Ba thế hệ, một tình yêu nước Nga

08:00 | 06/11/2022

Trong gia đình PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh, mạch nguồn tình yêu đối với văn hóa con người nước Nga vẫn chảy qua từng thế hệ...
Đồng Tháp: Tổ chức lễ kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga Đồng Tháp: Tổ chức lễ kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga
Những công trình mang đậm tình hữu nghị Việt – Xô Những công trình mang đậm tình hữu nghị Việt – Xô

Ba thế hệ, một tình yêu nước Nga
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh và con gái, TS. Mai Nguyễn Tuyết Hoa. Ảnh: Hoàng Yến

Một đời nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa Nga

Tôi đến thăm nhà PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh trong ngày đầu đông. Căn nhà ấm cúng của bà mang đậm dấu ấn của nước Nga với ấm trà samovar, búp bê gỗ matryoshka và cả những bức tranh phong cảnh nước Nga. Trên những giá sách từng chồng sách bằng tiếng Nga xếp ngay ngắn.

Ở tuổi ngoài 80, Phó giáo sư Nguyễn Tuyết Minh vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Hằng ngày, bà thường vào Facebook để cập nhật thông tin và tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, học trò.

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thân phụ của bà là Tướng Nguyễn Chánh – nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh liên khu V, mẫu thân là cụ bà Phạm Thị Trinh – một lão thành cách mạng từng làm Hội trưởng Phụ nữ khu V, Ủy viên tỉnh ủy Quảng Ngãi.

Năm 1954, khi 16 tuổi, lần đầu tiên bà đặt chân đến nước Nga cùng 99 lưu học sinh Việt Nam khác. Gần 2 năm sau đó, 80 người trở về nước và công tác. 20 người còn lại, trong đó có bà tiếp tục học tập tại Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moscow mang tên Lê-nin (nay là Đại học Sư phạm Quốc gia Moscow).

Năm 1961, hoàn thành chương trình cử nhân Ngữ văn, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh trở về Việt Nam, nhận công tác tại Ðại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà là khoa học đầu tiên của Việt Nam vinh dự nhận Huy chương Pushkin vào tháng 11/2017.

Nhắc tới những ngày đầu học tập tại “xứ sở Bạch Dương”, nữ tiến sĩ hồi tưởng: “Chúng tôi, những thiếu niên 15-16 tuổi lần đầu xa nhà, gặp muôn vàn khó khăn, từ rào cản ngôn ngữ, đến sinh hoạt, văn hoá. Khi đó, thầy giáo, cô giáo đưa chúng tôi đi chợ, đi nhà hát và chỉ bảo cho chúng tôi văn hoá ứng xử”.

Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, bà Tuyết Minh dành nhiều tâm huyết và công sức để soạn thảo bộ giáo trình tiếng Nga dành cho trường đại học chuyên ngữ và bộ đại từ điển Việt-Nga. Bộ từ điển gồm 2 cuốn với 80.000 từ, dày gần 2.500 trang đã cuốn mất 26 năm làm việc miệt mài của bà và các đồng nghiệp (từ năm 1986-2002). Trở về nước năm 2002, bà còn phải dành đến 10 năm để biên tập lại.

Phòng đọc Thế giới Nga không chỉ đơn thuần là một cửa sổ mở vào thế giới văn hóa giàu có độc đáo của nước Nga, còn là cây cầu kết nối giới trí thức Việt Nam đã được Liên Xô đào tạo trước đây. Phòng đọc là kết quả của Quỹ Thế giới Nga được Tổng thống Nga Vladimir Putin thành lập, nhằm thúc đẩy quảng bá tiếng Nga, hỗ trợ các chương trình dạy tiếng Nga trên toàn thế giới. Quỹ đã hợp tác với các tổ chức giáo dục xây dựng các phòng đọc trong nỗ lực quảng bá rộng rãi ngôn ngữ, văn hoá Nga, đẩy mạnh đối thoại, tăng cường hiểu biết với các dân tộc khác.

Cả cuộc đời gắn bó với tiếng Nga, bà Tuyết Minh bảo rằng đó là điều rất may mắn. “Tiếng Nga như người mẹ thứ hai trong gia đình tôi”, bà Tuyết Minh chia sẻ. Với bà, học tiếng Nga không những để biết được thêm một ngôn ngữ mới mà còn giúp mình hiểu thêm một nền văn hóa lớn của nhân loại. Học tiếng Nga không chỉ học ở trên giảng đường mà thông qua nhiều hoạt động đa dạng để tiếp nhận văn hóa và ngôn ngữ. Bởi lẽ đó, tiếng Nga đến với con gái bà, TS. Mai Nguyễn Tuyết Hoa, một cách rất tự nhiên.

