Nghĩa tình theo từng con sóng

06:00 | 06/02/2024

Trong hải trình 5 ngày đêm, vượt qua hơn 600 km đường biển và đường bộ đến chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và nhân dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc những ngày trung tuần tháng 1/2024, dẫu thời tiết tương đối thuận lợi, nhưng với nhiều thành viên trong đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, doanh nghiệp và cơ quan báo chí, những cơn say sóng vẫn là thử thách khó nhằn. Trong sóng nước dập dềnh, sự chăm sóc tận tình của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân như liều thuốc quý giúp vơi bớt cảm giác khó chịu khi say sóng.
Ấm áp nghĩa tình đất liền - biển đảo Ấm áp nghĩa tình đất liền - biển đảo
Thân thương Biển đảo Tây Nam Thân thương Biển đảo Tây Nam

Hành trình “say sóng”

Đêm 15/1/2024, các thành viên trong đoàn công tác hành quân xuống Tàu 924 và Tàu 528 (Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân). Từ cảng 2 Lữ đoàn 127 (Phú Quốc), hai con tàu khởi hành đến đảo Thổ Chu (thuộc xã Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) – điểm đến đầu tiên trên hành trình.

Nghĩa tình theo từng con sóng
Đêm 15/1/2024, Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí lên Tàu 924 bắt đầu chuyến thăm, động viên và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và nhân dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Khi say sóng, trải qua những lúc khó khăn, không thể tự chăm sóc cho chính mình, tôi lại nhớ đến những người lính hải quân ngày ngày đối mặt với sóng gió. Mấy ai sinh ra đã quen với sóng, gió nhưng những người lính đã nỗ lực vượt lên giới hạn của bản thân. Họ phải quen với khó khăn, gian khổ để không bị động trước mọi tình huống. Quen để chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những người lính ấy cũng đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình trên mặt trận truyền thông...

Biên tập viên Lệ Thủy, (Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn).

Biên tập viên Lệ Thủy, Phó Trưởng phòng Văn nghệ và Giải trí (Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn) không ngờ mình sẽ say sóng trên hành trình này.

Chị kể: “Tôi đã đi biển nhiều lần với nhiều loại tàu, thuyền, ca nô và chưa bị say sóng lần nào. Nhưng lần này, ngay khi tàu rời cảng, tôi bắt đầu cảm thấy nôn nao khó chịu. Sáng 16/1, khi đang tác nghiệp ở đảo Thổ Chu, tôi bỗng thấy xây xẩm mặt mày, nhìn loáng thoáng phía trước có người đeo túi cứu thương chỉ kịp gọi một tiếng rồi ngồi sụp xuống”.

Các bạn nhanh chóng dìu tôi vào bệnh xá quân y trên đảo. Người hỏi han, người thăm khám, kê đơn thuốc, người pha trà gừng, nấu cháo, người châm cứu cho tôi. Trước khi rời đảo Thổ Chu, tôi hỏi các em quân y chi phí điều trị, thuốc men. “Bộ đội không lấy tiền của dân chị ạ”, một bác sĩ quân y trẻ đáp lời tôi. Câu nói ấy luôn trở lại trong tâm trí tôi mỗi lần nhớ lại những ngày sóng gió đó.

Hành trình “say sóng” của tôi chưa dừng lại ở đó. Ngày 17/1, tôi tiếp tục say sóng trên đường đến Hòn Khoai và phải nằm im trong phòng. Trong ý thức mơ hồ, tôi gắng sức bám chặt sàn tàu với ý nghĩ sẽ giúp giảm bớt phần nào cảm giác chòng chành. Người như sợi bún, không thể gượng dậy, không thể làm vệ sinh cá nhân, không thay nổi bộ quần áo cho tươm tất...

Cán bộ, chiến sĩ Tàu 924 thường xuyên đến hỏi thăm, người mang trà gừng, người mang bánh, ai cũng động viên tôi cố gắng ăn uống. Đáp lại những săn sóc ân cần đó, mỗi lần đặt chân lên các điểm đảo, tôi lại cố gắng gượng dậy, cùng đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí tiếp tục công việc của mình.

Nghĩa tình theo từng con sóng
Biên tập viên Lệ Thủy, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Kạn (thứ 3 từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tác nghiệp khi đặt chân lên điểm đảo.

Ngày cuối hành trình, tàu cập cảng Phú Quốc, tôi tiếp tục say sóng và được chuyển sang Đội Điều trị 78 để truyền dịch và uống thuốc…

Nghĩa tình theo từng con sóng
Chiến sĩ Tàu 924 (Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) dìu chị Lệ Thủy xuống cảng khi tàu cập bến (Ảnh: Thảo Hương).

