Tới sáng 11/9, lũ sông Hồng đã lên mức báo động 2. Nhiều tuyến phố đã xuất hiện ngập úng, gây khó khăn trong việc đi lại. Chủ động trước tình hình trên, chính quyền nhiều nơi đã tiến hành di dời người dân khỏi vùng ngập lụt an toàn.
Theo ghi nhận của báo chí, tới sáng 11/9, nhiều tuyến phố thuộc của quận Ba Đình đã có hiện tượng ngập úng, đơn cử như: phường Phúc Xá, như: Phố Tân Ấp, một phần phố Nghĩa Dũng, phố Phúc Xá. Trước tình hình trên, UBND quận Ba Đình cũng yêu cầu người dân tránh xa khu vực bờ vở và đê sông Hồng, nghiêm cấm việc đến gần chụp ảnh, quay phim vì đây là khu vực nguy hiểm, có dòng lũ mạnh, để đảm bảo an toàn tính mạng.
 |
Quận Ba Đình hoàn thành di dời hơn 1.000 người dân khu vực bờ vở sông Hồng đến nơi an toàn để tránh lũ (Ảnh: T.L). |
Tại phường Phúc Xá, nơi có nhiều khu vực bị ngập lụt, UBND phường đã đề nghị người dân chủ động di chuyển tài sản, sẵn sàng di dời khi có thông báo để bảo vệ an toàn tính mạng. Những hộ dân cần hỗ trợ di dời liên hệ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Phúc Xá. Các hộ dân trong khu vực cần theo dõi thường xuyên diễn biến lũ, thông tin cảnh báo và chấp hành nghiêm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương.
Trước đó, trong đêm ngày 10/9, quận Ba Đình đã hoàn thành di dời 276 hộ dân với 1.059 nhân khẩu dọc bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Xá đến Trung tâm GDNN - GDTX số 67 Phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch. Chính quyền cũng đảm bảo an toàn, cấp phát nước và thực phẩm đầy đủ tới những người dân được di dời.
Còn tại quận Nam Từ Liêm, nước đổ xuống sông Ngà khiến mặt đê sông Cầu Ngà (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) bị tràn tại 2 điểm Cầu Mới và Đồng Dậu. Theo cập nhật của Ban Chỉ huy phòng thủ quân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Nam Từ Liêm, tính đến 6h30 ngày 11/9, nhiều điểm ngập úng mới được ghi nhận tại phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Trung Văn, Phương Canh, Mỹ Đình, Cầu Diễn. Đặc biệt, phường Đại Mỗ có 65 điểm ngập, trong đó có khoảng 49ha trồng hoa đào.
 |
Để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân, quận Nam Từ Liêm đã di dời hàng trăm hộ dân về điểm tạm cư (Ảnh: T.L). |
Trong tình hình này, các phường đã bố trí địa điểm di dời nhân dân: phường Cầu Diễn bố trí phòng đơn cho người già, trẻ nhỏ và bố trí 4 hội trường lớn cho 30 hộ gia đình với khoảng 40 người, cung cấp nước, mỳ tôm, cơm suất, trứng. Phường Phú Đô bố trí Trung tâm văn hóa phường cho 17 hộ với 50 người. Tuy nhiên, có 30 người xin tự di chuyển tạm cư về nhà người thân. Mỗi hộ được phường hỗ trợ một số nhu yếu phẩm: 10kg gạo, 1 thùng lương khô và 1 thùng mỳ tôm. Phường Đại Mỗ đã di dời 12 hộ dân với 28 người. Phường Trung Văn đã xây dựng phương án di dời dân khu vực ngập úng về nhà văn hóa tổ dân phố 17, 18; vận động 15 hộ với 40 nhân khẩu bị ngập lụt di chuyển đến nơi ở an toàn.
