Những niềm vui xuân mới ở Trường Sa

11:43 | 22/01/2023

Tết đến với các đảo ở Trường Sa cũng là lúc mỗi người lại có những cảm xúc và dự định riêng cho năm mới.
Tết ấm áp ở Trường Sa Tết ấm áp ở Trường Sa
Ngày trở về đúng dịp Tết, niềm vui của những người từng lầm lỗi Ngày trở về đúng dịp Tết, niềm vui của những người từng lầm lỗi

Tết đầu tiên ở Trường Sa

Đầu tháng 1/2023, thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng nhận nhiệm vụ đảm bảo vận hành các thiết bị năng lượng sạch trên đảo Sinh Tồn. Dù là lần đầu tiên đón Tết trên đảo ở Trường Sa, nhưng với anh, suốt 10 năm qua việc đón Tết xa nhà đã không còn là chuyện hiếm.

Thuộc lực lượng từng tham gia đấu tranh chống hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc hồi năm 2014, thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng nhiều năm ăn Tết trên biển. "Chỉ có 2 hoặc 3 cái Tết ở nhà, còn lại trực ở đơn vị là trên tàu hoặc tại quân cảng. Có những năm tàu trực tại khu vực biên giới trên biển ở phía Tây đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, khi đó đêm Tất niên mỗi người chỉ có 2-3 phút để gọi về hỏi thăm gia đình. Đúng giao thừa, tàu kéo 3 hồi còi như một nghi thức đón năm mới. Mùng 1 Tết mọi người vẫn làm nhiệm vụ bình thường".

Những niềm vui xuân mới ở Trường Sa
Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng và phóng viên VOV.VN

Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng chia sẻ, Tết trên biển thì mâm cơm cũng có đầy đủ thịt, cá, bánh chưng, nhiều hoạt động để mọi người đỡ nhớ nhà. Với người đi biển thì năm mới còn có các nghi thức cúng thần linh trên biển như thả muối, gạo và hoa xuống biển để cầu mong bình an. "Năm nay lần đầu tiên ăn Tết trên đảo, chắc chắn sẽ đông vui hơn. Ngoài những lúc làm nhiệm vụ thì tôi dành nhiều thời gian gọi điện thăm hỏi gia đình, họ hàng".

Nói về những dự định, thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng cho biết mong muốn lớn nhất là con gái có thể đi du học trong năm 2023. Còn xa hơn, khi về hưu, nhất định anh sẽ tìm công việc ở quê nhà Quảng Bình và đón Tết bên gia đình: "Ở quê tôi, xã Thanh Trạch, chiều tất niên khu phố thường làm cỗ để các nhà tụ tập; sau đó tất cả lại quây quần bên đống lửa ngồi hàn huyên chuyện năm cũ, năm mới cho đến tận giao thừa. Tôi nhớ đêm 30 Tết trời se se lạnh, thường có mưa phùn. Thế nhưng không khí hôm đó rất ấm áp, vui tươi, từ chiều xóm làng đã tất bật mỗi người mỗi việc. Dù công tác xa nhưng năm nào có điều kiện, tôi và gia đình vẫn về ăn Tết ở quê nội như thế".

nhung niem vui xuan moi o truong sa hinh anh 2
Luộc bánh chưng đón Tết trên đảo Sinh Tồn.

Thầy trò cùng đón Tết

Dạy học trên đảo Song Tử Tây từ năm 2018, Tết Quý Mão là lần thứ 3 thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc (quê Khánh Sơn, Khánh Hòa) đón Tết ở đảo cùng học sinh của mình: "Tết ở đảo vui lắm. Thầy trò được ăn Tết chung với bộ đội, điều đó rất khác biệt với đất liền. Các em cũng giống như những chiến sĩ nhí, cùng tham gia các hoạt động với bộ đội và học hỏi, thực hành tác phong quân đội".

Theo thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc, học sinh trên đảo Song Tử Tây được dạy theo mô hình lớp ghép do ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa xây dựng riêng cho hải đảo. Thường những ngày giáp Tết, các em được học về nghi lễ, phong tục Tết truyền thống của Việt Nam, học hát những bài hát xuân Tết và tập văn nghệ để cùng tham gia các hoạt động đón năm mới trên đảo. Mùng 1 Tết, thầy trò cùng mọi người đến thăm hỏi, chúc Tết các đơn vị phối thuộc trên đảo và đi lễ chùa. Buổi học đầu tiên sau Tết thường "nhẹ nhàng", chủ yếu ôn tập những kiến thức đã học.

nhung niem vui xuan moi o truong sa hinh anh 3
Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc và lớp học trên đảo Song Tử Tây.

"Lớp trên đảo có ít học sinh nên giáo viên có nhiều thời gian và cách tiếp cận, theo dõi riêng cho từng em. Ngoài chương trình theo quy định, giáo viên còn bổ sung thêm những kiến thức về cuộc sống, câu chuyện thực tế trong đất liền cho học sinh. Năm nay thư viện trường có thêm nhiều sách, báo do các đơn vị trao tặng nên cũng giúp các em giải trí và bổ sung kiến thức. Những kiến thức về lịch sử, chủ quyền đất nước, biển đảo hay quân đội thì các em tiếp thu rất dễ dàng vì sống trong môi trường này rồi. Tuy nhiên giảng dạy môn Anh văn, Tin học còn nhiều khó khăn", thầy Ngọc chia sẻ.

