Chính sách nhân văn nâng đỡ người từng lầm lỡ khởi nghiệp

06:00 | 24/02/2025

Nhờ chính sách nhân văn của Nhà nước, nhiều người chấp hành xong án phạt tù đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để khởi nghiệp, phát triển sản xuất, tạo việc làm và ổn định cuộc sống. Không chỉ giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, chính sách tín dụng này còn đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tái phạm tội, giữ gìn an ninh trật tự và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đa dạng mô hình trợ giúp: Tạo việc làm, sinh kế, hỗ trợ người bán dâm hoàn lương
Nhiều mô hình hỗ trợ giúp người hoàn lương hòa nhập cộng đồng

Cơ hội thứ hai cho người từng lầm lỡ

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Đinh Văn Long (phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) quyết tâm làm lại cuộc đời. Ngày 10/10/2023, anh được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng xưởng sản xuất gỗ. Nhờ sự hỗ trợ này, mô hình kinh doanh của anh Long từng bước đi vào ổn định, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương. Hiện tại, anh đã trả được 10 triệu đồng tiền gốc, còn dư nợ 90 triệu đồng.

Tương tự, anh Trần Văn Cường (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) sau khi chấp hành xong án phạt tù cũng được vay 90 triệu đồng để đầu tư vào mô hình trồng mía. Số vốn này giúp anh cải tạo 6.000m² đất, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trang trải chi phí sản xuất. Nhờ sự tiếp sức kịp thời, mỗi vụ mía, gia đình anh thu lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng, dần dần ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Trần Văn Cường (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn để phát triển kinh tế.
Gia đình anh Trần Văn Cường (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn để phát triển kinh tế. (Ảnh: Báo Đại đoàn kết)

Không chỉ riêng anh Long hay anh Cường, hàng nghìn người chấp hành xong án phạt tù trên cả nước đã được hưởng lợi từ Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng dành cho người hoàn lương. Theo báo cáo của Bộ Công an, sau một năm triển khai chính sách, 7.650 người đã được vay tổng cộng 629,8 tỷ đồng.

Quyết định 22/2023/QĐ-TTg được ban hành ngày 17/8/2023, quy định người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người để đào tạo nghề và tối đa 100 triệu đồng/người để sản xuất, kinh kinh doanh, tạo việc làm. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù, mức vay có thể lên đến 2 tỷ đồng/dự án. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đào tạo nghề và vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và Ngân hàng Chính sách xã hội về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn.

Chính sách nhân văn, hướng đi bền vững

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai chính sách vào tháng 10/2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh: Quyết định 22 là chính sách mới, nhân văn và ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta có một cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tụ được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sóng, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nói.

Chính sách này không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Việc tiếp cận nguồn vốn giúp người hoàn lương có động lực tái hòa nhập, giảm thiểu nguy cơ tái phạm, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Theo thống kê, trong số 7.650 người được vay vốn, chỉ có 2 trường hợp tái phạm tội, chiếm tỷ lệ cực thấp 0,02%.

Chính sách tín dụng này còn thu hút sự tham gia tích cực của các địa phương. Theo Bộ Công an, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 184 tỷ đồng, trong đó các tỉnh có nguồn vốn ủy thác cao gồm: Bắc Giang 17,4 tỷ đồng; Hải Phòng 13 tỷ đồng; Đồng Nai 10,2 tỷ đồng; Thanh Hóa 10 tỷ đồng, Bình Phước 10 tỷ đồng... Đến ngày 10/10/2024, dư nợ nguồn vốn địa phương đạt 147,5 tỷ đồng với 1.785 người được vay vốn.

"Những kết quả bước đầu triển khai thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg cho thấy chính sách tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn đã đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và thực sự có hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên cả nước", Bộ Công an nêu rõ.

Quyết định 22/2023/QĐ-TTg là minh chứng sống động cho tinh thần nhân đạo, tương thân tương ái của dân tộc, đồng thời cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng. Chính sách không chỉ mở ra con đường mới cho những người từng lầm lỡ, mà còn lan tỏa giá trị nhân văn, củng cố niềm tin vào một xã hội công bằng, khoan dung và phát triển bền vững.

Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
Đặc xá: khởi đầu mới cho những người từng lầm lỡ Đặc xá: khởi đầu mới cho những người từng lầm lỡ

Phan Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chinh-sach-nhan-van-nang-do-nguoi-tung-lam-lo-khoi-nghiep-210123.html

In bài viết