10:06 | 21/02/2025
Về nhập khẩu, trong tháng 1, các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Hàn Quốc... Việt Nam hiện đứng thứ 15/20 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore với kim ngạch hơn 794 triệu SGD (tăng 16,97%).
Về xuất khẩu, trong tháng 1, các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Malaysia (6,75 tỷ SGD, tăng 24,86%), Hong Kong (6,58 tỷ SGD tăng 4,68%), Trung Quốc (6,06 tỷ SGD, giảm 31,02%)… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 8 của Singapore với kim ngạch 2,56 tỷ SGD, tăng 16,79%.
Đối với thương mại song phương Việt Nam - Singapore, trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 3,39 tỷ SGD, tăng 16,83% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore đạt 794 triệu SGD, tăng 16,97% và nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam khoảng 2,6 tỷ SGD, tăng 16,79%.
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore đạt 759,19 triệu SGD, tăng 47,89% và hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam đạt 1,84 tỷ SGD (chiếm 71%), tăng 7,46%.
Nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì Việt Nam xuất siêu khoảng 34,8 triệu SGD.
Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore, trong tháng 1, cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng rất mạnh, cụ thể: nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 46,02%); Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 47%); Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 58,91%). Một số nhóm ngành khác cũng tăng trưởng mạnh đáng chú ý như Máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (tăng 60,77%); Thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng 52,87%); Gạo và ngũ cốc (tăng 36,43%)…
Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam, cả 3 nhóm nhập khẩu chủ lực đều tăng trưởng dương là Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 9,33%); Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 107,87%) và nhóm Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 2,75%). Một số nhóm ngành khác tiếp tục tăng đột biến như: Kẽm và sản phẩm từ kẽm (tăng gần 1,6 lần), Dược phẩm (tăng 96%)…
Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại địa bàn nhất là các chính sách mới, các quy định về điều kiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đổi mới phương thức quản lý, chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia trưng bày hàng hóa tại các hội chợ triển lãm quốc tế để tăng sự hiện diện hàng hóa Việt Nam, quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu hàng Việt tới người tiêu dùng tại bản địa.
Khang Anh