Cùng với nhà trường, các đơn vị và hộ dân trên đảo cũng chung tay để các em thiếu nhi đón Tết tươi vui. Chị Lưu Thị Cẩm Hằng – người dân sống trên đảo Song Tử Tây cho biết: "Tết ở đảo cũng không khác đất liền mấy, có khi còn vui hơn vì mọi người tập trung cùng nhau trong tất cả hoạt động, từ trước Tết đến trong Tết và sau Tết. Các con giúp đỡ bố mẹ gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, chăm cây cảnh. Dịp Tết bao giờ cũng có văn nghệ, trò chơi cho trẻ em. Các cháu vui nhất là được nhận lì xì, ăn nhiều món ngon ngày Tết".

Nhiều dự định cho năm mới

Khoe con gái lớn vừa đạt điểm cao môn Anh văn trong kỳ thi học kỳ 1 vừa qua, chị Lữ Kim Cúc (người dân sống trên đảo Sinh Tồn) rất vui vì con gái đã nhanh chóng bắt kịp việc học tập dù mới trở về đất liền. Tết Quý Mão cũng sẽ là cái Tết cuối cùng của chị Cúc ở đảo Sinh Tồn, và chắc chắn người dân, cán bộ và chiến sĩ trên đảo sẽ rất nhớ những món ăn của "chuyên gia ẩm thực" đặc biệt này.

Những niềm vui xuân mới ở Trường Sa
Chị Lữ Kim Cúc (áo vàng) cùng mọi người gói bánh chưng đón Tết Quý Mão 2023.

Có niềm đam mê nấu ăn từ lâu, chị Lữ Kim Cúc từng theo học một khóa bếp Âu – Á. Khi chị đến đảo Sinh Tồn, đời sống ẩm thực và tinh thần trên đảo dường như "sôi động" hơn. "Món gì tôi cũng nấu được hết. Nhưng mọi người thích nhất là tôi làm trà sữa, thạch rau câu, đặc biệt là bánh sinh nhật. Ở đây các chiến sĩ thường tổ chức sinh nhật chung theo tháng, những lần như vậy mọi người tụ tập quây quần rất vui. Ngày thường thì tôi và các chị em lại bày nhau nấu ăn, nướng bánh tráng mắm ruốc. Gần các dịp lễ, Tết thì lại cùng nhau chuẩn bị gói bánh chưng, mâm cơm tất niên…", chị Cúc kể.

Năm nay trong chuyến hàng Tết gửi ra từ đất liền, bên cạnh trái cây, rau củ hay thực phẩm; chị Cúc cũng chuyển ra một số nguyên liệu để làm bánh canh. Đây là "món sở trường" và cũng là món ăn gắn liền với mẹ của chị Cúc và những năm tháng tuổi thơ.

"Mẹ tôi có nghề nấu bánh canh, nhưng thực ra tôi không được học từ mẹ. Vì nhớ những hương vị này mà tôi tự mày mò để nấu. Bây giờ ở trên đảo muốn nấu bánh canh thì chuẩn bị nguyên liệu từ đất liền gửi vào, như bánh canh khô, chả cá… Đôi khi bát bánh canh ở đảo sẽ khác với đất liền như thiếu hành hay trứng cút".

Những niềm vui xuân mới ở Trường Sa
Bánh canh là món sở trường của chị Lữ Kim Cúc.

Thưởng thức món bánh canh ở Trường Sa là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ, để thực sự cảm nhận tình cảm của người dân nơi đảo xa. Trong tô bánh canh đặc biệt của chị Cúc đầy ắp những miếng chả, những lát thịt hộp ở đảo thay cho thịt bằm ở đất liền, với nước dùng nóng hổi thơm phức vốn đã được chuẩn bị từ sáng sớm…

Chị Cúc chia sẻ, dự định lớn nhất trong năm 2023 là mở quán bánh canh ở quê nhà – xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa): "Ở quê tôi món bánh canh rất được ưa thích. Người ta bán hàng từ 4h sáng vì nhiều người ăn xong còn đi làm sớm, có khi đến 8h đã hết hàng. Bánh canh mình làm được mọi người khen lắm, khi về đất liền mở quán hy vọng sẽ đông khách".

Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa tại Ba Lan: lan tỏa tình yêu biển, đảo trong cộng đồng kiều bào Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa tại Ba Lan: lan tỏa tình yêu biển, đảo trong cộng đồng kiều bào
Sáng 5/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đã có buổi tiếp Chủ tịch Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa tại Ba Lan (CLB).
"Xuân biên cương" với gia đình quân nhân huyện đảo Trường Sa
Tại thành phố Cam Ranh, đã tổ chức Chương trình “ Xuân biên cương - sẻ chia cùng hậu phương Trường Sa”.

Theo VOV

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/nhung-niem-vui-xuan-moi-o-truong-sa-181448.html

In bài viết