Tết Lào ấm áp trên quê hương Việt Nam

13:32 | 15/04/2024

Năm 2024, lần đầu tiên sinh viên, học viên Lào đang theo học tại các Học viện trực thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đón Tết cổ truyền quê hương tập trung, quây quần tại Học viện trung tâm (ở 135 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Không khí gần gũi, đầm ấp mang đến cho lưu học sinh cảm giác thân thương như ở quê nhà.
Tết cổ truyền Bunpimay của nhân dân các bộ tộc Lào tại Hà Nội
Đại sứ Lào tại Việt Nam dâng hương, trồng cây hoa Chămpa tại Đền thờ công chúa Nhồi Hoa

Đón năm mới·có sự tham dự của bà Lattana Sihalat, Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam, PGS.TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, các lưu học sinh Lào đang học tập tại Học viện trung tâm và các Học viện trực thuộc ở khu vực phía Bắc.

Tại buổi lễ, PGS.TS Dương Trung Ý thay mặt Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, người lao động Học viên đã gửi lời chúc mừng năm mới đến cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Lào và các học viên Lào đang theo học tại Học viện.

Các đại biểu đã cùng ôn lại truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam và cùng nguyện cầu những điều tốt lành sẽ đến với nhân dân hai nước trong năm mới. Các đại biểu cũng cùng nhau tìm hiểu những nét đẹp ngày Tết cổ truyền Bunpimay Lào, cùng nhận những vòng cổ xinh xắn kết từ hoa Chăm pa (quốc hoa của Lào), cùng tham gia nghi lễ buộc chỉ cổ tay, cùng thưởng thức những giai điệu, món ăn truyền thống ngày Tết đất nước bạn Lào, cùng hòa chung điệu Lăm vông, cùng trao cho nhau những tình cảm thân thiết qua những lời ca tiếng hát thắm tình hữu nghị Việt - Lào.

Tết Lào ấm áp trên quê hương Việt Nam
Các đại biểu thực hiện nghi nghi thức buộc chỉ cổ chỉ tay cầu may mắn cho năm mới. (Ảnh: Minh Anh)

Anh Thongkhoun Boulerth, học viên K30 ngành Chính trị học kể: “Đây là năm thứ hai tôi đón Tết Lào tại Việt Nam. Ngày Tết trên nước bạn có sự tham dự đông vui của đại diện cán bộ Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, của các bạn lưu học sinh Lào cùng các thầy cô giáo, bạn bè người Việt. Trong ngày lễ, cũng có đủ các nghi thức truyền thống của Tết Lào như buộc chỉ cổ tay, té nước. Không khí thân thương, ấm cúng cùng tình cảm, sự quan tâm của thầy cô, bạn bè Việt Nam giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, đồng thời cảm nhận rõ hơn tình hữu nghị nhân dân hai nước”.

“Đi học xa nhà, không thể đón Tết cổ truyền bên gia đình, người thân nhưng lưu học sinh Lào vẫn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc như ở quê nhà vì luôn nhận được những tình cảm thân thiết, sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của thầy cô giáo và bạn bè ở Học viện. Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai với nhiều lưu học sinh Lào chúng tôi”, Chị Thongmy Sihavong, đại diện Đoàn lưu học sinh Lào tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Trao đổi với PV tạp chí Thời Đại, PGS. TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Hiện có khoảng hơn 200 học viên người Lào đang theo học tại hệ thống Học viện, trong đó Học viện trung tâm có 116 học viên Lào. Hàng năm, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trung tâm và các Học viện trực thuộc đều phối hợp với Đoàn Lưu học sinh Lào tổ chức ngày Lễ đón năm mới cho các sinh viên, học viên Lào. Năm nay, ngày Tết Lào được Học viện tổ chức với quy mô lớn hơn. Thay vì tổ chức độc lập tại từng cơ sở, Học viện đã mời toàn thể học viên, sinh viên của Lào đang theo học tại Học viện trung tâm, Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về Học viện trung tâm đón năm mới. Buổi lễ là dịp để cán bộ, giáo viên Học viện giao lưu cùng các học viên Lào, cùng thưởng thức những nét tinh tế, đặc sắc trong văn hóa truyền thống đất nước, hiểu thêm về đất nước, con người Lào.

Theo PGS, TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Sinh viên, học viên người Lào luôn nghiêm túc chấp hành nội quy, quy định của Học viện, chăm chỉ, chịu khó trong học tập, nghiên cứu.

Học viện đã và đang triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp đẩy mạnh, tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho học viên Lào. Trong đó chú trọng việc đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo vừa có tính hệ thống cơ bản, vừa có tính hiện đại, bám sát tình hình thực tiễn, nhất là thực tiễn trong nước và quốc tế với các bạn Lào. Quan tâm cải tiến về phương pháp giảng dạy theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng loại đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tối đa năng lực tư duy sáng tạo của người học; rèn luyện kỹ năng lành đạo, quản lý và xử lý, giải quyết các tình huống phát sinh trong thực tiễn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ làm công tác quản lý đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng; nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu học tập cho các bạn Lào.

Hằng năm, khi thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, cũng là lúc nhân dân các dân tộc Lào tưng bừng tổ chức lễ hội đón mừng năm mới. Bunpimay là lễ hội quan trọng nhất trong năm, mang đậm bản sắc văn hóa cũng như phong tục, tập quán của Lào, là dịp người dân Lào cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc.

Tết cổ truyền Bunpimay của các bạn Lào diễn ra trong ba ngày theo Phật lịch (thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ 13 đến 16/4 dương lịch hàng năm), với bốn nghi lễ quan trọng theo văn hóa truyền thống của Lào, gồm: tắm tượng Phật, té nước, rước Nữ chúa xuân và buộc chỉ cổ tay.

Trong đó, đặc trưng nhất là nghi lễ té nước (Hốt-nặm), thể hiện mong muốn của người Lào cầu cho mùa mưa đến mang lại sự sống, mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc.

Đón Tết Bunpimay trên đất Việt: hạnh phúc như ở quê nhà Đón Tết Bunpimay trên đất Việt: hạnh phúc như ở quê nhà
Cán bộ ngoại giao Việt, Lào “buộc chỉ cổ tay” trên đất Ấn Cán bộ ngoại giao Việt, Lào “buộc chỉ cổ tay” trên đất Ấn

Hải An - Minh Đức - Minh Anh

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/tet-lao-am-ap-tren-que-huong-viet-nam-198875.html

In bài viết