Trung úy, bác sĩ Võ Tùng Dương (Đội Điều trị 78, Bộ Tư lệnh Vùng 5) - người trực tiếp chăm sóc chị Thủy kể: Tàu rung lắc do sóng lớn nên việc điều trị gặp khó khăn khi thực hiện các thao tác như tiêm, truyền. Bệnh nhân có cơ địa huyết áp thấp, có lần đo chỉ 90/60 mmHg. Tôi đã cố gắng ổn định các chỉ số sinh tồn cơ bản cho bệnh nhân, tiêm thuốc điều chỉnh rối loạn tiền đình và cho uống nước điện giải bù mất nước.

Cùng nhau vượt sóng...

Đại úy Cao Minh Hiếu, Thuyền trưởng Tàu 924 (Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) kể: Cách đây hơn 10 năm, khi còn học ở Học viện Hải quân, anh cùng các bạn học đã có cơ hội theo tàu ra luồng thử sóng. Dù ở trường đã được huấn luyện đu quay cầu sóng chống say sóng nhưng khi trực tiếp đối mặt với sóng, Hiếu vẫn không tránh khỏi cảm giác say sóng. Trong ruột có gì đều nôn ra sạch, cả mật xanh, mật vàng.

Nghĩa tình theo từng con sóng
"Đường chân trời" ngả nghiêng theo từng nhịp sóng khi nhìn qua cửa kính cabin lái Tàu 924 trong một ngày biển động cuối năm 2023 (Ảnh: Minh Hiếu).

Theo lời của Hiếu, trước khi đưa đoàn đại biểu chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và nhân dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, anh cùng đồng đội đã trải qua chuyến công tác một tháng trên biển Tây Nam. “Chuyến đi chỉ cách ít ngày trước đó nhưng biển động dữ dội. Con tàu như chiếc lá chao nghiêng giữa mênh mông sóng nước. Từ vị trí thẳng với ghế lái tàu, có thể nhìn thấy đường chân trời ngả nghiêng theo từng nhịp sóng qua cửa kính cabin lái, một góc nghiêng khoảng 30-35 độ. Đêm ngủ, cán bộ, chiến sĩ trên tàu cũng lắc lư theo nhịp ngả nghiêng của con tàu, có khi vừa vào giấc thì lại được cơn lắc của tàu đánh thức. Anh em chiến sĩ sức khỏe tốt, quen với sóng gió cũng không tránh khỏi có những lúc mệt mỏi nhưng rồi tất cả đều cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ”, Hiếu kể.

Nghĩa tình theo từng con sóng
Quân y đảo Hòn Khoai kiểm tra huyết áp cho thành viên Đoàn công tác.

Với những người lần đầu đi biển, cảm giác say sóng thật khó có ngôn từ nào diễn tả hết. Chuyến công tác này cũng là lần đầu tiên Trung úy, bác sĩ Hà Văn Quyền (Đội Điều trị 78, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) đi biển. Hành trình hơn 100 hải lý từ đảo Thổ Chu sang đảo Hòn Khoai chiều ngày 16/1 được cảnh báo sẽ vất vả cho các thành viên trên Tàu 924. Do vị trí xa đất liền lại đi ngang sóng, ngang gió, tàu nghiêng lắc nhiều, đa số thành viên đoàn đều say sóng trên hành trình này. Bác sĩ quân y Hà Văn Quyền không là ngoại lệ. Cố vượt qua cảm giác khó chịu trong cơ thể, Quyền đến từng phòng hỏi thăm sức khỏe các thành viên trong tàu. Kiểm tra huyết áp, kê thuốc cho những người bị say nặng…

Nghĩa tình theo từng con sóng
Những bữa cơm được tổ phục vụ bếp ăn Tàu 924 chuẩn bị chu đáo với đầy đủ các món giàu dinh dưỡng đã tiếp thêm năng lượng giúp các thành viên đoàn công tác nhanh chóng hồi phục sức khỏe (Ảnh: Hoàng Phương).

Trên đường đến đảo Hòn Khoai, say sóng khiến gần 2/3 thành viên đoàn phải “bỏ cơm”. Cán bộ, chiến sĩ tổ phục vụ bếp ăn trên tàu đã kịp chuẩn bị cháo nóng. Trong chòng chành sóng gió, Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Trọng Trung (tổ phục vụ bếp ăn Tàu 924), một tay giữ chặt xoong nồi để không bị hất văng khi tàu nghiêng lắc, một tay khuấy nhừ nồi cháo. Trong rung lắc của con tàu, thoảng trong mùi dầu máy nôn nao, hương gạo thơm dìu dịu từ nồi cháo tỏa lan khắp gian bếp như một lời động viên dịu dàng…

Nghĩa tình theo từng con sóng
Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Trọng Trung, tổ phục vụ bếp ăn Tàu 924 (bên trái) vừa trông chừng thức ăn vừa cố giữ chặt xoong nồi để tránh xô đổ khi con tàu nghiêng lắc trong sóng lớn (Ảnh: Hoàng Phương).

