Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

09:52 | 30/10/2022

Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bến Tre: Kết nối nông sản vào thị trường các quốc gia Hồi giáo Bến Tre: Kết nối nông sản vào thị trường các quốc gia Hồi giáo
Trải nghiệm Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn qua website thực tế ảo Trải nghiệm Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn qua website thực tế ảo
Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Hội thổi cơm thi làng Thị Cấm được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Báo Dân tộc và miền núi).

Vừa qua, Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm đã tổ chức Lễ đón giấy chứng nhận ghi danh Hội thi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào đúng dịp khánh thành tu bổ di tích đình Thị Cấm. Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm đã đầu tư tu bổ đình Thị Cấm với số tiền là 14,9 tỷ đồng, tạo điều kiện cho việc tổ chức lễ hội thuận lợi hơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết: “Hội thổi cơm thi Thị Cấm”, phường Xuân Phương được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân địa phương trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các cấp ủy, chính quyền quận Nam Từ Liêm sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức về công tác quản lý bảo vệ, phát huy giá trị di sản, để “Hội thổi cơm thi Thị Cấm” xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, ngày 9/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL công bố Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) lại cùng nhau có mặt tại đình làng để cùng tham gia Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống.

Đây là phong tục có từ lâu đời vào mỗi dịp xuân về, để cầu chúc cho người dân một năm mới no đủ, hạnh phúc và bình an.

Tương truyền, đời Vua Hùng thứ 18, quân nhà Thục sang xâm lược nước ta. Tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh đi đánh giặc. Khi dẫn quân qua làng quê Hương Canh (làng Thị Cấm ngày nay), ông ra lệnh tổ chức nấu cơm thi để tuyển chọn người giỏi công việc hậu cần đi theo phục vụ quân đội. Chiến thắng giặc ngoại xâm, tướng quân Phan Tây Nhạc ở lại vùng đất này, dạy nhân dân cấy lúa, dệt vải và sửa sang nghi lễ phong tục.

Sau khi qua đời, ông được nhân dân tôn thờ là Thành Hoàng làng. Để tưởng nhớ công ơn, người dân làng Thị Cấm mở Hội thổi cơm, thi vào ngày mùng 8 thang Giêng âm lịch hằng năm.

Trước hội thi, các đội thi chuẩn bị sẵn các vật dụng để chuẩn bị thổi cơm như chày, cối, rơm, nồi... để trổ tài nấu cơm nhanh và thơm dẻo nhất. Mỗi đội được Ban tổ chức phát 1kg thóc để nấu cơm.

Các nam thanh niên đem thóc vào cối giã. Thao tác phải thật nhanh và khéo léo để hạt gạo không bị vỡ. Sau đó, gạo được sàng trấu để loại bỏ sạn và vo sạch. Cùng lúc còn có một thiếu niên thi chạy cự ly khoảng 800 m từ đình làng ra chỗ lấy nước và quay về đình làng nơi tổ chức hội thi nấu cơm.

Tiếp đó, mỗi đội cử ra 4 nam thanh niên tham gia phần thi kéo lửa. Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co cho cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát.

Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng lên, dùng mồi lửa này để thổi cơm. Khi đó, không gian đình làng Thị Cấm nghi ngót khói lửa, vang dội tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ của dân làng, du khách.

Khi nồi cơm vừa cạn nước, các đội giấu vào trong đống than rơm chờ chín. Sau một tuần hương, các thành viên của Ban giám khảo đi tìm 4 nồi cơm trong rất nhiều đống tro rơm.

Nếu các đội khéo giấu thì thời gian được kéo dài và cơm sẽ chín đều, nếu giấu vụng, bị giám khảo tìm thấy ngay đầu tiên thì cơm dễ bị sống. Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, Ban giám khảo xới bốn bát để dâng lên Thành Hoàng làng. Cơm sau đó được chấm điểm công khai trước người dân và thành viên của các đội tham dự.

[Infographics] 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam [Infographics] 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam
Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Anh Vũ (T/H)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/hoi-thoi-com-thi-lang-thi-cam-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-177664.html

In bài viết