21:37 | 28/01/2025
Với người Việt, rắn không gắn với nghi thức tôn giáo nào. Tuy nhiên, hình tượng rắn lại gắn với nhiều tín ngưỡng. Từ xưa, người Việt đã có tục thờ rắn. Một số vùng dọc sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống có đền thờ rắn. Ở một số đền người dân thờ một cặp rắn gọi là “Ông Dài, ông Cụt”. Theo quan niệm tín ngưỡng, hai con rắn, một dài một cụt vốn là con của thần Gió từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hòa, nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là thủy thần.
Ngay tại Hà Nội, tục thờ rắn xuất hiện ở một số nơi. Ví như làng Nhật Tân thờ Uy Linh Đại Vương, vốn là anh cả của bảy anh em rắn thần. Rắn thần này sau đó đầu thai làm hoàng tử Uy Đô Linh Lang. Sau khi hoàng tử lập công cứu nước và hy sinh thì ngài hóa thành giao long trườn xuống hồ Tây. Ngài được thờ làm Linh Lang Đại Vương ở Thủ Lệ. Ngoài ra, có thể kể đến một số lễ hội khác như hội làng Yên Nội ở Từ Liêm, Hà Nội thờ Thổ Lệnh Bạch Hạc Tam Giang.
Ở một số địa phương khác và với anh em đồng bào khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, rắn cũng trở thành một hình tượng để được thờ. Người Chăm ở khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận thờ rắn với hình tượng pha chút tôn giáo với hình tượng rắn thần Naga. Hình tượng rắn thần Naga với người Chăm mang ý nghĩa là vị thần làm chủ nguồn nước, sẽ tạo ra mưa thuận gió hòa cho các cư dân nông nghiệp lúa nước. Naga cũng có nghĩa là thần mưa, tạo mưa cho vạn vật sinh sôi.
Hình tượng rắn thần Naga với người Khmer Nam Bộ có một biến thể khác, gắn với tín ngưỡng tâm linh pha chút tôn giáo của đạo Phật. Đối với người Khmer, thần rắn Naga có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh. Ngày nay, trong kiến trúc nhiều ngôi chùa của người Khmer thường có hình ảnh cầu vồng và rắn Naga tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi niết bàn. Các phù điêu Naga nơi mái cuốn của ngôi chùa người Khmer có ý nghĩa trong việc trừ tà, tránh hỏa hoạn và bảo vệ Đức Phật. Thường thấy là những chân cột cờ với 4 hình tượng rắn Naga trong chùa Khmer.
Ở khu vực miền Trung, tín ngưỡng thờ thần rắn cũng được nhiều dân tộc tôn thờ và xem đó là một vật linh thiêng, có thể hô phong hoán vũ. Người Mường ở Thanh Hóa có một ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Tương truyền, ở suối cá thần có thần rắn bảo hộ, che chở.
![]() |
Hình ảnh rắn thần Naga tại cổng chùa Trà Tim cũ (còn có tên là chùa Chruitim Chắs), tỉnh Sóc Trăng. |
Tuy nhiên, phần lớn hình tượng rắn trong văn hóa Việt Nam lại mang nghĩa xấu, tiêu cực. Ví như các câu tục ngữ: “Khẩu Phật tâm xà”; “Miệng hùm nọc rắn”; “Đánh rắn phải đánh dập đầu”; “Vẽ rắn thêm chân”; “Như rắn mất đầu”; hay ca dao “Khi đi gặp rắn thì may. Khi về gặp rắn thì hay phải đòn”…
Trong khoảng 200 truyện cổ tích Việt Nam thì đã có 11 truyện đề cập đến hình tượng rắn hoặc các biến thể của rắn như giao long, thuồng luồng, chằn tinh... Trong đó có những truyện ca ngợi sự giúp đỡ của rắn đối với con người. Một số truyện khác lại nói đến việc rắn hại người. Điển hình là câu chuyện Thạch Sanh, Lý Thông.
Hình tượng rắn không có trong tôn giáo ở Việt Nam, tuy nhiên hình tượng rắn lại khá phong phú với nhiều nước trên thế giới, từ phương Tây cho đến phương Đông.
Hình tượng rắn là biểu tượng cho nước, lửa, linh hồn, nhục dục, quyết đoán, đa nghi. Rắn biểu trưng cho cả giới tính nam và nữ, là một vị thần sáng thế, biểu trưng cho vũ trụ thời hỗn mang. Các biểu tượng này dựa vào tính uyển chuyển trong cách di chuyển của loài rắn và cách nó lột xác tái sinh.