Gõ cửa phòng 109, Thượng úy Nguyễn Văn Duẩn, Chính trị viên Tàu 924 vừa hỏi thăm phóng viên các cơ quan báo chí vừa nhanh nhẹn bê từng bát cháo nóng đang bốc khói nghi ngút đến từng người. “Các chị cố gắng húp bát cháo nóng cho nhanh lại sức nhé”, anh nói. Lúc này nhiều thành viên của phòng đang nằm bẹp vì cơn say sóng, nhiều người từ chối bát cháo nóng và xin thêm túi nilon cho cơn nôn nao chốc chốc chực trào lên cổ họng. Như người mẹ chăm con thơ lúc ốm, người chính trị viên trẻ tuổi vẫn kiên nhẫn, ân cần động viên mọi người cố gắng ăn dù chỉ một thìa cháo nhỏ. Trước sự quan tâm, tình cảm ấy, phóng viên Bùi Thảo (Báo Quân đội nhân dân), Hoàng Phương (VnExpress), rồi lần lượt các thành viên trong phòng đều cố gượng dậy. Ánh mắt Duẩn sáng rỡ khi nhìn cảnh đó. Đợi chị em ăn xong, Duẩn mới chào để sang phòng khác hỏi han.

Những ngày sau đó, những bữa ăn đã có đông đủ thành viên đoàn công tác. Tiếng hát, tiếng nói cười rộn rã khắp boong tàu như chưa từng có những thời khắc lả đi vì sóng gió trước đó. “Nhìn các anh chị hồi phục sức khỏe nhanh thế này, chúng em mừng lắm”, Duẩn nói.

“Chuyến này, Tây Nam biển lặng, sóng êm, nhưng cũng phải đến khi tàu cập bến an toàn, thành viên đoàn mạnh khỏe, bình an, cán bộ chiến sĩ Tàu 924 mới có thể yên tâm được”, Thuyền trưởng Cao Minh Hiếu tiếp lời.

Trở về đất liền và nghĩ về hải trình đã qua, tôi chợt nhớ đến cuộc trò chuyện của hai thành viên trên tàu khi nói về chuyện say sóng ở Hòn Khoai: “Say rượu có thể say cùng nhau nhưng say sóng biết làm sao san sẻ?”. Một bát cháo nóng, một ánh nhìn chất chứa những quan tâm, những lời động viên hỏi han, những nỗ lực để đảm bảo an toàn cho mọi thành viên của đoàn công tác… đó là cách cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã chia sẻ với chúng tôi. Cùng nhau, chúng tôi đã vượt qua sóng gió, hoàn thành nhiệm vụ mang tình cảm, hương xuân từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc...

Từ ngày 15 đến 20/01/2024, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, doanh nghiệp và cơ quan báo chí đã thăm, động viên, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và nhân dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Đoàn đã thăm và chúc Tết Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và các đơn vị đóng quân tại đảo Phú Quốc; thăm Trạm radar 610, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tại đảo Thổ Chu; thực hiện lễ chào cờ tại Trạm radar 595 trên đảo Hòn Khoai; tổ chức gói bánh chưng tại Trạm radar 600 trên đảo Nam Du; tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo Hòn Đốc. Đoàn cũng đến thắp hương tại Đền thờ Thổ Châu trên đảo Thổ Chu; viếng Đền tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong cơn bão số 5 năm 1997 trên đảo Nam Du…

Với tinh thần “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”, đoàn công tác đã khắc phục những khó khăn về thời tiết, sóng gió, mang tình cảm, hương xuân từ đất liền đến gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi tuyến đầu Tổ quốc. Qua hải trình, các đại biểu cũng có cơ hội hiểu hơn tình hình biển, đảo hiện nay, thấy được thực tế đời sống, sinh hoạt, những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng trên vùng biển, đảo Tây Nam.

Tình cảm của đất liền tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ biển đảo Tình cảm của đất liền tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ biển đảo
Xuân Trường Sa - Cầu nối yêu thương từ đất liền ra biển, đảo quê hương Xuân Trường Sa - Cầu nối yêu thương từ đất liền ra biển, đảo quê hương

Hải An

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nghia-tinh-theo-tung-con-song-196450.html

In bài viết