19:54 | 17/02/2025
Khởi quay từ tháng 7/2024, bộ phim tài liệu The Long Dress là sự giao thoa giữa thời trang, nghệ thuật, lịch sử và văn hóa. Bộ phim quy tụ ê-kíp làm phim đến từ Việt Nam và quốc tế, cùng chung mục tiêu tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của tà áo dài Việt Nam, đồng thời thể hiện sức mạnh của sự kết nối qua những trang phục và câu chuyện đằng sau chúng.
Bộ phim xoay quanh 3 nhân vật chính đến từ Mỹ, Anh và Việt Nam, những người có chung tình yêu với tà áo dài: Thái Nguyễn - nhà thiết kế người Mỹ gốc Việt, người đầu tiên đưa áo dài Việt Nam lên thảm đỏ Oscar; Anna Hoàng - cô gái trẻ bắt đầu sáng tạo những mẫu áo dài độc đáo từ năm 10 tuổi tại Vương quốc Anh và một nhà thiết kế áo dài nổi tiếng trong nước, đại diện cho sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại.
Một trong những nguồn cảm hứng lớn cho bộ phim đến từ hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương mặc áo dài tại Vatican năm 1939, biểu tượng của bản sắc và sự hòa nhập văn hóa. Bộ phim cũng ghi lại sự chuyển mình của áo dài khi xuất hiện trong các sự kiện thời trang quốc tế, trên thảm đỏ cùng những nghệ sĩ gốc Việt như Ali Wong.
![]() |
Nhà làm phim Hân Lê trong quá trình quay bộ phim The Long Dress tại Vương quốc Anh. |
Theo nhà sản xuất phim Hân Lê, thông điệp của The Long Dress là dù thời gian có đổi thay, áo dài vẫn là biểu tượng sống động của bản sắc Việt, kết nối quá khứ và tương lai, giúp mỗi người tự tin thể hiện chính mình. Do đó, bộ phim không chỉ là hành trình khám phá vẻ đẹp và sự tinh tế của áo dài mà còn là sự khám phá về bản sắc. Hân Lê mong muốn áo dài có thể kết nối người Việt Nam trên toàn cầu, từ những thế hệ đi trước cho đến những thế hệ trẻ đang tiếp tục mang trong mình dòng máu Việt Nam. Đó là cách mà những giá trị văn hóa truyền thống có thể kết nối các cộng đồng và tìm thấy sự giao thoa với những nền văn hóa khác.
Trong quá trình làm phim, Hân Lê không chỉ gặp những khó khăn về mặt kỹ thuật mà còn là sự giằng xé nội tâm khi cô tìm cách cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, giữa giữ gìn giá trị cội nguồn và sự phát triển của áo dài trong bối cảnh toàn cầu hóa.
"Với những khoảnh khắc khó khăn, tôi đã phải đấu tranh với những câu hỏi lớn: Liệu tôi có đang giữ lại sự nguyên vẹn của áo dài khi muốn giới thiệu nó ra thế giới hay không? Liệu việc làm cho áo dài trở nên phổ biến toàn cầu có phải là làm mất đi sự tinh túy vốn có của nó? Những khoảnh khắc giằng xé này không phải là điều dễ dàng, nhưng chính nhờ vào chúng mà bộ phim trở nên sâu sắc hơn, phản ánh được những mâu thuẫn nội tại của con người trong việc đối diện với cái mới và cái cũ", Hân Lê nói.
Bộ phim The Long Dress dự kiến hoàn thiện vào tháng 7/2025 và sẽ được quảng bá tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Mặc dù The Long Dress tập trung vào áo dài, nhưng đây không chỉ đơn thuần là một bộ phim về vẻ đẹp của trang phục. Bộ phim được kỳ vọng sẽ truyền tải những giá trị văn hóa sâu sắc hơn - câu chuyện về những con người đã giữ gìn và phát triển áo dài qua nhiều thế hệ.
Nhà sản xuất phim Hân Lê cho biết, áo dài là một phần của văn hóa Việt, nhưng qua bộ phim này, cô muốn nói về những câu chuyện đằng sau mỗi tà áo dài, về những người Việt khi khoác lên mình chiếc áo dài và về việc làm thế nào trang phục này giúp họ kết nối lại với cội nguồn. Cô cũng muốn truyền tải thông điệp về sự sáng tạo và khả năng phát triển của văn hóa Việt Nam. Áo dài không phải là thứ chỉ tồn tại trong quá khứ mà nó vẫn đang sống động, thích nghi và phát triển theo thời gian. Bộ phim sẽ là minh chứng cho sự đổi mới và sức sống của một di sản văn hóa qua các thế hệ.
![]() |
Hậu trường phim The Long Dress khi thực hiện ghi hình ở Vương quốc Anh. |
Bên cạnh đó, bộ phim cũng không thiếu những cảnh quay đẹp về phong cảnh, làng mạc và con người Việt Nam. Đây là những yếu tố có thể mang đến một cái nhìn đầy đủ và chân thực về đất nước Việt Nam, không chỉ là những gì người ta thường thấy qua các hình ảnh du lịch thông thường. Những khung cảnh đẹp của Việt Nam, từ các khu phố nhộn nhịp của Hà Nội đến những ngôi làng yên bình ở miền Tây, sẽ là nền tảng làm nổi bật vẻ đẹp thanh thoát, tinh tế của áo dài.
![]() |
Hân Lê chụp ảnh cùng Đại sứ Việt Nam tại Anh Đỗ Minh Hùng. (Ảnh: NVCC) |
"Bộ phim như một lá thư tình gửi tới Việt Nam, là cách tôi bày tỏ tình yêu và lòng tự hào đối với di sản của dân tộc. Tôi hy vọng nó sẽ trở thành cầu nối giúp người Việt khắp nơi cảm nhận sâu sắc hơn về di sản và những giá trị văn hóa của mình. Tôi mong muốn The Long Dress sẽ không chỉ là một tác phẩm điện ảnh mà còn là một phần của sự thay đổi trong cách thế giới nhìn nhận về văn hóa Việt Nam. Rằng văn hóa Việt Nam không chỉ là quá khứ, mà là một phần sống động, đang phát triển và tiếp tục tỏa sáng hiện đại và đầy sáng tạo", Hân Lê chia sẻ.
Hân Lê sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hiện đang sống và làm việc tại London, Vương quốc Anh. Cô tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật chuyên ngành Sản xuất phim điện ảnh tại Goldsmiths, University of London. Cô có kinh nghiệm tham gia nhiều dự án phim tài liệu uy tín trên toàn cầu và từng làm việc trực tiếp các nhà lãnh đạo thế giới như Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair; Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice... |
Phạm Lý