Hiện nay, các hộ đã tự di chuyển đến tạm cư ở nhà người thân. Đến 11h00 ngày 10/9, UBND phường Cầu Diễn đã vận động khoảng 30 hộ dân với khoảng 100 người dân tại ngõ 384, TDP 15 ra khu vực ngập. Phường đã bố trí 2 điểm để người dân di dời, gồm: Nhà văn hóa tổ 15 và Trạm Rada 26. Đến nay, 100% các hộ đã di dời.
Tới 6h ngày 11/9, quận Bắc Từ Liêm đã di dời 836 hộ dân (đạt 100%) ngoài đê sông Hồng (thuộc 4 phường: Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát) đến nơi an toàn.
Quận Bắc Từ Liêm hiện có 836 hộ dân sống ngoài đê sông Hồng, thuộc các phường: Đông Ngạc, Liên Mạc, Thụy Phương, Thượng Cát) và 724 hộ ven sông Nhuệ, sông Pheo có nguy cơ ảnh hưởng của lũ (bao gồm các phường: Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đức Thắng, Phú Diễn, Phúc Diễn, Minh Khai, Tây Tựu, Thụy Phương.
 |
Chủ tịch MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm Văn Thúy Hoa cùng lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên tinh thần và tặng quà cho các hộ dân thuộc diện di dời (Ảnh: T.L). |
Đêm 10/9, lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Bắc Từ Liêm cùng các cán bộ, lực lượng ứng trực đã trực tiếp đến nhà từng hộ dân ngoài đê sông Hồng vận động 836 hộ dân sơ tán đến nơi an toàn.
Tại những nơi tiếp nhận người dân sơ tán, các phường, đơn vị cùng các lực lượng ứng trực đã chăm lo chu đáo nơi ở, đời sống nơi sinh hoạt tạm thời cho người dân. UBND quận quận Bắc Từ Liêm yêu cầu UBND các phường tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân thuộc các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ khẩn trương thực hiện di dời đến nơi an toàn theo quy định.
Còn tại quận Hai Bà Trưng, ngay trong sáng 11/9, UBND quận đã có cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận cùng lãnh đạo hai phường Bạch Đằng và Thanh Lương để triển khai các giải pháp ứng phó khi nước sông Hồng vượt báo động 2.
Để chủ động ứng phó với nước sông Hồng lên cao, UBND quận đã chỉ đạo UBND hai phường Bạch Đằng, Thanh Lương tập trung rà soát, đánh giá mức độ nguy hiểm, tổ chức di dời ngay các hộ dân đang cư cư trú sát bờ sông Hồng (gần sát mép nước), quyết liệt vận động 100% người dân sát bờ chuyển ra khu vực an toàn.
 |
Ngay trong đêm qua 10-9, người dân ngõ 975 đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng di dời đến nơi an toàn (Ảnh: K.T). |
Trong đó, phường Bạch Đằng có 5 tổ dân phố (8; 10; 11; 12; 13) trong khu vực bờ vở sông Hồng. Tổng số hộ dân sinh sống tại bờ vở là 250 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu. Trong đó có khoảng 70 hộ nằm sát mép nước thuộc 4 tổ dân phố có khả năng bị sạt lở.
Trước đó, lúc 21h ngày 10/9, đa số các hộ đã tự giác chấp hành và tự lo chỗ ở, không phải di dân vào nhà văn hoá phường. Đến sáng ngày 11/9, UBND phường đã tuyên truyền, vận động di dời được toàn bộ 70 hộ dân sát mép nước bờ vở sông Hồng ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời tuyên truyền, vận động được 33 hộ dân khác trên khu vực bờ vở di dời đảm bảo an toàn.
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ Trước đó, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đặc biệt yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm tinh thần chủ động một cách thực chất theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Người đứng đầu cấp ủy phải quán xuyến công việc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để giải quyết kịp thời những nhiệm vụ đặt ra trên địa bàn, nhất là việc bảo vệ an toàn cho dân trong bão lũ, bảo vệ tài sản, giải tỏa cây xanh, vệ sinh môi trường. |