Nghị quyết 57-NQ/TW: nhiều chính sách đãi ngộ thúc đẩy các nhà khoa học cống hiến, sáng tạo

09:25 | 13/01/2025

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với quan điểm, nhà khoa học là nhân tố then chốt, Nghị quyết 57 đã dành nhiều cơ chế đãi ngộ, trao thêm quyền tự chủ cho nhà khoa học, góp phần tạo động lực khuyến khích họ sáng tạo, cống hiến.
Kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp vì tương lai xanh ở Việt Nam
VinIF tài trợ 900 tỷ đồng phát triển khoa học công nghệ
Nghị quyết 57-NQ/TW: nhiều chính sách đãi ngộ thúc đẩy các nhà khoa học cống hiến, sáng tạo
Nghị quyết 57-NQ/TW: động lực mới thúc đẩy nhà khoa học sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Cơ chế trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng

Phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Tuy nhiên, thực tế ngành KH&CN nói chung và nhà khoa học nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực trạng đãi ngộ với các nhà khoa học chưa cao, lương thấp, không có phụ cấp, các cơ sở công lập phải tự chủ chi thường xuyên mà vẫn bị hạn chế thu nhập tăng thêm, hoạt động chuyển giao công nghệ vướng mắc về cơ chế…

Sự ra đời của Nghị quyết 57 cùng việc Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thể hiện rõ sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy năng lực khoa học công nghệ. Đồng thời coi đây là động lực hàng đầu trong việc định hình quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Theo đó, Nghị quyết 57 ban hành những cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng như: Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức KHCN được xếp hạng khu vực và thế giới. Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, Nghị quyết đã chú trọng việc mở rộng đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các nhà khoa học, nhà sáng chế; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù là nhỏ nhất.

Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực. Ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư” trong và ngoài nước... Xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tăng kinh phí cho nghiên cứu phát triển

Nghị quyết 57 đưa ra nhiều thay đổi mới phù hợp với bản chất cơ bản của khoa học, đặc biệt là tư tưởng chấp nhận độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu. Điều này giúp các nhà khoa học tự do khám phá những không gian tri thức mới - yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra các đột phá công nghệ. Các nhà khoa học sẽ không cần giới hạn tâm trí của mình chỉ để đảm bảo đề tài được nghiệm thu theo các sản phẩm đăng ký ban đầu.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 57 tăng nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) lên 2.0% GDP từ mức 0.4% GDP như hiện nay, tổng chi ngân sách hằng năm dành cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tăng lên 3.0%. Ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Đồng thời hình thành cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu. Có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu - Giảng viên Kỹ thuật & Khoa học Máy tính, trường Đại học VinUni, Trưởng ban Nghiên cứu, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo các trường Đại học, Cao Đẳng Việt Nam khẳng định, điều này giúp "cởi trói" cho nhà khoa học để họ tập trung thời gian, tâm sức và trí tuệ của mình cho hoạt động căn bản và giá trị nhất của họ là triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đào tạo con người. Đặt niềm tin vào các nhà khoa học, giảm thiểu tối đa các thủ tục tài chính kế toán là mong mỏi từ rất lâu của cộng đồng khoa học.

TS. Phạm Huy Hiệu và sinh viên tham gia trình bày nghiên cứu tại hội nghị IEEE Statistical Signal Processing Workshop tổ chức tại VinUni.
Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu (bên phải) tham gia trình bày nghiên cứu khoa học tại hội nghị IEEE Statistical Signal Processing Workshop tổ chức tại VinUni.

Cần bước đi, lộ trình phù hợp

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ mũi nhọn như vi mạch bán dẫn, tính toán lượng tử, năng lượng mới… Những công nghệ này đòi hỏi nguồn đầu tư kinh phí rất lớn, mức độ am hiểu công nghệ sâu sắc và hạ tầng kỹ thuật phức tạp.

Hiện nay, lực lượng khoa học kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế về quy mô và mức độ đa dạng các lĩnh vực chuyên môn, còn thiếu rất nhiều những nhà khoa học hàng đầu, các tổng công trình sư có khả năng tập hợp, định hình, quản lý và triển khai các dự án nghiên cứu quy mô và tác động lớn. Tiến hành các nghiên cứu trong các lĩnh vực như vậy đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chiến lược hợp lý.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, Nghị quyết 57 đã nêu ra nhiều giải pháp quan trọng. Song, cần lưu ý rằng, chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học không chỉ đơn thuần là tiền lương và thu nhập mà quan trọng hơn là điều kiện làm việc và môi trường sáng tạo (chế độ visa, nhà ở, đi lại cho bản thân họ và gia đình…). Tức là phải giao cho nhà khoa học quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Họ phải có quyền tự chủ cả về tài chính, tổ chức, nhân sự.

Theo TS. Nguyễn Quân, phải rà soát sửa đổi các luật có liên quan, gồm Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý tài sản công, Luật Viên chức... để có các cơ chế chính sách thực sự đột phá, tạo thuận lợi cho nhà khoa học.

Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam
Ngày 25/12, tại thành phố Cần Thơ diễn ra Hội nghị Khoa học và Công nghệ Tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XXII với chủ đề “Tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam đổi mới và sáng tạo trong kỷ nguyên số về khoa học và công nghệ”, do Bộ Y tế và Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Tổng Bí thư: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học tạo bứt phá phát triển đất nước Tổng Bí thư: Đội ngũ trí thức, nhà khoa học tạo bứt phá phát triển đất nước
Tổng Bí thư đề nghị đội ngũ trí thức, nhà khoa học nỗ lực thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh trong giai đoạn cách mạng mới, gia tăng mạnh mẽ, đóng góp đưa nước ta đến năm 2045 là nước phát triển.

Phương Anh (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nghi-quyet-57-nqtw-nhieu-chinh-sach-dai-ngo-thuc-day-cac-nha-khoa-hoc-cong-hien-sang-tao-209171.html

In bài viết