi thứ dần thay đổi khi Hà Anh tham gia dự án “Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên tại tỉnh Yên Bái” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp với nhà trường tổ chức. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, dự án mang đến nhiều kiến thức bằng hình thức sinh động như: cuộc thi Rung chuông vàng, sân khấu hóa tình huống, vẽ tranh, thảo luận nhóm…
![]() |
Cuộc thi Rung chuông vàng được tổ chức tại Trường THPT huyện Văn Chấn. (Ảnh: Toan Long) |
Một trong những điều Hà Anh ấn tượng nhất từ dự án là các bài học về phòng tránh quấy rối và xâm hại tình dục. Những nguyên tắc đơn giản nhưng quan trọng như "Nói không - Bỏ đi - Kể lại" giúp em và bạn bè nhận thức rõ hơn về cách ứng phó với các tình huống nguy hiểm.
Những buổi trao đổi cởi mở đã giúp Hà Anh mạnh dạn hơn, tự tin nói lên suy nghĩ của mình. Nhờ đó, em nhận ra rằng việc trang bị kiến thức và kĩ năng về sức khoẻ sinh sản là hành trang quan trọng để bảo vệ chính bản thân mình. Em hiểu được sự thay đổi về cơ thể và sinh lý, tâm lý của bản thân; nhận biết các dấu hiệu khi mang thai ở tuổi vị thành niên; các biện pháp tránh thai phù hợp; có nhận thức về giới tính và bình đẳng giới…
Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức cho bản thân, Hà Anh cũng trở thành người lan tỏa thông tin hữu ích đến bạn bè. Em là một trong những học sinh tích cực nhất trong công tác tuyên truyền về sức khỏe sinh sản tại trường. Hà Anh hy vọng sẽ có nhiều chương trình tương tự để các bạn trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân.
Không chỉ giúp đỡ học sinh, dự án còn mang lại những thay đổi tích cực cho các bậc phụ huynh như chị Lù Thị Mú - một người mẹ H’mong sống tại bản Dề Thàng (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Là thành viên của Câu lạc bộ cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, chị Mú đã thay đổi hoàn toàn cách giáo dục con cái sau khi tham gia dự án.
"Trước đây, tôi rất khó hiểu và đồng hành cùng con ở tuổi dậy thì. Giống như nhiều cha mẹ trong cộng đồng H’mong, chúng tôi thường lo lắng, quát mắng, cấm đoán con khi thấy chúng thay đổi hành vi. Nhưng chính cách làm này lại khiến con xa cách hơn", chị Mú nói.
![]() |
Chị Lù Thị Mú, người H’mong sống tại bản Dề Thàng (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). (Ảnh: Mai Anh) |
Tham gia Câu lạc bộ cha mẹ, chị Mú đã học được cách lắng nghe, thấu hiểu con thay vì áp đặt. Chị nhận ra rằng nếu muốn con tin tưởng và chia sẻ, chị phải tạo cho con không gian an toàn, thay vì chỉ cấm đoán hay la mắng.
"Dự án đã thay đổi cách tôi nuôi dạy con cái. Tôi không còn e ngại khi nói về sức khỏe sinh sản mà đã biết cách giúp con hiểu đúng, hành động đúng để bảo vệ bản thân. Giờ đây, con tôi không còn sợ hãi khi chia sẻ với tôi về tình bạn khác giới hay những thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì. Quan trọng nhất, con đã biết tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ như mang thai ngoài ý muốn hay xâm hại tình dục", chị Mú chia sẻ. Chị hy vọng rằng dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng để nhiều gia đình khác cũng có cơ hội tiếp cận những kiến thức quan trọng này.
So với thời điểm bắt đầu dự án, các chỉ số quan trọng về kiến thức và hành vi liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục của thanh thiếu niên đã có những thay đổi tích cực rõ rệt. Tỷ lệ thanh thiếu niên có kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản và tình dục thanh thiếu niên tăng từ 32% lên 83%; hiểu biết về bình đẳng giới tăng từ 70% lên 91%; chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 63% lên 82%. Đặc biệt, tỷ lệ thanh thiếu niên có khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục tại các cơ sở y tế địa phương tăng từ 24% lên 88%. |
Những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của Hà Anh hay chị Lù Thị Mú là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của dự án “Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên tỉnh Yên Bái”. Sau gần 2 năm triển khai, ngày 12/3, tại Hà Nội, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp cùng các cơ quan đối tác địa phương tổ chức Hội thảo nhằm tổng kết, chia sẻ những kết quả đạt được của dự án.
![]() |
Hội thảo chia sẻ kết quả dự án "Cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên tỉnh Yên Bái". (Ảnh: Mai Anh) |
Theo báo cáo tại Hội thảo, dự án được triển khai trên địa bàn huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn từ tháng 7/2023 đến tháng 3/2025. Dự án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái.
Dự án đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng như: tổ chức Câu lạc bộ thanh thiếu niên và các sự kiện truyền thông ngoại khóa; xây dựng mô hình Câu lạc bộ cha mẹ tại thôn bản; đào tạo giáo viên và nhân viên y tế nhằm nâng cao năng lực tư vấn và hỗ trợ cho thanh thiếu niên; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện tại các cơ sở y tế địa phương…
![]() |
Nhiều hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên - thanh niên được tổ chức trong khuôn khổ dự án. (Ảnh: Toan Long) |
Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam cho biết, sự phối hợp của các đối tác địa phương đã giúp dự án đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy việc đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ.
Ông Yukinori Tominaga, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Daiichi Sankyo Việt Nam - đơn vị tài trợ dự án chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng những kết quả đạt được từ dự án này sẽ trở thành nền tảng cho các sáng kiến tiếp theo, truyền cảm hứng cho nhiều nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trên khắp đất nước Việt Nam”.
Tại sự kiện, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và các đối tác tại tỉnh Yên Bái cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhân rộng mô hình dự án với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân. Qua đó đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận lâu dài cho thanh thiếu niên, đặc biệt là ở các vùng khó khăn của tỉnh Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc.
“Trong 35 năm hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) đã không ngừng thay đổi và phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Thông qua các can thiệp và cách tiếp cận mới cùng sự hợp tác, hỗ trợ bền vững từ các cơ quan đối tác, mỗi năm SC đã hỗ trợ hàng triệu trẻ”. Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức SC khi trao đổi với Tạp chí Thời đại về những thành tựu của SC trong hành trình 35 năm tại Việt Nam. |
Save the Children International (SCI) - Cam kết mạnh mẽ, đổi mới linh hoạt vì trẻ em và cộng đồng “Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SCI) là một tổ chức phi chính phủ có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phát triển cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Trong hành trình 35 năm hoạt động tại đây, SCI không chỉ mang tính dài hạn với những cam kết mạnh mẽ mà còn có cách tiếp cận đổi mới, phù hợp với nhu cầu thực tế của trẻ em và cộng đồng”. Đó là khẳng định của ông Trần Phú Cường, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân về SCI trong trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thời Đại. |
Mai Anh