Mạch nguồn tình yêu văn hóa Nga qua từng thế hệ

Từ nhỏ, cô Tuyết Hoa đã học một vài câu chào hỏi, một vài bài hát Nga được học để giao tiếp với các chuyên gia Nga khi họ sang Việt Nam công tác, với học trò của bố mẹ. Nối bước những tháng ngày học tập phổ thông tại Nga, Hoa đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về ngôn ngữ Nga tại Việt Nam. Cô hiện là người phụ trách Phòng đọc Thế giới Nga, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là phòng đọc Nga đầu tiên tại Việt Nam và là phòng đọc thứ 47 trên toàn cầu. PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh là cố vấn khoa học của Phòng đọc này.

Cho đến giờ, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh vẫn tự hào gia đình mình có ba thế hệ học tiếng Nga: bản thân bà, con gái và cháu ngoại. Trần Mai Tuấn Phong hiện đang học tập tại Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO). Phong được bà và mẹ dạy tiếng Nga từ năm 4 tuổi. “Mỗi buổi chiều, sau khi soạn từ điển, bà lại dạy em những từ tiếng Nga đơn giản”, Tuấn Phong kể lại.

Ðó là cuốn từ điển đầu tiên sử dụng phương pháp đối chiếu, so sánh và tìm những điểm tương ứng giữa cả 2 ngôn ngữ, chứ không sử dụng phương pháp chiết tự phổ biến trước đây. Ví dụ, thành ngữ “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” được dịch trích tự từng từ, tiếp đó dịch nghĩa của cả cụm từ: Lựa tình thế, lựa người, lựa quan hệ mà hành động, đối xử cho phù hợp, cuối cùng nêu thành ngữ nghĩa tương ứng trong tiếng Nga “Đi với chó sói, sủa theo kiểu chó sói”. Phương pháp đối chiếu, so sánh ngôn ngữ khi làm từ điển song ngữ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Từ thưở ấu thơ, Phong đã cảm nhận được “tâm hồn Nga” qua lời nói, hành động các thành viên trong gia đình, qua món bánh pancake kiểu Nga (Oladi), qua những bài hát về Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, những bài hát thập niên 80 của thế kỷ trước như Triệu đoá hồng mà bà và mẹ thường nghe. Cả gia đình quây quần trước màn hình tivi xem trực tiếp lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 và Thông điệp Liên bang của Tổng thống Vladimir Putin từ lâu đã trở thành truyền thống của gia đình của gia đình PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Tuấn Phong mong năm tới sẽ được tận mắt xem lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Ba thế hệ, một tình yêu nước Nga
Trần Mai Tuấn Phong (giữa) cùng gia đình trong Lễ tốt nghiệp trường THPT Đại sứ quán Nga. Ảnh: NVCC

Năm 2020, Tuấn Phong tham gia cuộc thi hát trực tuyến tiếng Nga toàn cầu “Cội nguồn”. Ca khúc Alyosha đã giúp Phong giành được giải Nhất do khán giả và giải Nhất do Ban giám khảo bình chọn. Bài hát được tác giả A.Vanshenkin lấy cảm hứng từ tượng đài người lính Liên Xô Alyosha đã hy sinh trong cuộc giải phóng Bulgaria khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Năm 2022, Tuấn Phong giành giải nhất cuộc thi Olympic tiếng Nga dành cho học sinh THPT Việt Nam do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tổ chức và nhận được học bổng du học tại Nga.

Bà Tuyết Minh luôn tâm niệm, tiếng Nga có sự chặt chẽ và tính logic cao, do vậy học tiếng Nga không chỉ là học được ngôn ngữ mà còn học được tư duy khoa học và hệ thống. PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh, con gái và cháu ngoại bà sẽ tiếp tục vai trò “đại sứ văn hoá”, lan toả tình yêu văn hoá, con người Nga tới cộng đồng đóng góp phát triển mối quan hệ truyền thống nhân dân Việt Nam – Liên bang Nga.

VUFO về nguồn, tri ân nhân dân xã Điềm Mặc nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống VUFO về nguồn, tri ân nhân dân xã Điềm Mặc nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống
Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (17/11/1950-17/11/2022), ngày 3/11, đoàn đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã tổ chức về nguồn, thăm và tặng quà tri ân nhân dân xã Điềm Mặc - nơi thành lập tổ chức tiền thân của VUFO.
HUFO long trọng tổ chức kỷ niệm 105 năm Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại HUFO long trọng tổ chức kỷ niệm 105 năm Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại
Ngày 04/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh (HUFO) cùng Hội hữu nghị Việt Nam - Nga Thành phố Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại (7/11/1917-7/11/2022), một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Hoàng Yến

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/ba-the-he-mot-tinh-yeu-nuoc-nga-178012.html

In bài viết