Nhiều đề xuất nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù

06:00 | 25/02/2025

Sau một năm triển khai, chính sách tín dụng theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Để mở rộng khả năng tiếp cận vốn và nâng cao hiệu quả hỗ trợ, nhiều đề xuất đã được đưa ra.
Chính sách nhân văn nâng đỡ người từng lầm lỡ khởi nghiệp
Bình Lục (Hà Nam): “Phiên chợ” tình người giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, mức vốn cho vay tối đa không phải bảo đảm tài sản đối với mục đích sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm (tối đa 100 triệu đồng) cho người chấp hành xong án phạt tù còn thấp so với nhu cầu thực tế của người vay, đặc biệt là với những khách hàng có mô hình sản xuất kinh doanh lớn. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị nâng mức tiền được vay không phải bảo đảm tài sản tối đa lên đến 200 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.

Bên cạnh đó, quy định về thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù cho đến thời điểm vay tối đa là 5 năm còn ngắn, vẫn còn nhiều người chấp hành xong án phạt tù có thời gian chấp hành xong án phạt tù trên 5 năm có nhu cầu vay vốn cao. Các địa phương đề nghị quy định kéo dài hơn thời gian người chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm lên 10 năm.

góp phần hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững, ổn định trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.
Quyết định 22/2023/QĐ-TTg đã góp phần hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững, ổn định trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương. (Ảnh minh họa: vinhphuc.gov.vn)

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung phương thức cho vay: thực hiện cho vay trực tiếp đối với người chấp hành xong án phạt tù hoặc cho vay thông qua hộ gia đình; người chấp hành xong án phạt tù có thể được vay một hoặc nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức cho vay tối đa (100 triệu đồng/người).

Bên cạnh những đề xuất từ địa phương, Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chính sách thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển tại các địa phương, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân nói chung và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Bộ Quốc phòng thông qua hệ thống phương tiện truyền thông do Bộ quản lý nhằm tuyên truyền, giới thiệu về chính sách tín dụng nhân văn, nhân đạo của Nhà nước ta dành cho người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg trong công tác đối ngoại và đến cán bộ, chiến sĩ, các cơ sở giam giữ phạm nhân thuộc Bộ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có cơ chế, chính sách hướng nghiệp, đào tạo nghề; chỉ đạo tăng cường liên kết nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp xã hội với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về nhu cầu lao động để kết nối với các cơ sở giam giữ, nguồn nhân lực lao động các địa phương để tổ chức tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Bộ cũng cần chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức các "phiên giao dịch việc làm", "ngày hội việc làm", "phiên chợ việc làm"... cho người lao động, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục thông tin, tuyên truyền Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Ủy ban nhân dân các cấp ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội thực hiện công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng là người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Bộ Công an cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tập hợp các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị, đề xuất của các địa phương qua bước đầu 1 năm thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, báo cáo, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ giải quyết cho phù hợp với thực tiễn.

Theo báo cáo của Bộ Công an, sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, 7.650 người chấp hành xong án phạt tù đã được cho vay 629,805 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg đạt 184 tỷ đồng. Dư nợ nguồn vốn địa phương đến hết ngày 10/10/2024 đạt 147,5 tỷ đồng với 1.785 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn.

Đa dạng mô hình trợ giúp: Tạo việc làm, sinh kế, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương Đa dạng mô hình trợ giúp: Tạo việc làm, sinh kế, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương
Nhiều mô hình hỗ trợ giúp người hoàn lương hòa nhập cộng đồng Nhiều mô hình hỗ trợ giúp người hoàn lương hòa nhập cộng đồng

Phan Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhieu-de-xuat-nang-cao-hieu-qua-chinh-sach-tin-dung-cho-nguoi-chap-hanh-xong-an-phat-tu-210135.html

In bài viết