Xóa mù chữ - Tri thức mở lối thoát nghèo

09:00 | 27/02/2025

Giữa những bản làng xa xôi, ánh sáng tri thức đang len lỏi vào từng nếp nhà, thắp lên hy vọng đổi đời cho những người từng nghĩ rằng con chữ là điều xa vời. Những lớp học xóa mù chữ không chỉ giúp bà con biết đọc, biết viết mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận tri thức, vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh Chương trình Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ
Khai giảng Lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân ở xã biên giới Tây Nghệ An

Bản làng sáng chữ

Mỗi khi màn đêm buông xuống, lớp học xóa mù chữ tại bản Trung Dình (xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) lại rộn ràng tiếng đánh vần, học chữ. Lớp học do giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Huổi Lèng đứng lớp để xóa mù chữ cho 20 học sinh là người dân tộc Mông, từ 40 đến 60 tuổi, học vào tối thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.

Trong đêm tối, tiếng ê a đánh vần vang lên giữa núi rừng, mang đến sự rộn ràng, xua tan cái lạnh giá của mùa đông ở bản nghèo. Bà Giàng Nụ Tú (56 tuổi), bản Trung Dình luôn có mặt ở lớp học chữ từ rất sớm. Bà tâm sự: “Mới học khó lắm, các mặt chữ, con số cứ lẫn lộn với nhau nhưng nhờ con gái, thầy cô giúp đỡ nên thấy cũng dễ và thú vị. Mình cố gắng học biết chữ, biết tính toán, tìm một công việc nhằm thay đổi cuộc sống nghèo khó”.

Không chỉ tại bản Trung Dình, lớp học xóa mù chữ ở bản Huổi Chua (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) cũng duy trì đều đặn mỗi tối. Bày tỏ niềm vui khi có cơ hội đi học, ông Thào A Dính (53 tuổi), một học viên của lớp chia sẻ: “Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn nên tôi không được đi học. Không biết chữ khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Việc học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi qua ti vi, sách, báo bị hạn chế nhiều. Vậy nên, khi có lớp học xóa mù chữ tại bản, tôi đã đăng ký tham gia. Nhờ có lớp học này, tôi đã biết đọc, biết viết và tính toán những phép tính cơ bản. Từ đó, tôi có thể tự ghi chép, tính toán và tiếp thu kiến thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng...”

Lớp xóa mù chữ tại bản Trung Dình tập trung học vào buổi tối.
Lớp xóa mù chữ tại bản Trung Dình tập trung học vào buổi tối.

Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng tích cực triển khai các lớp học xóa mù chữ, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận tri thức, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo bền vững. Tại Trường Tiểu học và THCS A Xing (xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), lớp học xóa mù chữ được tổ chức từ đầu tháng 3/2024 để xóa mù chữ cho 20 học sinh là phụ nữ người Pa Cô, từ 21 đến 50 tuổi.

Chị Hồ Thị Mai, trú tại thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hóa tâm sự: “Ban ngày tôi đi làm rẫy, ăn tối xong lại cùng chị em trong thôn đến lớp, vừa học chữ, vừa chia sẻ chuyện vui buồn, thích lắm. Thầy cô còn chỉ cho chúng tôi nhiều thứ chưa biết về cuộc sống. Biết chữ rồi, mình tự tin đi ra ngoài giao lưu học hỏi, không trốn biệt trong rừng như trước kia nữa. Mình vui mà chồng con cũng thấy hạnh phúc hơn”.

Những ngày đầu mở lớp xóa mù chữ thường không dễ dàng. Cô Trần Thị Châu, giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Xing cho biết, nhiều học viên e ngại vì tuổi đã lớn nhưng vẫn phải cắp sách đến lớp. Để tạo không khí thoải mái, giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn là những người bạn đồng hành, chia sẻ chuyện gia đình, tổ chức trò chơi đánh vần, giúp lớp học trở nên gần gũi, sôi nổi và khơi dậy tinh thần ham học.

Học chữ, đổi đời

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, cho biết, tại các địa phương vùng cao và khu vực biên giới khó khăn, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Giao thông đi lại hiểm trở, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở mức cao. Đáng chú ý, nhiều người trong độ tuổi lao động không biết chữ, khiến việc tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật trở nên khó khăn.

Nhằm mang tri thức đến với đồng bào, địa phương, ngành giáo dục đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ. Tính đến nay, địa phương tổ chức được 12 lớp xóa mù chữ với 282 học sinh tham gia. Mỗi lớp có 20-25 học sinh, một kỳ học kéo dài hơn 17 tháng và chia làm 2 giai đoạn. Ngoài dạy đọc, viết, tính toán, các thầy cô còn truyền đạt nhiều kỹ năng sống, góp phần nâng cao nhận thức của bà con về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như công tác bảo vệ chủ quyền nơi biên giới.

Xóa mù chữ - Tri thức mở lối thoát nghèo
Cô giáo Trần Thị Châu hướng dẫn các học viên là đồng bào Pa Cô học đánh vần.

Theo ông Trần Hồng Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, địa phương xác định xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao dân trí và phát triển kinh tế - xã hội. Khi biết chữ, người dân có thể tự đọc thông tin, theo dõi sách báo, ti vi hoặc điện thoại, từ đó nắm bắt thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xóa mù chữ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp chính quyền, tổ chức điều tra, thống kê số người mù chữ và tái mù chữ, từ đó triển khai các lớp học phù hợp với nhu cầu thực tế, vận động người dân tham gia học tập. Nhờ đó, số lượng người mù chữ trên địa bàn giảm qua từng năm.

Từ những lớp học buổi tối giữa núi rừng, ánh sáng tri thức đang lan tỏa, thắp sáng nơi vùng cao, biên giới. Xóa mù chữ không đơn thuần là dạy đọc, dạy viết, mà còn giúp bà con thêm tự tin hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động cộng đồng và tìm hiểu, áp dụng kiến thức vào phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển.

Nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số Nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số
Với đặc thù là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Đắk Nông được đánh giá là địa phương có tỷ lệ người mù chữ cao so với chỉ tiêu của cả nước.
Khai giảng Lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân ở xã biên giới Tây Nghệ An Khai giảng Lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân ở xã biên giới Tây Nghệ An
Ngày 12/11, tại xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức Lễ khai giảng Lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ kỳ 1, giai đoạn 1 cho 26 học viên là người dân trên địa bàn bản Lam Hợp của xã này.

Tú Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/xoa-mu-chu-tri-thuc-mo-loi-thoat-ngheo-210543.html

In bài viết