Trong các dân tộc trên thế giới, tín ngưỡng thờ rắn và đưa rắn vào tôn giáo sớm nhất có lẽ là ở Ai Cập. Từ thời Cổ đại, người Ai Cập đã coi rắn là biểu tượng của thánh thần, của sự mê hoặc, đôi khi nó được tin như một lời sấm, lời tiên tri, thậm chí là một đấng tối cao. Thời cổ xưa, người Ai Cập cho rằng rắn là thần hộ mạng cho các vị vua chúa. Trên các vương miện của các pharaon Ai Cập đa số đều có chạm trổ hình rắn Uraeus bằng vàng hay bằng ngọc. Dấu vết của tín ngưỡng này còn được tìm thấy qua các hình vòng tròn, quả cầu được chạm khắc trên hầu hết các cổng ngôi chùa ở Ai Cập (người Ai Cập quan niệm thế giới như một vòng tròn, con rắn đi xuyên qua tâm theo chiều ngang biểu trưng cho sự giao nhau bởi vũ trụ và mặt đất).
![]() |
Vương miện hoàng gia của vị vua thứ 18 triều đại Tutankhamun (Ai Cập) được lưu giữ tại Golden Gate Park (Mỹ) có chạm trổ hình rắn thần. |
Trong Kinh thánh của đạo Thiên chúa cũng đề cập tới rắn. Sách Sáng thế có nói về rắn là con quỷ quyệt hơn mọi con thú trên cánh đồng. Con rắn xúi giục Eva ăn cây nhận thức, sau đó là Adam. Chính vì ăn trái cấm nên Adam và Eva đã nhận ra giới tính. Đó là khởi đầu của tính dục giữa người nam và nữ.
Ấn Độ cũng là quốc gia đưa biểu tượng rắn vào nền văn hóa tôn giáo của mình rất sâu đậm. Rắn hổ mang có trên cổ thần Shiva. Còn thần Vishnu thường được vẽ trong tư thế đang ngủ trên con rắn bảy đầu hoặc với các cuộn rắn. Đền miếu ở Ấn Độ coi rắn là biểu tượng cho sự trù phú. Thậm chí lễ hội Hindu gọi là Nag Panchami mỗi năm đều tổ chức ngày “Tết” rắn (tổ chức vào ngày thứ năm sau ngày Amavasya của tháng Shravana). Trong ngày đó, những con rắn được tôn thờ và vái lạy. Vị thần rắn trong Ấn Độ giáo có tên gọi là Naga được xem như biểu tượng của sự bất tử, được kính trọng như con vật linh thiêng.
Trong giai thoại văn học Việt Nam, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 -1784) thủa nhỏ để tránh bị đòn roi phạt của cha khi phạm lỗi đã làm bài thơ “Rắn đầu biếng học”. Điều đặc biệt là mỗi câu thơ lại kể tên một loài rắn. Bài thơ như sau:
"Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo
Lằn lưng cam chịu vệt dăm ba
Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia."
Bài thơ “Rắn đầu biếng học” được làm bằng thể thơ tập danh: mỗi câu có tên một giống rắn hoặc có từ “rắn”. Câu đầu có “liu điu” (Rắn liu điu là một loài thằn lằn cỏ thường xuất hiện ở châu Á). Câu thứ hai có từ “rắn”. Câu thứ ba là “hổ lửa” (Rắn hổ lửa hay còn gọi là rắn bảy màu có phần cổ nổi bật với màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến nâu đỏ). Câu thứ tư là “mai gầm” (Rắn mai gầm hay còn gọi là rắn cạp nong là một trong những loài rắn cực độc nhưng ít khi chủ động tấn công con người). Câu thứ năm là “ráo” (Rắn ráo là loài rắn thường sống trên cây, không có nọc độc và không đe dọa đến tính mạng con người). Câu thứ sáu là “lằn” (Thằn lằn rắn hay còn gọi là rắn mối không có độc, khá nhút nhát và thường tránh xa con người). Câu thứ bảy là “trâu” (Rắn hổ trâu là loài rắn ăn thịt, tuy không có nọc độc nhưng bản tính khá hung dữ trong môi trường tự nhiên và có thể tấn công con người). Câu thứ tám là “hổ” (Rắn hổ mang là loài rắn độc, được đánh giá là loài nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng). Trong bài thơ “Rắn đầu biếng học”, sự xuất hiện rắn “hổ - mẹ” và rắn “mai - cha” với tính cách đặc thù: mẹ thì “thẹn… đau lòng”, cha thì “thét… gầm rát cổ” phù hợp với thái độ tâm lý bực tức, lo lắng của người làm cha làm mẹ đối với việc học của con mình. Lối chơi chữ hay ở câu thơ là để “lửa” đối với “đèn”, “thét” đối với “gầm” đứng trước và liền sau “hổ” và “mai” thật đắt và xúc cảm. |
![]() Cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới đang hướng về Tết cổ truyền của dân tộc bằng những hoạt động đón Xuân tưng bừng. |
![]() Ngày 27/1, tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức Hội thi phòng đón xuân Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Tham gia hội thi có các đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Vùng đóng quân trên địa bàn TP. Phú Quốc. |
Từ Khôi