Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội

23:37 | 17/03/2024

Mỗi năm, vào dịp cuối tháng hai, đầu tháng ba, Lễ hội Tiễn mùa đông (Maslenitsa) lại được tổ chức trên khắp mọi miền nước Nga Trong dịp này, người dân Nga rộn ràng tiễn biệt mùa đông lạnh lẽo, cũng là để chào đón, hy vọng một mùa xuân mới tràn đầy sức sống sớm quay trở lại. Năm nay, lễ hội này đã được tổ chức tại nhiều cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
Tăng cường giao lưu nhân dân Việt Nam – Liên bang Nga Tăng cường giao lưu nhân dân Việt Nam – Liên bang Nga
“Hương vị nước Nga” giữa lòng Hà Nội “Hương vị nước Nga” giữa lòng Hà Nội

Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội
Nghi thức đốt hình nộm rơm. Ảnh: Hoàng Yến

Chiều 17/03, tại Hà Nội, Phân viện Puskin trực thuộc Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Lễ hội Maslenhitsa (Lễ tiễn mùa đông). Đây là một truyền thống từ lâu đời, được yêu thích và vui nhộn nhất của người dân Nga, đánh dấu việc chào đón mùa xuân tươi đẹp quay trở lại.

Tên gọi Maslenitsa có nghĩa gốc là " bơ ", bắt nguồn từ tuần lễ cuối cùng, trước khi kì lễ ăn chay của người Cơ đốc giáo bắt đầu. Khi ấy, người Nga chỉ ăn những món từ sữa, cá, sử dụng bơ và những lại dầu ăn,...

Trong suốt thời gian lễ hội diễn ra, người dân thoải mái vui chơi suốt tuần. Họ cho rằng, ai đón lễ Maslenitsa một cách buồn rầu thì sẽ không có được may mắn, thành công trong cả năm. Trên những quảng trường, cánh đồng ven rừng, mọi người dựng những ngôi nhà tuyết, hình nộm,... Tất cả đều nhiệt tình hưởng ứng, cổ vũ sôi nổi cho các cuộc thi sức khỏe.

Tham dự lễ hội có đại diện Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội, câu lạc bộ “Cùng học tiếng Nga” thuộc Phân viện Puskin, các giáo viên Nga của Dự án “Giáo viên Nga ở nước ngoài”. Lần đầu tiên đại diện của Đại sứ quán Cộng hòa Belarus tại Việt Nam cùng gia đình tham dự sự kiện.

Chương trình còn có sự tham gia của hơn 200 học sinh sinh viên từ 10 cơ sở giáo dục có giảng dạy tiếng Nga, sinh viên Nga đang học tiếng Việt tại Việt Nam và những người yêu thích văn hoá Nga.

Người tham dự có cơ hội được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, cách thức tổ chức tuần lễ Maslenitsa, hát các bài dân ca Nga, làm “búp bê mùa xuân” từ giấy màu, viết ước mơ của mình và treo lên “cây điều ước”, tham gia các trò chơi truyền thống (thắt bím tóc Maslenitsa, kéo co, nhảy vòng tròn tập thể), thưởng thức bánh blin (bánh xèo) - món ăn không thể thiếu trong lễ Maslenitsa, tượng trưng cho mặt trời ấm áp và tròn đầy. Bánh blin được làm từ sữa, trứng, nước, bột, dầu ăn. Người Nga thường ăn bánh blin với mật ong, mứt và sữa đặc.

Cuối chương trình, mọi người cùng tập trung vòng quanh hình nộm rơm và nổi lửa đốt. Người Nga quan niệm rằng, ngọn lửa ấm áp này sẽ xua tan mọi xui xẻo, bệnh tật, những phiền muộn và đau khổ của năm cũ, nhanh chóng mang đến không khí an lành, êm dịu của mùa xuân tươi đẹp.

Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội
Sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội thắt bím tóc Maslenitsa. Ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thời Đại, cô Angelina Yuryeva, giáo viên Nga thuộc dự án “Giáo viên Nga ở nước ngoài” hiện đang giảng dạy tại Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An), cho biết: “Hôm nay chúng tôi tái hiện cho học sinh, sinh viên và những người Việt Nam yêu văn hoá Nga phong tục tổ chức lễ hội Maslenitsa. Tôi hy vọng, qua hoạt động ngoại khoá vui nhộn, các bạn trẻ sẽ có thêm hứng thú và động lực học tiếng Nga. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện dự án “Trường học cơ động”. Theo đó, giáo viên Nga sẽ tới nhiều cơ sở giáo dục để giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khoá. Như vậy, học viên Việt Nam sẽ có thêm cơ hội được giao tiếp với giáo viên bản ngữ. Maslenitsa năm nay được tổ chức đồng thời tại 3 địa điểm là Phân viện Puskin, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi (tỉnh Hải Dương)”.

Đối với người mới học tiếng Nga như bạn Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm 1 Đại học Luật Hà Nội, trải nghiệm làm búp bê giấy, đốt hình nộm bằng rơm…giúp cho việc học tiếng Nga, tìm hiểu văn hoá Nga trở nên thú vị.

Tham gia lễ hội Maslenitsa tại Việt Nam đem tới cho Mikhail, sinh viên Nga theo học chuyên ngành tiếng Việt cảm xúc đặc biệt. Mikhail cho biết: “Ở Nga, tôi đã tham gia nhiều chương trình giới thiệu văn hoá Việt Nam. Do đó, khi học tập tại Việt Nam, tôi cũng muốn giới thiệu tới các bạn văn hoá của đất nước mình. Các bạn Nga và Việt Nam cùng nhảy, cùng chơi trò chơi dân gian. Đó là điều tuyệt vời nhất”.

Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội
Học sinh THPT chuyên Nguyễn Trãi trải nghiệm làm búp bê Martinichka. Ảnh: Ekaterina Kazulina

Sáng 17/03, giáo viên Nga Ekaterina Kazulina của dự án “Giáo viên Nga ở nước ngoài” đã tổ chức giờ học đặc biệt về Maslenitsa cho sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Nga, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh viên đã thể hiện ca khúc đặc biệt dành cho dịp lễ “Ồ Kalina đang nở rộ” và “Bánh xèo thơm ngon mời bạn nhé!”.

Ngày 13/03, giáo viên Valentina Kim tổ chức tiết học đặc biệt về Maslenitsa cho học sinh Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi (tỉnh Hải Dương). Học sinh được trải nghiệm làm búp bê Martinichka gồm búp bê màu đỏ tượng trưng cho mùa xuân, búp hai búp bê màu trắng tượng trưng cho mùa đông.

Một số hình ảnh tại lễ hội tiễn mùa đông tổ chức tại Phân viện Puskin:

Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội
Giao viên Svetlana Lizura giới thiệu tới học sinh, sinh viên Việt Nam phong tục lễ hội Maslenitsa. Ảnh: Hoàng Yến
Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội
Trò chơi kéo co. Ảnh: Hoàng Yến
Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội
Bánh blin - biểu tượng của lễ hội. Ảnh: Hoàng Yến
Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội
Trẻ em hào hứng tham gia sự kiện. Ảnh: Hoàng Yến
Lễ hội tiễn mùa đông của người Nga tại Hà Nội
Bạn trẻ "check in" bên hình nộm rơm. Ảnh: Hoàng Yến

Có một “Làng Nga” trong lòng Việt Nam Có một “Làng Nga” trong lòng Việt Nam
Tôi vừa có cơ hội được tới thăm thành phố biển Vũng Tàu. Bên cạnh việc nghỉ dưỡng, tham quan những thắng cảnh và thưởng thức các món ăn ngon làm từ hải sản tươi sống, thì có một địa chỉ mà tôi, với tư cách một nhà báo có nhiều năm gắn bó với nước Nga, không thể bỏ qua trong chuyến thăm – Làng Nga ở Vũng Tàu, nơi có hơn 1.000 người Nga đang sinh sống, làm việc và học tập.
Việt Nam - Liên bang Nga hợp tác liên trường trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin Việt Nam - Liên bang Nga hợp tác liên trường trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin
Đây là thông tin được ông Lê Chí Lợi, Chuyên viên cao cấp Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết tại buổi họp báo “Triển vọng hợp tác liên trường” ngày 8/12 tại Hà Nội. Sự kiện do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga.

Hoàng Yến

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/le-hoi-tien-mua-dong-cua-nguoi-nga-tai-ha-noi-197832.html

In bài viết